Các cổ động viên Nhật Bản hôm 28/6 như vỡ òa khi đội tuyển nước này vượt qua vòng bảng World Cup 2018 dù để thua Ba Lan với tỷ số 0-1. Dường như không điều gì có thể ảnh hưởng tới tâm trạng hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, đâu đó trong đám đông, những kẻ biến thái nổi tiếng tại Nhật Bản, hay còn gọi là "chikan", đang chuẩn bị thực hiện hành vi đồi bại với phụ nữ.
"Tôi nghe thấy tiếng hét vài lần, nhưng điều này không gây ngạc nhiên bởi đang có vô số người đang xem bóng đá và tiệc tùng trên đường", Izawa, 19 tuổi, trả lời SCMP hôm qua.
"Tuy nhiên, mạng xã hội sáng nay xuất hiện những bài đăng về việc phụ nữ bị quấy rối trong đám đông. Tôi chưa từng chứng kiến hoặc phát hiện những người gặp rắc rối, nhưng cũng khó bắt gặp điều này bởi có quá nhiều người ở khắp nơi", anh nói thêm.
Sau các trận đấu tại World Cup, mạng xã hội Nhật Bản tràn ngập bình luận của các cổ động viên nữ bị quấy rối khi đang xem bóng đá, khiến niềm vui của họ bị hủy hoại.
"Phụ nữ nên cẩn thận. Ai đó đã chạm vào ngực tôi và móc áo ngực gần như bị tháo ra. Tôi đề nghị phụ nữ nên đi với đàn ông để được bảo vệ", một cô gái than phiền trên Twitter.
"Tôi không mặc váy quá ngắn, nhưng ai đó đã kéo váy tôi. Tôi rất vui vì đội tuyển Nhật chiến thắng, nhưng tôi không thể tận hưởng điều này vì quá căng thẳng. Tôi không thích các cổ động viên bóng đá hôm nay", cô gái khác chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện chưa có nghi phạm nào bị bắt ở khu Shibuya, trung tâm thủ đô Tokyo, liên quan tới những hành động khiếm nhã. Điều này gây ra lo ngại những kẻ biến thái có khả năng sẽ lợi dụng trận đấu tại vòng 1/8 World Cup của đội tuyển Nhật để nhắm tới phụ nữ một lần nữa.
Các "chikan" từng bị nhà chức trách tại các tuyến đường sắt Nhật Bản trấn áp mạnh tay. Chuyên gia cho rằng những kẻ này dám lộng hành trở lại do số lượng người xem World Cup quá đông và không quen biết nhau, đồng thời sử dụng rượu để tăng "can đảm".
"Rượu thường xuyên được dùng làm cớ cho hành vi xấu trong xã hội Nhật Bản. Điều này có thể dựa trên nền tảng văn hóa, bởi lối sống tại nơi làm việc và ngoài đời của người Nhật khác biệt rất nhiều", theo Makoto Watanabe, giảng viên cao cấp về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo.
"Xã hội của chúng tôi chấp nhận việc say xỉn trong bối cảnh thân mật, nên điều này có thể được dùng để bào chữa cho lời nói hoặc hành động đã xảy ra", ông giải thích thêm. Việc tuyên bố bị say rượu không giúp một người tránh khỏi sự trừng phạt nếu họ phạm pháp, nhưng đủ để họ thoát được vi phạm nhỏ. Vì vậy, nhiều người đã lợi dụng điều này để thực hiện những hành vi quấy rối tình dục phụ nữ.
Trước vô số phàn nàn trên mạng xã hội sau trận đấu giữa Nhật Bản và Ba Lan, chính quyền có khả năng đề phòng hơn với những hành vi quấy rối trong trận đấu tiếp theo với Bỉ vào ngày 3/7, bất chấp nhiều khó khăn trong việc giám sát đám đông giữa không gian rộng lớn.
Ánh Ngọc