The Beguiled (Những kẻ khát tình) là phim dựa trên tiểu thuyết A Painted Devil (1966) của tác giả Thomas P. Cullinan. Trước đó, tiểu thuyết này đã một lần được chuyển thể lên màn ảnh rộng trong phiên bản phim 1971 do Clint Eastwood thủ vai chính.
Phiên bản làm lại của Sofia Coppola vẫn giữ nguyên hệ thống nhân vật chính, sự kiện chính nhưng được kể từ điểm nhìn của phụ nữ. Phim quy tụ dàn sao hạng A bao gồm Nicole Kidman, Kirsten Dunst, Elle Fanning và Colin Farrell. Tác phẩm giúp Sofia trở thành người phụ nữ thứ hai đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes.
Bối cảnh phim diễn ra ở một trường nội trú dành cho nữ sinh tại bang Virginia (Mỹ) trong thời kỳ nội chiến. Hầu hết giáo viên, học sinh và nô lệ đã rời đi, chỉ có cô hiệu trưởng Martha Farnworth (Nicole Kidman), giáo viên dạy tiếng Pháp Edwina Morrow (Kirsten Dunst) và năm học sinh khác ở lại.
* Câu chuyện xoay quanh ẩn ức tình dục của phái nữ
Một ngày nọ, cô học sinh Amy đi hái nấm, tình cờ bắt gặp John McBurney (Colin Farrell), một anh lính Liên bang bị thương ở chân. Là con chiên ngoan đạo, giàu lòng trắc ẩn, Amy đưa John về trường để chữa trị mặc dù biết John ở phe đối nghịch.
Nếu phiên bản năm 1971 mạnh về yếu tố giật gân nghiêng hẳn sang thể loại kịch tính, tác phẩm của Sofia Coppola là một phim tâm lý đúng nghĩa, đi sâu vào tâm hồn nhân vật. Sofia thể hiện trình độ bậc thầy trong việc thấu hiểu, nắm bắt và mô tả chiều sâu tâm lý phụ nữ. Bộ phim ngập tràn tính nữ, đẹp và nên thơ như một câu chuyện cổ tích.
Sự xuất hiện của một người đàn ông lạ đã đánh thức những bản năng giới tính và những khao khát thầm kín bị đè nén bấy lâu ở trường nữ sinh. Đám phụ nữ đứng ngồi không yên, ai cũng muốn tạo ấn tượng tốt nhất với John. Trong một khoảnh khắc, John dường như là người đàn ông may mắn nhất thế giới. Say sưa với cuộc sống như mơ, anh không hề biết rằng, cơn ác mộng đang ở rất gần.
Phụ nữ luôn mong muốn sự quan tâm, khao khát sự ghi nhận và say mê cảm giác mình là người đặc biệt. Người đàn ông nắm được tâm lý này sẽ giành được trái tim nàng. Sofia nhìn ra và mô tả nó với sự duyên dáng cùng một chút giễu nhại.
Sự tinh tế thể hiện rõ nhất qua cách Sofia cho John tán tỉnh những người phụ nữ. Những gì John nói và làm giống như ví dụ mẫu mực cho bất cứ cuốn sách kỹ năng nào về chuyện hẹn hò. Sofia rất hiểu phụ nữ rung cảm bởi những gì, điều gì chạm vào trái tim họ, cũng như những mánh khóe của đàn ông.
Nhìn chung, cách tiếp cận của John với phụ nữ có năm giai đoạn. Bước thứ nhất anh tỏ ra thái độ đồng cảm, như câu thoại: "Cô ở đây hẳn rất cô đơn; Cô hẳn đã phải gồng mình lên để mạnh mẽ rất nhiều". Bước thứ hai: ghi nhận, biết ơn công lao, như câu nói: "Nếu không có cô, tôi hẳn đã bỏ mạng".
Bước thứ ba, chàng trai sẽ bắt đầu ngợi khen khả năng chơi đàn hay nấu nướng của người phụ nữ. Bước thứ tư, anh tạo cho người phụ nữ cảm giác họ là người đặc biệt, đôi khi là tấn công trực diện bằng lời tán tụng: "Em là người con gái đẹp nhất tôi từng thấy". Bước thứ năm, anh gieo rắc ấn tượng về một sự kết nối đặc biệt giữa hai người, qua những lời khẳng định kiểu như: "Chúng ta đều không thuộc về nơi này".
Những người phụ nữ trong phim đều rất cô đơn. Cuộc sống của họ cực kỳ tẻ nhạt, u ám vì những tin tức đáng sợ của chiến tranh. Đàn ông ra trận hết, sự thiếu hụt phái mạnh khiến những ẩn ức tình dục bị đè nén luôn chờ cơ hội bùng phát. Giữa lúc ấy một người đàn ông xuất hiện. Đối với các em nhỏ, John gợi sự thay đổi, một chút phiêu lưu, một chút bí ẩn. Đối với cô nữ sinh tuổi dậy thì, John là đối tượng để thực hành kỹ năng tán tỉnh, là cơ hội để chứng minh cô đã lớn. Đối với những người đàn bà, John gợi lại những giấc mơ tình ái đã qua.
Chưa kể, sự cạnh tranh ngầm càng khiến John có giá. Anh vô tình biến thành một vị giám khảo để đám phụ nữ ganh đua, chứng tỏ mình là người đáng yêu nhất, tuyệt vời nhất. Trong một cảnh, Martha lau người cho John. Một người phụ nữ đức hạnh, cứng nhắc và sùng đạo phải dừng tay nhiều lần vì xúc động khi nhìn thấy cơ thể săn chắc của một người đàn ông. Đám phụ nữ mặc đẹp hơn, chịu khó làm điệu và lăng xăng hơn để thu hút sự chú ý của John. Sự ríu rít đó vừa có chút buồn cười nhưng cũng rất đáng yêu.
Khả năng thấu hiểu tâm lý phụ nữ của Sofia một lần nữa được thể hiện trong cách diễn giải hành động phạm tội của những người phụ nữ. Trong phim, không có một nhân vật nào thực sự ác. Nhân vật Martha của Nicole Kidman nghiêm khắc và cứng rắn. Cô nữ sinh Alicia của Elle Fanning chảnh chọe, xấu tính, nhưng từ đó đến sự độc ác là một khoảng cách rất xa.
Thật khó để kết tội những người phụ nữ trong phim. Họ lâm vào hoàn cảnh bất ngờ khiến buộc phải lựa chọn. Giống như những phụ nữ điển hình, họ chọn sự an toàn. Họ làm những điều họ cho là đúng nhất với hoàn cảnh hiện tại. So với phiên bản năm 1971, Sofia Coppola có cái nhìn thông cảm và bênh vực hơn với phái nữ.
Sofia Coppola còn rất thành công trong việc tạo không khí cho phim.
Mỗi khung hình của The Beguiled giống như một tác phẩm nghệ thuật: những tia nắng chiếu xuyên qua đám rêu, những ánh nến lấp lánh trong đêm, những bộ trang phục màu pastel trang nhã tuyệt vời, giọng nói êm mượt như nhung của những người phụ nữ. Sự bình tĩnh của Martha. Sự lẳng lơ của Alicia. Nét sầu muộn của Edwina. Sự ngây thơ của các em bé. Sự quyến rũ có chút tính toán của John. Tất cả hòa điệu với nhau như một bản giao hưởng.
Các diễn viên đều tròn vai nhưng không một ai quá nổi bật. Có vẻ như, Sofia muốn các nhân vật là một phần của tổng thể, không có ai trội hẳn lên, tránh rủi ro xô lệch cấu trúc hoàn hảo của tác phẩm. Nicole Kidman lại một lần nữa thể hiện một nhân vật thông minh, sắc sảo và kiêu hãnh. Kirsten Dunst - vốn chuyên trị những vai giàu sức nặng tâm lý - không khó để diễn vai diễn Edwina. Elle Fanning - đang ở độ chín nhất về nhan sắc - mê hoặc khán giả trong từng thước phim.
Với thời lượng 90 phút, The Beguiled có kết thúc đột ngột và đơn giản. Rốt cuộc sự xuất hiện của người đàn ông chỉ giống như hòn đá ném xuống ao bèo. Trong khoảnh khắc mặt nước xáo động, những vòng tròn đồng tâm liên tục tỏa ra nhưng ngay sau đó là sự yên lặng. Sau đó, mặt nước trở lại vẻ tĩnh tại vốn có như thể chưa từng có viên đá nào làm nó rung động. Sofia tôn trọng sự hài hòa, nhịp điệu, cô đã tiết chế rất nhiều nên bộ phim thiếu một chút bạo liệt, một cảm giác thỏa mãn cho cái kết.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 14/7.
Anh Trâm