Em bắt nạt bạn từ khi nào? - Em không biết.
Em thường chọn ai để bắt nạt? - Em không biết.
Em cảm thấy thế nào khi nhìn bạn bị đau đớn dưới tay em? - Em không biết.
Theo em, hậu quả của việc đánh bạn là gì? - Em không biết.
Chúng tôi có thể làm gì để giúp em? - Em không biết.
Tất cả các câu hỏi mở đều vô tác dụng. Mọi nỗ lực tạo dựng mối quan hệ giữa chuyên viên tham vấn và "thân chủ" đều bị vô hiệu hoá. Thái độ chống đối cùng sự im lặng đầy thách thức kéo dài suốt sáu buổi trị liệu tiếp theo.
Đó là một học sinh cấp hai người Singapore gốc Malaysia được xếp vào trường hợp cá biệt. Tôi đọc hồ sơ về Sharan: "Mười bốn tuổi, xát ớt cay vào môi bạn, lập băng nhóm trong trường, đánh bạn nhiều lần, từng bị kỷ luật và làm lao động công ích nhiều lần; cần gửi đến trị liệu tâm lý".
Khi tôi đến lớp đón Sharan về phòng tham vấn, cậu học sinh cao lừng lững hơn hẳn so với một người lớn, nước da sậm, dáng đi bất cần khệnh khạng, đôi mắt mở to lộ rõ nhiều lòng trắng trừng trừng nhìn tôi, không chào hỏi. Sharan là một "thân chủ không tự nguyện" điển hình. Em không sẵn lòng hợp tác để tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình, không hối lỗi và không nhận thức được bất kỳ hậu quả nào từ hành động của mình.
Buổi trị liệu thứ bảy với Sharan, thay vì đặt các câu hỏi, tôi cũng im lặng, chỉ bày ra cho cậu một bộ đồ chơi động vật. "Em hãy chọn một con vật để miêu tả từng thành viên trong gia đình em, và đặt một cái tên cho bức tranh đó".
Sharan im lặng nhưng ánh mắt khá tò mò lướt qua đống mô hình. Một lát sau, cậu đặt một con sư tử vào vị trí của bố, một con ngựa vào vị trí của mẹ, và một chú vịt con màu vàng bé nhỏ vào vị trí của mình. "Cô nghe các bạn nói rằng em là một người rất mạnh mẽ và giỏi thể thao. Em hẳn phải thừa hưởng sự khoẻ mạnh và cao lớn từ cha mẹ?". Tôi chưa dứt lời, cậu học sinh to lớn bật khóc. Bức tranh của em có tên là "Bế tắc". Em miêu tả người bố giống một con sư tử dữ tợn, luôn gào thét, lớn tiếng trong nhà. Người mẹ đã phi nước mã tháo chạy khỏi bố nhưng không đủ điều kiện kinh tế để mang em theo. Một mình Sharan ở lại với bố trong cuộc hôn nhân mắc kẹt.
Bố thường xuyên nhốt em vào toa lét, bỏ quên em trong đó và không cho ăn, cũng như từng làm vậy với mẹ. Vì thế, cậu bé nói, khi bắt nạt bạn, "em cảm thấy mình có quyền lực, mình chiến thắng. Ở trường, mọi người đều không dám trái ý em, còn ở nhà, em không biết nói với ai, em không cứu được mẹ em, không thay đổi được bố em".
Ngay sau buổi tham vấn thứ bảy với em, tôi lập tức phải báo cáo ngay với thầy hướng dẫn, tham gia một buổi họp khẩn cấp với ban giám hiệu nhà trường để điều hành ca khó, liên hệ với Cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Phát triển xã hội và gia đình và nhân viên công tác xã hội tại một trung tâm gia đình gần nơi em ở. Từng cơ quan sẽ phụ trách từng vấn đề khác nhau, từ hỗ trợ tâm lý học đường, hỗ trợ tâm lý gia đình, làm công tác giáo dục với phụ huynh, đến hỗ trợ các vấn đề kinh tế nếu cần. Tôi cũng phải trao đổi lại với tư vấn viên của những học sinh bị Sharan bắt nạt.
Tôi không khỏi hình dung nếu mình được giao là tham vấn viên tâm lý cho 5 học sinh đánh hội đồng nữ sinh ở Hưng Yên, hay nhóm nữ sinh Nghệ An tát, bắt bạn mình quỳ gối, tôi sẽ xoay sở thế nào; ai, cơ quan nào ở Việt Nam có thể hỗ trợ tôi một khối lượng công việc lớn, một khoảng thời gian dài có thể tính bằng tháng, với những mối liên hệ và những cuộc điện thoại mà tôi sẽ phải gọi để "mở" ca?
Tôi vô cùng trăn trở là, sau khi báo chí nêu sự việc nữ sinh ở Hưng Yên bị làm nhục công khai, người ta ngay lập tức đưa ra lời xin lỗi, nữ sinh cũng được hỗ trợ bằng thuốc và được thông báo có kết quả ổn định sau bốn ngày điều trị. Làm thế nào để đánh giá được rằng nữ sinh đã sẵn sàng đến trường? Bao nhiêu phần trăm các triệu chứng chấn thương tinh thần sẽ quay lại? Em đang chống chọi với sự sợ hãi, cô đơn, khủng hoảng ra sao? Và ngay cả với 5 em đã hành hung bạn, các em đã có kỹ năng gì để lấy lại lòng tin của bạn học, để kiểm soát được cảm xúc, hành vi, không còn gây bạo hành lên người khác?
Rất thường xuyên, những vụ việc bạo lực học đường dưới nhiều hình thức vẫn xảy ra nhiều năm, dưới nhiều mái trường. Rồi vài viên thuốc, lời xin lỗi lại chìa ra giống như đá ném xuống ao bèo. Nhưng cái gốc vẫn còn đó. Hay kể cả một phong trào "Nói không với bạo lực học đường" ở Việt Nam vẫn chưa thực sự bắt đầu.
Để cái gốc được giải quyết, một mô hình tham vấn học đường phải được xây dựng và chỉ đạo từ cấp Bộ, kèm theo đó là sự thiết lập các phòng tư vấn tâm lý đặt ngay trong từng trường học; các đường dây nóng chống bạo lực học đường phải công khai tới từng học sinh. Bên cạnh đó, cần cả sự kết nối của các cơ quan liên đới như hiệp hội bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trường học, bệnh viện, các cơ quan hành pháp và chính quyền địa phương, tất nhiên có cả từng gia đình.
Sức khoẻ tinh thần của trẻ và công tác bao quanh nó là những công việc rất tế nhị, phải đi vào từng cá nhân con người, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhu cầu và khả năng dễ bị tổn thương của từng học sinh. Bởi những kẻ bắt nạt, thực ra là người yếu đuối.
Lê Đỗ Nga Linh