Claudio Ranieri, Robert Huth, Jamie Vardy cũng như rất nhiều cầu thủ khác của Leiceter City có một điểm chung: thành công của họ không hề từ trên trời rơi xuống. Đó là thành quả của một hành trình lao động miệt mài, đến mức người hâm mộ nghĩ có khi họ đã... chọn nhầm nghề.
Thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về chàng Sisyphus, vì miệt thị Thánh thần mà phải chịu hình phạt lăn một tảng đá lên tới đỉnh một ngọn núi, để rồi tảng đá lại bị sức nặng của chính nó kéo cho rơi xuống đất. Anh cứ làm công việc ấy, lặp đi lặp lại như con dã tràng xe cát trên biển. Cái lý của các vị thần là không có sự trừng phạt nào khốc liệt hơn sự lao động hoài công và vô vọng.
Nhưng lịch sử thể thao luôn vinh danh những người biết miệt mài lao động. "Nếu tôi thất bại, tôi sẽ đứng lên" là câu nói rất phổ biến trong thể thao. Đến cả một thiên tài như Michael Jordan, được xưng tụng là VĐV bóng rổ hay nhất lịch sử, cũng từng bị loại khỏi đội tuyển của trường trung học. Leicester City của hôm nay là tập hợp của những "chàng Sisyphus" như thế.
Hãy khởi đầu với HLV của họ, Ranieri. Ông là CĐV trung thành của AS Roma, sinh ra ở trung tâm của thủ đô Italy. Nhưng ông chỉ đá được vài trận cho đội bóng yêu thương trước khi bị tống khứ đến những đội bóng nhỏ hơn ở tận miền Nam. Rồi ông khởi nghiệp HLV, làm đội nào cũng rơi vào cảnh khởi đầu hứa hẹn bao nhiêu thì kết thúc lại bẽ bàng bấy nhiêu. Như viên đá lên đến đỉnh núi rốt cục lại rơi ngược trở xuống.
Mùa 1996-1997, Fiorentina của Ranieri - một Fio thật đẹp với Gabriel Batistuta và Manuel Rui Costa - vào đến bán kết Cúp C2 (đã bị khai tử năm 1999). Đối thủ của họ là Barcelona của "người ngoài hành tinh" Ronaldo và Pep Guardiola. Họ cầm chân đối thủ tại Nou Camp, nhưng rồi thất thủ trên sân nhà ở lượt về.
Bảy năm sau đó, Ranieri dẫn dắt Chelsea trong năm đầu tiên của kỷ nguyên Roman Abramovich. Sau khi loại Arsenal - một Arsenal hùng mạnh của thuở hoàng kim - tại tứ kết Champions League, Ranieri thấy cơ hội vào chung kết của ông và Chelsea sáng bừng khi đối thủ ở bán kết chỉ là Monaco. Nhưng khi tỷ số hai lượt trận đang là 1-1, Monaco chỉ còn 10 người, Ranieri lại tự quẳng đi lợi thế khi tung một trung phong vào thay cho một hậu vệ biên. Một lần nữa hòn đá lại lăn xuống vạch xuất phát.
Ranieri đã nếm trải cảnh về nhì tại bốn CLB ở ba quốc gia khác nhau, để rồi mùa liền kề sau đó không tài nạo trụ nổi đến hết tháng Hai. Một HLV tài năng dường ấy, cả đời bị sa thải đến gần chục lần, ông chủ nào cũng "rất quý nhưng rất tiếc". Ông hiểu hơn ai hết cái cảnh gục ngã ở ngưỡng cửa thành công rồi rơi vào cảnh phải làm lại từ đầu. Nhưng ông cũng là tấm gương của một kẻ không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh.
Jamie Vardy rõ ràng đã học được không ít từ Ranieri. Anh bị Sheffield Wednesday thanh lý hợp đồng khi 15 tuổi, bị kết tội hành hung năm 20 tuổi, phải thi đấu cùng với án quản thúc của chính quyền địa phương. Năm 24 tuổi anh hãy còn đá ở những giải đấu không được xếp hạng của Anh quốc. Bây giờ, tức năm năm sau, anh là tuyển thủ Anh và dẫn đầu danh sách dội bom của Ngoại hạng Anh.
Thủ quân của Leicester thì sao? Wes Morgan cũng bị chê là không đủ khả năng ở tuổi 15. Có lúc, đời anh ngỡ rơi vào ngõ cụt, một vài bạn bè của anh dính vào băng đảng và ma túy. Một số còn đang bóc lịch vì can tội sát nhân. Morgan cố vẫy vùng, thà chơi bóng ở những giải hạng thấp, còn hơn sa vào con đường tai ách ấy. Đến tận tuổi 30, anh mới xuất hiện ở giải đấu cao nhất bóng đá Anh.
Bây giờ Morgan sở hữu một cửa hiệu xăm mình, bản thân anh cũng là một "bảo tàng xăm di động". Năm ngoái anh cùng đội tuyển Jamaica dự Copa America, so tài với những Lionel Messi và Edinson Cavani.
Người đá cặp với Morgan, Robert Huth, cũng từng bị xem là một thảm họa. Anh đá trận chuyên nghiệp đầu tiên năm 2002, khi hãy còn là chàng trai 17 tuổi đầy triển vọng của Chelsea. HLV của anh khi ấy là Ranieri, anh khoác áo tuyển Đức hai năm sau đó, nhưng rồi sau đó mọi thứ trôi ra khỏi quỹ đạo. Trận thua tai hại 1-4 trước Italy mà Huth đá chính trước thềm World Cup 2006 khiến anh không còn được đoái hoài nữa. Mùa hè năm ấy Chelsea bán anh cho Middlesbrough. Suốt từ đó đến nay, anh toàn phải đá cho những CLB chỉ đặt mục tiêu trụ hạng.
Hậu vệ phải và tiền vệ trung tâm của Leicester, cả hai đều tên Daniel, đều sinh ra ở Manchester, đều là sản phẩm của lò Man Utd lừng danh và cũng đều chứng kiến giấc mơ trai trẻ của mình tan vỡ. Họ là Simpson và Drinkwater, từng ngồi xem trận chung kết Champions League 2008 của Man Utd và mơ một ngày cả hai sẽ là một phần trong đó, nhưng rồi họ liên tục trôi dạt qua các CLB theo dạng cho mượn, trước khi gặp lại nhau tại Leicester này.
Còn rất, rất nhiều những câu chuyện "nhọc nhằn mà chẳng nên công sức gì" như thế ở Leicester. Chuyện của Marc Albrighton, bị CLB mà mình gắn bó từ 8 tuổi là Aston Villa thải loại vì không đủ khả năng, phải trải qua bi kịch khi mẹ của bạn gái lâu năm bị khủng bố hạ sát khi đang nghỉ mát tại Tunisia. Từ ấy, hễ ghi bàn, chàng lại chỉ tay lên trời để nhớ về bà. Hay chuyện của Christian Fuchs, sự nghiệp cứ lận đận bởi chấn thương. Rồi chuyện của Shinji Okazaki, đá ròng rã 533 ngày mà không ghi nổi một bàn từ tình huống bóng "sống". Rồi chuyện của Kasper Schmeichel cứ mải sống trong cái bóng quá lớn của người cha huyền thoại...
Rồi như một định mệnh, tất cả đã tụ hội tại Leicester, dưới sự lãnh đạo của Ranieri, cùng nhau lăn những hòn đá của bản thân lên đỉnh núi một lần nữa, với niềm tin không gì lay chuyển nổi. Định mệnh tát ta một bên, ta đưa nốt bên còn lại cho nó. Đá lăn xuống, ta lại mải miết lăn lên. Thất bại càng nhiều, ta càng thấy quý những thời gian tươi đẹp.
Cuộc vật lộn để đạt tới đỉnh cao tự nó đã đủ để lấp đầy trái tim một con người. Và dù kết quả mùa bóng này có ra sao, "những chàng Sisyphus" của Leicester rõ ràng đang hạnh phúc.
Bởi hạnh phúc chưa bao giờ là đích đến, mà là trên những chặng đường, trên lưng chừng con dốc, dù biết hòn đá sẽ lăn, lăn mãi...
Hoài Thương