Nguyễn Mạnh Hùng, ở huyện Chư Sê, Gia Lai, biết đến game từ năm lớp 9, sau lần được bạn bè rủ chơi trò Liên quân, Liên minh huyền thoại. Năm lớp 10 phải học xa nhà, Hùng càng lún sâu vào game vì không có gia đình kiểm soát.
"Mỗi lần chơi em đều có cảm giác mạnh, chơi sướng tay vì được nhập tâm vào nhân vật. Khi chơi nhiều, em phải tư duy để đọc chiêu của địch, tính toán chiến thuật để thắng", Hùng, 19 tuổi, kể. Theo Hùng, sau khi được chủ quán tạo tài khoản, người chơi sẽ nạp tiền, thành viên tích cực sẽ được giảm giá, ví dụ nạp từ 20.000 đồng trở lên được miễn phí một tiếng.
Có hôm Hùng chơi từ sáng đến tối. Hùng nhẩm tính tiền chơi game 6.000 đồng một tiếng, gọi thêm bánh mì, nước ngọt, sau vài giờ Hùng phải thanh toán 60.000-70.000 đồng. Về đến nhà mệt rũ nhưng cậu vẫn tiếp tục cày game trên điện thoại.
"Hôm sau em đến lớp ngủ bù", Hùng nói, cho biết từng là học sinh giỏi hoặc tiên tiến, nhưng sau đó tụt xuống trung bình, "trong đầu không có chữ nào".
Phạm Đăng Khánh ở TP HCM cũng từng là khách quen của hai quán game gần cổng trường suốt những năm cấp ba. Mẹ Khánh mãi mới biết con nói dối đi học để đi chơi điện tử. Không ít lần em bị mẹ tìm đến tận quán lôi về, hôm sau bắt đi làm cho nếm mùi vất vả nhưng không tác dụng. Năm lớp 11, Khánh bị đúp, chuyển vào lớp có nhiều học sinh cá biệt.
Khánh không đếm nổi số lần lên gặp thầy hiệu trưởng, có lần bàn giao 13 tài khoản game với quyết tâm thay đổi. Nhưng nộp xong, Khánh lại lập tài khoản khác chơi.
"Game khiến người chơi có máu ăn thua, càng thắng nhiều sẽ càng lên vị trí cao. Nếu thua, em cay cú, càng muốn chơi nhiều hơn để không thua kém bạn bè. Trong đầu lúc nào cũng luẩn quẩn suy nghĩ về game", Khánh chia sẻ.
Năm 2016, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng thực hiện một khảo sát với 266 học sinh thường xuyên chơi game (sàng lọc trong số 500 học sinh lớp 7,8,9 các trường THCS ở Hà Nội). Kết quả cho thấy 41,4% học sinh chơi game từ lúc 8 tuổi hoặc sớm hơn, nếu tính số học sinh bắt đầu chơi game từ 10 tuổi hoặc sớm hơn thì tỷ lệ này lên tới 92,5%. Về thời gian, học sinh chơi game 1-2 tiếng mỗi ngày vào các ngày trong tuần, còn trong những ngày cuối tuần, thời gian chơi game khoảng 2 - 4 tiếng. Cụ thể hơn, 76,7% học sinh thường chơi game bất cứ khi nào có thời gian rảnh; 36,8% chơi sau khi đi học về và trước giờ ăn cơm; 34,6% chơi sau khi ăn cơm xong và trước khi phải học bài.
"Giãn cách xã hội cùng với sự tăng lên của tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần, tỷ lệ nghiện game cũng đang tăng một cách đáng kể", TS Nam nhận định. Ông cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã làm cho game gần với đời thực hơn bao giờ hết và những người trẻ cô đơn ngày càng bị dính chặt với chúng.
Theo thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), những học sinh thường xuyên nghĩ đến game và chơi quá nhiều sẽ dành ít thời gian cho học tập, thể thao, quan hệ xã hội và các hoạt động hữu ích khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra trẻ nghiện game học tập sa sút, thể chất kém, dễ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần như trầm cảm, lo âu. Một số em nghiện game có thể có hành vi bất thường, hoang tưởng. Khi bị cha mẹ ngăn cản, một số em thậm chí mắng chửi, đập phá, lấy trộm tiền để đi chơi game.
"Những trẻ như thế cần phải gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ", bà Nga nói, cho rằng nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ, nắm bắt mức độ ham mê game của con để điều chỉnh phù hợp.
Trả lời phỏng vấn VnExpress hôm 12/10, ông Bùi Quang Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê cho hay ở trường có nhiều em chơi game, đặc biệt sau hai năm dịch Covid-19. Ông thừa nhận việc giám sát khó, chủ yếu dựa vào sự quyết tâm của từng học sinh.
"Thời điểm các em giao nộp tài khoản game quyết tâm thế nhưng có khi 2-3 hôm nữa lại muốn chơi", ông Vinh nói, cho hay trường không cấm các em chơi vài phút giải trí trong giờ ra chơi nhưng cũng cảnh báo không nên quá sa đà để ảnh hưởng sức khỏe và học tập. Nhà trường cũng có hình thức theo dõi, động viên, tuyên dương những em có thay đổi tích cực.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng cần nhìn nhận đúng vai trò của game là để giải trí. Do đó, quan điểm học sinh bỏ học vì mê game, dù đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều phụ huynh và nhà trường, không phải lúc nào cũng đúng.
Theo ông Phú, cấm học sinh chơi game hoặc kiểm soát chặt các em không phải là biện pháp tích cực. Hơn nữa, với tâm lý thanh thiếu niên, "càng cấm càng làm". Thay vào đó, phụ huynh và nhà trường cần đóng vai trò định hướng, giúp học sinh hiểu bản chất của game là giải trí, và cân bằng thời gian để sử dụng loại hình giải trí này một cách hiệu quả.
Tại trường THPT Nguyễn Du, học sinh được học chuyên đề về sử dụng mạng xã hội, Internet, trong đó có nội dung về game. "Chúng tôi khuyên các em chọn những game nào có sự động não, rèn tư duy, tránh những game có nội dung đồi truỵ, bạo lực. Đúng là 'vẽ đường cho hươu chạy', nhưng phải vẽ sao cho đúng", ông Phú nói. Ngoài ra, phụ huynh cần đồng hành với con, thậm chí có thể tìm hiểu và học cách chơi game cùng. "Chỉ khi nói được ngôn ngữ của học sinh, chúng ta mới làm bạn được với bọn trẻ", ông nói.
Hùng hiện là sinh viên năm hai ngành Công nghệ thông tin của Đại học Gia Định, TP HCM. Nam sinh thừa nhận sự quan tâm của gia đình, sự sát sao của giáo viên chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng đã giúp em tỉnh ngộ. Từ kỳ hai lớp 12, Hùng dứt hẳn game, tập trung ôn thi.
"Tác hại của game quá lớn khi mắt cận, sức khỏe ảnh hưởng, làm gia đình và người xung quanh thất vọng. Nhưng nếu nhận ra, bạn vẫn có thể sửa sai và làm lại", Hùng nói.
Với Khánh, bước ngoặt chỉ thực sự xảy ra khi thầy hiệu trưởng biết chuyện em vẫn chơi game khiến phải học lại lớp 11. "Em nhận ra bao lâu nay mất thời gian, tiền bạc chạy theo một thứ hạng ảo trên mạng. Em đã nghe theo lời khuyên của thầy", Khánh nhớ lại.
Sau những nỗ lực, Khánh đạt học sinh tiên tiến ở học kỳ hai lớp 12. Tốt nghiệp năm 2021, Khánh không chọn đi học mà quyết định đi làm. Nhìn lại thời gian chìm đắm trong game, Khánh hối tiếc vì nếu chịu khó học, em đã không phải học lại một năm, có thể thực hiện ước mơ theo học ngành Công nghệ thông tin.
Tên một số nhân vật đã thay đổi
Bình Minh - Thanh Hằng