Mark Ellwood, phóng viên Condé Nast Traveler, dành phần lớn cuộc đời tại Mỹ. Tủ đồ di động của Mark chính là chiếc vali luôn sát cánh trên mọi chặng đường. Dưới đây là một sự cố trong khách sạn được Mark chia sẻ trên Condé Nast Traveler.
Thật ngạc nhiên khi bạn trở về phòng khách sạn 5 sao vào đêm khuya và thấy cửa mở toang, vài gã trai trẻ lạ mặt đang sục sạo vali của mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Tôi phản ứng theo bản năng: hét lên với đám trẻ ranh và lôi chúng xuống sảnh. May mắn, tôi không có gì bị đánh cắp. Nhưng điều tệ hơn vụ trộm chính là phản ứng của khách sạn.
"Không cần phải gọi cảnh sát, thưa ngài, xin hãy bình tĩnh lại", quản lý khách sạn ca đêm nói. Tôi đã không la hét và chửi thề, mặc dù tình hình có thể đáng để tôi buông vài lời sỉ vả. Chỉ sau khi tôi dọa sẽ "ăn vạ" trước quầy lễ tân để không ai có thể check-in khách sạn thì anh ta mới chùn bước.
Tôi quyết tâm phải biết được phòng của mình đã bị đột nhập dễ dàng như thế nào và khách sạn sẽ làm gì để ngăn chặn điều tương tự xảy ra với những vị khách khác. Nhân viên phòng có bị buộc tội không? Vì sao tôi trở thành mục tiêu? Có phải tôi bất cẩn, và hoàn toàn có lỗi không?
Các chuyên gia nói rằng việc tôi khăng khăng báo cảnh sát là bất thường, có lẽ vì các khách sạn thích ngăn khách để lộ chuyện, dù đó là khách sạn một hay 5 sao.
"9 trong số 10 người từng gặp sự cố trong khách sạn không báo cảnh sát", theo Bob Arno, chuyên gia về an toàn du lịch người Mỹ. Tỷ lệ báo cáo thấp như vậy là một trong những lý do để giới trộm cắp trong khách sạn lộng hành.
Phòng khách sạn không thật sự là nơi an toàn?
Một chuyên gia ước tính mỗi ngày trong một khách sạn lớn ở thành phố xảy ra ít nhất một vụ phạm tội - hầu hết là trộm cắp. Ngay cả khi một vụ án xảy ra, cảnh sát cũng không phân biệt rạch ròi các vụ trộm trong khách sạn với các vụ trộm cắp khác.
Theo một nghiên cứu của các giáo sư Đại học Ball State và Đại học Quốc tế Floria tại Mỹ, 38% vụ trộm trong khách sạn thường xảy ra trong phòng nghỉ hơn là những khu vực chung. Số liệu này chắc chắn còn tăng lên trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, Paul Frederick, cựu phó chủ tịch an ninh toàn cầu của tập đoàn khách sạn Starwood, lại cho rằng 90% vụ trộm tại khách sạn xảy ra tại các không gian chung, 10% còn lại diễn ra trong phòng riêng.
Chưa biết số liệu nào chính xác, dường như những kẻ đột nhập phòng nghỉ của khách để trộm đồ luôn táo bạo hơn cả, bởi không gian này đáng lẽ là nơi an toàn nhất trong khách sạn.
Dù khách sạn có camera an ninh gắn khắp nơi và nhân viên luôn được đào tạo chuyên nghiệp, trộm cắp vẫn hoành hành. Trong nhiều trường hợp, thật dễ dàng gán tội cho những nhân viên có thu nhập thấp nhưng thường xuyên tiếp xúc với tài sản của khách. Định kiến này cũng bất công cho nhân sự ngành khách sạn.
Ông Frederick chỉ ra rằng chưa tới 2% kẻ trộm trong khách sạn là nhân viên. Luật sư Chris Johnston đồng ý với ý kiến này, ông bắt đầu sự nghiệp của mình với nghề gác cửa khách sạn và sau đó lên chức quản lý, trước khi thành lập một công ty luật chuyên về mảng du lịch.
"Những vụ tôi nghe kể nhiều nhất thường là ăn cắp vặt. Khách thường nói 'Tôi đặt 40 USD trên bàn trang điểm, giờ đâu mất rồi'", Johnston chia sẻ.
Những kẻ cắp đội lốt du khách
Nguy cơ lớn nhất không đến từ người trong khách sạn, mà là những kẻ cơ hội, đặc biệt là những ai hiểu phương thức khách sạn vận hành, theo chuyên gia Bob Arno. Ông chỉ ra một trong những đối tượng đó là "người đẩy cửa" - đi lại trong các hành lang và luôn đảo mắt tìm kiếm những cánh cửa không đóng kỹ.
Những tòa nhà luôn thay đổi, nhân viên bảo trì thường xuyên phải điều chỉnh cơ chế hoạt động của khóa cửa vì lý do bảo mật. Khi khách sạn cắt giảm ngân sách, nhân viên cáo ốm hoặc cấp quản lý kém, lịch bảo trì cửa có thể không thường xuyên - đồng nghĩa, một số cánh cửa có thể bị hư hại.
Một số tay trộm lão luyện hơn có thể lợi dụng chuông báo cháy để làm suy yếu hệ thống khóa cửa điện tử - vốn hỗ trợ lính cứu hỏa vào những trường hợp khẩn để họ có thể vào bất cứ phòng nào, giải cứu các nạn nhân. Từ đó bọn chúng có thể đột nhập phòng bất kỳ khi đội cứu hỏa đã rời đi mà không phát hiện cháy.
Vài kẻ lừa đảo có thể đóng giả làm khách nữ, xuất hiện tại sảnh vào giờ thay ca sáng, mặc bikini và đeo túi đi biển. Cô ta sẽ đi theo một nhân viên dọn phòng, vờ quên chìa khóa để nhờ mở cửa phòng kế bên. Khi nhân viên rời đi, tên trộm sẽ thoải mái vơ vét những đồ điện tử hay tư trang có giá trị trong phòng.
Bob Arno từng trải qua trường hợp tệ nhất trong một khách sạn lớn. Ông thiếp ngủ đi cùng vợ trong phòng, một người lạ mặt vào phòng lúc 3 giờ sáng dù cửa đã chốt.
"Chúng hy vọng bạn đang ngủ hoặc quá say để đột nhập và lấy đi thứ gì đó", Arno nói. Nếu bạn còn thức, kẻ trộm chỉ đơn giản nói chúng đã vào nhầm phòng, đổ cho khóa từ bị lỗi.