Lara Vapnyar
Khi tôi năm tuổi, cha bỏ hai mẹ con tôi để cưới một người phụ nữ khác, một người đàn bà cao lớn với bờ vai ngang tên là Maya. Không lâu sau đó, cha tôi qua đời. Với mẹ con tôi, cái chết của cha là một sự phản bội hai lần. Khoảng thời gian đó, những bức ảnh của các nhà văn Nga nổi tiếng bắt đầu được dán đầy trên tường của căn phòng mẹ tôi, chúng dần dần thay thế cho những bức ảnh của cha tôi ghi lại hình ảnh của ông lúc đang kéo chiếc cần câu rất căng lên khỏi mặt nước hay khi ông đang đứng nhìn ống nhòm bên bờ biển, giữa những con sư tử biển béo mập, da bóng nhẫy.
Chưa bao giờ tôi thích chân dung của Tolstoy cả. Ông ta trông giống như ông già Noel keo kiệt - người chẳng bao giờ đem đến một cái gì hay ho, khi nào cũng chỉ để lại một chiếc khăn đan len hay một đôi tất dưới cây Noel mà thôi. Thuở nhỏ, tôi tin là có hai ông già Noel: họ là hai anh em. Ông già Noel tốt bụng bao giờ cũng để lại những chiếc hộp xinh xắn đựng đầy những búp bê hay đồ hàng của búp bê. Còn ông già keo kiệt thì chỉ tặng tôi những bộ quần áo mà rồi thế nào mẹ cũng mua cho tôi.
Tôi cũng không thích chân dung Chekhov. Có điều gì đó đáng ngờ trong nụ cười toét miệng và chiếc kính kẹp mũi của ông ta. Dường như ông ấy biết được một chuyện nào đấy mà tôi muốn giấu. Chẳng hạn ông ấy biết chuyện về cái bình mà Maya rất yêu quý, cái bình mà chính tôi đã làm vỡ, sau đó đã cẩn thận vứt những mảnh vỡ đi rồi vờ như không hề biết gì về nó. Thật sự tôi hoàn toàn không thích Chekhov.
Còn Pushkin... Pushkin thì cũng bình thường. Ông ấy có lẽ là một người đẹp trai nhưng không có tướng nhà văn lắm.
Chỉ có Dostoyevsky là người mà tôi yêu mến. Ông ấy có bàn tay cứng cáp, có một vầng trán rộng, tưởng chừng muốn bục khỏi lớp da của ông vậy. Đôi mắt của ông thật nghiêm nghị, đôi mắt ấy nhìn thẳng vào tôi, không hề giấu diếm, không cần tỏ vẻ khôi hài giả tạo như những người lớn khác. "Dostoyevsky có cặp mắt khác thường", mẹ tôi nói vậy khi một lần bà bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn ông. " Một con mắt của ông ta có màu nâu trong khi con mắt kia lại có màu đen".
"Một cặp mắt khác thường!" Tôi sửng sốt nhắc lại lời mẹ, tôi hỏi mẹ xem ông ấy có vợ không. Mẹ bảo: "Ông ấy chết rồi. Nhưng hồi còn sống, ông ấy có một bà vợ. Tên của bà ấy là Anna Grigorievna".
Tôi thích cái tên ấy. "Bà ấy có tốt không mẹ?"
"Ồ, bà ấy là người rất tốt. Bà ấy đã chăm sóc Dostoyevsky cực kỳ tử tế. Khi ông ta cảm lạnh, bà ấy pha trà cho ông, ủ đầu gối ông bằng tấm chăn len".
"Con cũng có thể làm thế được". Tôi nói.
Và tôi tưởng tượng Dostoyevsky đang ngồi cùng bàn ăn tối với những con búp bê của tôi. Tôi biết chuẩn bị món cháo mạch cho lũ búp bê, cho chúng uống trà. Tôi sẽ trải một tấm khăn ăn lên đùi Dostoyevsky, bón cháo mạch cho ông, rót trà cho ông uống, rồi đặt ông lên giường. Tôi sẽ quấn một tấm chăn và khi nào cần, tôi sẽ lấy cái nhiệt kế đồ chơi của mình để đo nhiệt độ cho ông.
Dostoyevsky đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của tôi như thế - một nhà văn đã chết, người có hai con mắt khác nhau và một bà vợ rất tốt - cho đến khi tôi lên mười, năm ấy, bà ngoại, sau một trận đột quỵ, đã chuyển đến sống cùng hai mẹ con tôi. Từ đó, tôi được biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời của ông.
"Tên của ông ngoại cháu là Fyodor Mikhaylovich, cũng giống với tên của Dostoyevsky. Dostoyevsky là một kẻ điên rồ nhưng ông ngoại cháu thậm chí còn điên rồ hơn!" Một lần đứng cắt tóc cho bà, tôi được bà cho biết điều này.
Đến lúc đó, tôi cũng chỉ mới biết làm trò cắt xén những sợi tóc quăn đã trở nên tã tời của lũ búp bê mà thôi, nhưng bà ngoại cứ luôn than phiền rằng mái tóc dài làm cổ bà lúc nào cũng ngứa ngáy, thế nên cuối cùng mẹ đã quyết định giao cho tôi việc cắt tóc cho bà. "Con là đứa khéo tay mà", mẹ bảo thế. Hiếm khi nào tôi lại tỏ ra khó chịu trước những lời khen ngợi mình ra mặt như vậy và thế là một hôm, tôi lấy kéo ra khỏi ngăn bàn, dịch một chiếc ghế đến sát mép giường, dìu bà đến chỗ đó, tay đỡ lấy người bà. Bà nặng khủng khiếp cho dù nhìn bề ngoài trông bà như thể người không trọng lượng. Sau hàng tháng trời nằm liệt trên giường, dường như sức lực của bà đã bị rút kiệt không còn gì. Tôi có cảm giác bên trong cơ thể của bà chỉ còn sự trống rỗng, sờ vào người bà chỉ thấy xương xẩu lạo xạo dưới lớp da héo quắt, không khác gì những mẩu ghép hình bằng gỗ đựng trong chiếc túi vải bạt của tôi. Tôi trải một tấm một tấm khăn lên vai bà, tháo cái bờm tóc màu xanh của bà ra, rồi chải, cố gắng làm sao không để chạm vào da đầu bà. Da của bà, mặc dù ấm, nhưng mềm mềm như da người chết. Tôi hình dung nếu mình ấn tay vào đó, ngón tay mình có khi sẽ thọc xuống một vùng tối tăm nào đó, chạm đến một nơi còn nằm sâu hơn cả cơ thể bà nữa.
Sau cơn đột quỵ, bà tôi cứ liên tục hết điên lại tỉnh, thường xuyên bà sống trong trạng thái bất thường kỳ quặc mà tôi đành gọi là "nửa điên nửa tỉnh". Lúc đó đầu óc bà hầu như là minh mẫn: bà không nhầm tên chúng tôi, bà cũng chẳng lang thang đi đâu cả hay lấy dĩa để ăn súp. Suốt ngày bà chỉ nằm trên giường với cuốn sách đặt trên ngực - cuốn sách yêu thích của bà, nhật ký của Anna Grigorievna Dostoyevskaya. Trông bà lúc đó hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên với ai biết rõ về bà, vẫn có thể nhận ra dấu hiệu của tình trạng thần kinh bất bình thường ở bà. Đó chính là thói ham kể lể của bà, cái bệnh ham nói này chẳng cho bà được nghỉ ngơi, lúc nào nó cũng làm bà phải nói liên tục những lời tự thú buồn vui thất thường, khiến bà luôn luôn thèm có người nghe chuyện. Ông ngoại đã quá cố của tôi, người mà hiếm khi nào tham gia những cuộc chuyện trò trong nhà, là nhân vật chính trong những câu chuyện của bà - ông và một quý ngài khác cũng mang tên Fyodor Mikhaylovich - Dostoyevsky. Cả hai người đều hiện diện như những nhân vật trí tuệ và nhẫn tâm.
"Dostoyevsky là một kẻ tệ bạc, cực kỳ tệ bạc", bà tôi thốt lên khi tôi đang lấy kéo. "Lão đã hành hạ bà vợ khốn khổ của mình một cách quá đáng! Mà bà ta là nàng thơ của lão đấy. Không có bà ấy, lão ta đừng hòng viết được cái gì."
"Cháu biết tên của bà ấy. Tên của bà ấy là Anna Grigorievna." Tôi nói với bà.
"Anna Grigorievna. Đúng rồi. Ôi, bà ấy đã bị lão ta hành hạ khổ sở làm sao! Lão ta đã lấy hết tiền đem đi đánh bạc, thế mà lão lại còn trở về để lấy thêm nữa chứ. Nhưng tất nhiên lúc đó nhà của họ đâu còn cái gì nữa đâu, vậy là lão đem cầm cố tất cả những gì đáng giá của bà vợ, cốt sao có tiền để lại ném vào sòng bạc. Lão đã lấy đi nào nhẫn, nào khuyên, nào khăn choàng của vợ, có lần, còn đem bán cả giầy, cả váy của bà ấy, thế là bà ấy thậm chí không thể đi cửa hiệu được."
"Nhưng đi cửa hiệu để làm gì cơ chứ khi mà ông ấy đã đem hết tiền của nướng sạch trong sòng bạc rồi?"
"Có lẽ là bà ấy hy vọng có thể gặp một người bán hàng tử tế cho bà mua chịu. Hoặc cũng có thể bà ấy chỉ muốn đi xem hàng hoá mà thôi." Bà trả lời. "Và khi Dostyevsky trở về, chẳng những không hề nói xin lỗi, lão còn lớn tiếng quát tháo bà vợ vì đã không dọn bữa ăn phụ đúng giờ!"
‘Thế Anna Grigorievna có cãi lại ông ta không bà?"
"Không bao giờ. Bà ấy xin lỗi vì chưa chuẩn bị được bữa ăn phụ cho lão ta. Cháu thấy đấy, bà ấy cực kỳ tử tế."
"Được rồi, bây giờ bà hãy nhắm mắt lại nhé."
Tôi để lớp tóc mái để dài của bà xòa trước trán và lách mũi kéo lên phía trên lông mày, cẩn thận không để khía vào da bà. Khi bà nhắm mắt lại thì dễ quan sát bà hơn. Lúc ấy trông bà dịu dàng hơn, có sinh khí hơn, không khác lắm so với một người bình thường.
"Nhưng bà biết rồi đấy, Dostoyevsky là một thiên tài. Mà thiên tài thì ai cũng điên điên hết cả." Tôi nói.
Bà he hé ngước một con mắt lên từ phía dưới bàn tay tôi, để lộ một ánh nhìn tinh quái, lấp lánh.
"Đúng thế! Bọn họ! Tất cả bọn họ đều là những kẻ điên rồ chết tiệt!" Bà thốt lên. "Bọn chúng ta không bao giờ biết được phải làm thế nào để bọn họ vừa ý. Bọn ta nghĩ mình có thể chiều được bọn họ. Ta cố gắng để ý những thứ mà bọn họ thích. Nhưng bọn họ thất thường như thời tiết - sở thích của bọn họ thay đổi như chảo chớp. Ta đem trà với đường và kem - những thứ mà bọn họ ưa - để hầu bọn họ, riêng kem ta còn vừa mới đi ra ngoài mua, lòng đầy hăm hở nghĩ rằng mình đã dành cho bọn họ một thứ đặc biệt - thế nhưng bọn họ đã đối xử ra sao? Bọn họ quát tháo bảo bọn họ muốn cà phê và chanh cơ. Ta những muốn hất cả tách trà vào mồm bọn họ rồi đập cả cái tách lên đầu họ cho đến khi nó vỡ ra thì thôi, thế nhưng bọn ta lại không làm thế. Bọn ta xin lỗi. Rồi khi bọn họ về nhà với bộ dạng say khướt, áo quần thối nồng thối nặc - thật đấy, bọn họ còn ị cả ra quần - bọn ta cũng không tống cổ họ ra khỏi nhà. Ta dìu họ vào nhà, cởi quần áo cho họ, lau chùi cho bọn họ rồi đặt họ lên giường. Sau đó ta đến phòng tắm công cộng để giặt quần lót của bọn họ. Đó không phải là việc dễ làm đâu, cháu gái à, giặt những chiếc quấn lót bê bết phân giữa một lũ hàng xóm xung quanh nhìn ngó, vừa bịt mũi vừa la lối vì không thể nào chịu đựng được mùi thối, việc đó không dễ đâu. Thế nhưng chúng ta vẫn làm việc đó vì bọn họ, biết làm thế nào khác?"
Bà không ám chỉ đến Dostoyevsky trong câu chuyện đó đấy chứ?
"Chúng ta phải làm cái việc ghê tởm đó vì ai cơ bà?" Tôi hỏi. "Ai đã ị vào quần họ vậy?"
Hai con mắt của bà khuất sau lớp tóc lòa xòa lúc này mở lớn như mắt của những con thú linh lợi.
"Bọn họ chứ ai nữa! Những kẻ thiên tài ấy!"
Cơn tổng sỉ vả đó khiến bà như hết hơi. Bà nhắm mắt lại, gục đầu xuống, ngồi yên không động đậy - một tư thế thuận tiện để tôi có thể cắt lớp tóc trên đỉnh đầu của bà. Tôi hoàn thành công việc một cách lặng lẽ, cố làm sao để giữ mái tóc bà suôn bằng. Tuy vậy, cũng đến lúc một đứa trẻ mười tuổi cả tin phát hiện ra rằng lời người khác khen mình nhiều khi cũng chẳng đúng sự thật. Đến cuối buổi, tóc của bà tôi biến thành một mớ bùng nhùng. Tôi cố gắng làm nó bằng phẳng trở lại nhưng lại cắt quá sát da đầu bà. Khi bà tôi ngẩng đầu lên và mở mắt ra, trên cái đầu trụi của bà chẳng còn gì ngoài mấy sợi tóc vàng - trắng lơ thơ rung khe khẽ. Cùng với cái mũi khoằm và cái cổ gầy nhẳng bởi ốm đau, trông bà chẳng khác nào một con gà con cả. Một con gà con ốm yếu. Đúng hơn phải nói, một con gà con vừa già vừa yếu nếu quả như có tồn tại một sinh vật như vậy. Bà lắc lư cái đầu từ bên này dàng bên kia rồi gật gù. "Đẹp và mát mẻ đấy", bà bảo.
Sau ngày tôi tròn mười lăm tuổi không lâu, bà ngoại tôi qua đời, bỏ lại một cái giường không và một đống hộp thùng lỉnh kỉnh mà sau đám tang, mẹ tôi đã nhét tất cả những gì liên quan đến bà vào đó - quần áo thì đựng trong một cái hộp lớn, giấy má cho vào một cái hộp nhỏ còn tất tật những thứ còn lại khác thì đem bỏ vào một cái hộp vừa vừa. Một cảm giác nặng nề, buồn nôn - mùi của cái chết - vẫn còn lờn vờn trong nhà tôi khá lâu sau khi thi hài của bà tôi được đem đi. Thi thoảng nằm trên giường cố dỗ mình ngủ, tôi vẫn có cảm giác như nghe thấy tiếng rên của bà phía bên kia tường, lúc thì than vãn, lúc thì gọi người đến giúp. Những lúc như thế, tôi chỉ còn biết trùm kín chăn và vùi đầu dưới gối mà thôi.
Cho đến một lần khác, lần này tôi nghe thấy những tiếng rên rất thật, vọng từ phía cầu thang, tiếng rên của cô gái hàng xóm sống kế bên nhà tôi. Cô gái ấy chỉ hơn tôi hai tuổi, nhưng cô ấy sống một cuộc sống rất khác. Độc lập. Bất cần. Cứng cỏi. Cô ấy là nhân viên đang thử việc tại siêu thị và có thể mua quần áo cũng như đồ trang điểm bằng tiền mà chính cô kiếm được. "Biến đi, đồ nhãi già", cô ta quát bố mình như thế, đúng cái cách mẹ cô rủa xả chồng mình. "Bà câm đi, mụ già", cô ta cũng lớn tiếng với mẹ mình như vậy khi hai mẹ con tranh cãi với nhau. Bọn họ tranh cãi với nhau như hai kẻ bằng vai phải lứa, không như tôi cứ phải nước mắt ngắn nước mắt dài thanh minh mỗi khi mẹ đổ tội cho tôi về một việc gì đó. Cô gái hàng xóm trông cũng chẳng có điểm nào giống tôi. Cô ta nhìn như là đã ba mươi tuổi rồi ấy, mẹ tôi nhận xét. Còn tôi thì trông như mới mười hai tuổi. Có lẽ thậm chí còn ít hơn thế nữa. "Con Tanya như là không có ngực ấy", bọn con gái ở trường đã xì xào sau lưng tôi như vậy.
Suốt một năm, cứ thứ tư và thứ sáu, độ mười hay mười một giờ đêm, cô gái hàng xóm lại trở về cùng với một chàng trai. Vừa nghe thấy chuông thang máy reo trên tầng nhà nơi tôi ở, tôi vội vã chạy ra phòng trước, áp mặt vào cánh cửa gỗ lạnh lẽo nhìn qua lỗ hổng. Cô ấy đấy - bước ra từ thang máy, mắt nhắm hờ, chiếc áo khoác mùa đông không cài, và cơ thể của chàng trai ghì sát lấy cô gái từ phía sau. Họ dìu nhau ra phía cầu thang và tựa vào thành cầu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt chàng trai cả mà chỉ thấy bàn tay to bản, mạnh mẽ của anh ta rờ rẫm vùng ngực của cô gái, đánh vật với hàng tá lớp vải - nào là chiếc áo khoác lông, chiếc áo len đan, chiếc áo cánh may bằng vải cốt tông, rồi cái nịt ngực sa tanh. Tôi thấy khuôn mặt cô nàng đỏ ửng, tôi cũng thấy đôi môi chẻ sâu của cô thỉnh thoảng lại liếm láp gì đó. Tôi nghe được hơi thở hổn hển của bọn họ và cả những lời tục tĩu mà họ nói. Chàng trai ư ử hát: "Chúng ở đâu nào? Chúng ở đâu nào? Chúng ở đây này! Chúng ở đây này!" và tiếng rên của cô gái: "Im nào ! Nhãi con!" với một giọng điệu khác hẳn khi cô ta nói với bố mình.
Khi trở lại giường mình, tôi vội vã đút tay mình vào trong chăn. Tôi chẳng mơ màng gì về cảnh tượng giữa cô gái và bạn trai của cô. Ngược lại, vừa thả mình xuống giường, tôi đã thấy hình ảnh họ thật đáng ghê tởm. Thay vào đó, tôi lại mơ về những nhà văn đã chết, những khuôn mặt nghiêm trang được in nổi bật trên những trang sách giáo khoa bóng loáng của tôi. Gogol, Chekhov, Turgenev, Dostoyevsky. Những mái tóc xám, những vầng trán rộng, những ánh mắt hiểu biết. Cũng có đôi lần khuôn mặt của nhà văn tôi yêu bỗng nhiên biến thành khuôn mặt của một trong số những người đàn ông mà tôi biết, và ngay lập tức tôi dập tắt trí tưởng tượng của mình. Thật quá đỗi kỳ quặc, thật đáng xấu hổ khi hình dung xem mình sẽ phản ứng như thế nào nếu lần sau gặp đúng người đàn ông ấy. Sẽ an toàn hơn nếu dan díu với người chết.
Một nhà văn đã chết hiện hữu trong phòng tôi trong bộ trang phục tồi tàn từ hồi thế kỷ 19 - không hiểu sao bao giờ tôi cũng hình dung thấy họ, những nhà văn quá cố trong tình trạng như thế - ông ấy ngồi xuống bên mép giường với nét mặt thành thật và ân cần đến nỗi khiến tôi bật khóc. Ông dịu dàng nâng tôi dậy, đỡ lấy lưng tôi rồi áp tay tôi vào lồng ngực mình. Ông vuốt tóc tôi, xoa lưng tôi, sau đó ông cởi chiếc áo ngủ trên người tôi, chậm rãi mở từng chiếc cúc một và thì thầm những lời êm ái. Thế rồi tôi hoàn toàn khỏa thân nằm bên cạnh một nhà văn đã chết ăn mặc chỉnh tề trên giường (tôi chẳng hề thấy hình ảnh một nhà văn đã chết trong tình trạng khỏa thân có gì hấp dẫn cả), và chờ đợi một điều diệu kỳ nào đó xảy đến.
Ái ân kết thúc, nhà văn của tôi rời khỏi giường, trở lại với chỗ tọa lạc an toàn của mình trong sách giáo khoa. Dĩ nhiên làm tình theo kiểu này chưa đủ để làm cho cuộc đời trở nên đáng sống hơn. Thế nhưng hành động ấy vẫn hứa hẹn một điều gì đó; một điều gì đó lớn lao hơn thấp thoáng ẩn hiện dưới những ngón tay nhăn nheo và những chiếc áo cánh không cài khuy.
Đến năm lớp mười, chúng tôi bắt đầu được học về Dostoyevsky. Cô giáo yêu cầu trước khi bắt đầu đọc tác phẩm của Dost, chúng tôi phải chuẩn bị bài thuyết trình về những vấn đề trong tiểu sử của ông. Tôi chọn đề tài: "Những năm cuối đời của Dostoyevsky: Cuộc hôn nhân với Anna Grigorievna". Buổi chiều tan học về nhà, tôi vội lục tung những chiêc hộp đựng đồ đạc của bà. Trong một chiếc hộp cỡ nhỡ, tôi đã tìm thấy một cuốn sách nhỏ nằm dưới một mớ bưu thiếp đã ố màu, một cặp kính đọc sách đã gãy, hàng đống chai lọ không sử dụng, một lô thuốc men đã quá đát từ đời nào - cuốn nhật ký của Anna Grigorievna.
Tôi phủi bụi cuốn sách và ngồi thụp xuống ghế bành trong cảm giác đầy hưng phấn. Thế là sau bao nhiêu năm, giờ tôi mới trở lại với nhà văn có hai con mắt khác nhau; tôi muốn khám phá xem trở thành nàng thơ của đời ông thì như thế nào. Nhưng chỉ đọc chừng dăm trang, tôi cảm giác hoặc là tôi, hoặc là cuốn sách đã có sự nhầm lẫn, cực kỳ nhầm lẫn, mà tôi không hiểu rõ đó là gì. Nàng thơ là đây: Anna Grigorievna Snitkina, một nhân viên tốc ký trẻ tuổi, vừa mới tốt nghiệp, nhờ một cơ hội may mắn đã được làm việc cho Dostoyevsky. Ông cần một người viết tốc ký vì đang phải hoàn thành gấp một cuốn tiểu thuyết (để trả nợ theo một giao kèo nào đó - tôi bỏ qua những chi tiết nhàm chán). Họ thoả thuận rằng ông sẽ đọc chính tả và Anna sẽ viết tốc ký rồi sau đó sẽ sao lại những gì cô ta đã viết. Sau một khoảng thời gian làm việc với nhau như thế, họ bắt đầu thấy gắn bó với nhau, và rồi một ngày kia ông ngỏ lời cầu hôn và Anna đồng ý. Tôi ngừng đọc và quay trở lại phần đầu cuốn sách.
Khi Anna Grigorievna đến gặp Dostoyevsky lần đầu tiên, bà ta mang theo mình một cuốn sổ dùng để ghi tốc ký và một hộp bút chì loại tốt nhất đã vót nhọn. Bà ta miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết chuyện mình đã đến cửa hàng tạp hóa để mua những chiếc bút chì đó như thế nào - bà ấy muốn gây ấn tượng với Dostoyevsky bằng những chiếc bút chì đó ư? Dối trá! Dối trá hết sức! Bà ta không đả động chút nào việc mình đã phải bỏ bao nhiêu thời gian để chăm chút đầu tóc hay lựa chọn quần áo! Tôi vứt phịch cuốn sách xuống ghế nệm với tất cả sự bực bội của một con bé mười sáu tuổi, nhưng tôi không bỏ cuốn sách đó được. Tôi tiếp tục đọc, trí tưởng tượng của tôi sẽ bù đắp cho những chi tiết mà Anna Grigorievna đã bỏ sót.
Nàng cúi đầu làm công việc của mình. Nàng không ngước mắt lên nhưng nàng cảm nhận được sự hiện diện của ông. Ông cứ đi qua đi lại, đi qua đi lại. Nếp gấp áo khoác của ông thi thoảng lại chạm vào lưng nàng, bước chân nặng trĩu của ông khiến ván sàn cứ cọt cà cọt kẹt. Ông thở dài. Ông lẩm nhẩm. Ông thì thầm mấy tiếng gì không rõ. Ông nhìn nàng - thoạt đầu ông không nhận ra là mình đang nhìn nàng nhưng dần dà ông càng để ý đến nàng nhiều hơn. Ông ngắm cái cổ thanh tú đầy nữ tính của nàng. Ông nhớ như in tấm lưng của nàng, màu tóc của nàng, bàn tay nhanh nhẹn, chắc chắn của nàng lúc viết mỗi khi ông suy nghĩ để hình thành những cấu trúc câu phức tạp.
Tôi cảm thấy ngộp thở. Phải, thế là có "một người đàn bà khác" ở bên cạnh người đàn ông đã chết cách đây gần trăm năm rồi, nhưng điều đó chẳng làm cho sự ghen tuông trong tôi ít tính hiện thực hơn hay trở nên bớt đau đớn hơn một chút nào. Tôi căm ghét Anna Grigorievna. Tôi ghét cay ghét đắng bà ấy. Tôi cảm thấy tức thở cùng với sự giận dữ khi bà ta miêu tả Dostoyevsky đã gọi bà bằng những cái tên trìu mến, đã mua hoa quả và bánh kẹo cho bà, đã quỳ xuống dưới chân bà bày tỏ tình yêu như thế nào (thường là sau khi ông ấy đã đem đi một số tiền còn lại nào đó để nướng vào sòng bạc - nhưng lúc đó tôi ở trong trạng thái đang bị kích động nên không để ý đến những chi tiết ấy). Hễ đọc đến đoạn nào miêu tả cảnh ông chửi mắng hay lạnh nhạt với bà ta là tôi lại thấy trong mình dâng lên một niềm khoái trá ngọt ngào.
Tôi không thấy thỏa mãn khi phát hiện ra bà ta cũng chỉ là một cô gái bình thường, không xinh lắm, không thông minh lắm, chẳng có điểm nào nổi bật, lại còn thực tế và thậm chí nhỏ nhen nữa. Tầm thường như Anna Grigorievna thế mà lại có được người đàn ông trong mơ của đời mình, lại trở thành nàng thơ của ông. Chính bà ấy đã khơi nguồn cảm hứng để Dostoyevsky viết nên những tác phẩm mà sách giáo khoa của tôi gọi là "những hạt ngọc của văn chương thế giới".
Dostoyevsky đã đọc chính tả cho bà ấy. Nhưng bà ấy mới chính là người đã thật sự viết cuốn "Con bạc". Bàn tay của bà ấy chạm vào từng trang giấy, chính những ngón tay đưa ngòi bút của bà đã biến những âm thanh thốt ra tức thời trở thành vĩnh cửu. Con mắt của bà chính là chứng nhân đầu tiên được nhìn thấy những con chữ mà ông phát ra. Và chính là nhờ hành động viết của bà, những kẻ khác mới được nhìn thấy những câu chữ ấy. Thế thì không phải bà còn hơn cả một nàng thơ sao?
Điều đó thật không thể nào chịu đựng nổi. Tôi nhét cuốn nhật ký của Anna Grigorievna xuống dưới chiếc ghế bành của mẹ tôi, nơi mà nhiều năm trước đây, tôi đã giấu cuốn sách đáng sợ của ông chú "Atlas về bệnh hoa liễu". Tôi phải đọc cuốn "Con bạc" mới được, cuốn tiểu thuyết mà bà ta đã viết. Tôi phải đọc nó, cho dù điều này có thể làm tôi đau đớn.
Tôi đã tìm thấy cuốn sách ở tầng trên cùng của giá sách, một cuốn sách mỏng, bìa sách màu xanh đã phai. Tôi liền đứng ngay trên ghế đọc nó, bàn chân dẫm lên mặt chiếc ghế nệm bằng nhung. Sau một vài trang, tôi bước xuống, lê chân khắp phòng, và cuối cùng từ từ ngồi xuống giường, mắt không rời cuốn sách. Tôi đọc ngấu nghiến từng dòng chữ, mê mải như một kẻ say. Cuốn sách có một cái gì đó khiến tôi rất háo hức nhưng tôi không nhận diện được điều đó là gì. Điều đó lớn hơn, quan trọng hơn, thú vị hơn các nhân vật hay cốt truyện - đó là một điều gì đó nằm ở bên ngoài trang sách.
Đến giữa chương 6, cuốn sách làm tôi giật mình. Lại có sự xuất hiện của một người phụ nữ khác! Một người phụ nữ thực sự, người đã trao sự sống cho nhân vật Polina, và cho cả cuốn tiểu thuyết này: người phụ nữ ấy là nàng thơ của Dostoyevsky. Dostoyevsky đã có quan hệ với nàng trước khi gặp cô thư ký nhiệt tình của mình, Anna Grigorievna. Chính người phụ nữ ấy mới là người mà Dostoyevsky yêu thật sự. Mức độ của nỗi đam mê ấy được thể hiện trong cuốn tiểu thuyết mãnh liệt đến độ một kẻ như tôi, thậm chí còn chưa hiểu biết gì về những thứ tình cảm na ná như tình yêu, cũng có thể nhận ra. Có một đoạn văn mà tôi cứ đọc đi đọc lại:
Ở nàng có điều gì cuốn hút đến thế nhỉ? Tôi không thể nào nghĩ ra. Nhưng quả thực có một cái gì đó rất cuốn hút ở nàng - một điều gì đó vô cùng đẹp, dường như là vậy. Nàng làm tôi xao lãng hết thảy mọi thứ quanh mình. Nàng cao ráo và gọn gàng, lại rất đỗi mảnh dẻ. Nhìn cơ thể nàng, ngỡ như có thể đem buộc thắt nó lại hay gập nó làm đôi giống như một cuộn thừng vậy. Dấu chân của nàng dài và thon nhỏ. Dấu chân ấy làm người ta bị ám ảnh - phải, nó chính là cái dấu chân gây ám ảnh. Tóc nàng hoe hoe đỏ và mắt nàng xanh như mắt mèo - thế nhưng đôi mắt ấy cũng có thể lóe lên một vẻ kiêu hãnh và khinh bạc trên khuôn mặt.
Dấu chân gây ám ảnh - cụm từ ấy gây ấn tượng cho tôi đến độ tôi thả rơi cuốn sách, úp mặt xuống giường và bật cười hạnh phúc, như thể tôi, chính tôi đã khiến một người đàn ông như Dostoyevsky trở nên ngơ ngẩn. Tôi chẳng giống Polina chút nào. Tôi không cao ráo, tóc cũng chẳng hoe hoe đỏ, lại cũng không có đôi mắt mèo, tôi không kiêu hãnh cũng chẳng tàn nhẫn mà cũng không có nét gì khinh bạc cả - chẳng có đặc điểm nào mà Dostoyevsky miêu tả tôi có thể xem là giống với mình. Nhưng Polina khác hẳn với Anna Grigorievna đáng ghét, chính điều đó khiến tôi tự cho phép mình đồng nhất với nàng. Tôi cho phép Dostoyevsky yêu nàng. Tôi cầu nguyện cho tình yêu của họ.
Tôi tưởng tượng thấy Anna Grigorievna đang ngồi bên bàn của Dost với những chiếc bút chì thượng hạng của mình, sao chép lại cái thế giới điên tình của ông, cái thế giới không có chỗ dành cho bà. Thế giới ấy do Polina thống trị, người chưa bao giờ mang đến cho Dost một tách trà, chưa một lần đắp cho ông tấm len dạ, chẳng khi nào thèm hôn lên mái đầu hói của Dost hay ghi tốc ký cho ông, nhưng đó lại là người, chỉ với bàn chân của mình, có sức mạnh thiêu đốt ông, hành hạ ông, khiến ông phát điên.
Bao giờ trở thành một nàng thơ, tôi sẽ giống như Polina. Không bao giờ tôi muốn mình giống như Anna Grigorievna cả. Không bao giờ.
Tác giả: Lara Vapnyar, nhà văn Mỹ gốc Nga và viết bằng tiếng Anh. Cô đã xuất bản tập truyện "Trong nhà tôi có người Do Thái" (There Are Jews In My House). Hiện cô đang bắt tay vào viết một tiểu thuyết. Độc giả cũng có thể tham khảo thêm về cô qua bài phỏng vấn trên The New Yorker. |
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Memoirs Of A Muse, The New Yorker số ngày 1/11/2004