
Tuyết rơi kỷ lục ở Lào Cai. Ngày 15/12, nhiệt độ xuống dưới 1 độ C khiến nhiều vùng ở Lào Cai xuất hiện tuyết, dày nhất đến 40 cm. Theo ghi nhận của ngành khí tượng thủy văn thì từ năm 1961 đến nay mới có hiện tượng tuyết rơi vào tháng 12 và đây cũng là lần đầu Lào Cai có tần suất tuyết rơi cường độ mạnh trên diện rộng và mật độ dày. Tuyết chưa tan hết thì địa phương này lại có sương muối, gây thiệt hại lớn cho cây trồng và vật nuôi, con số ước tính khoảng 35 tỷ đồng. Không chỉ ở Sapa mà một số vùng núi khác như Hà Giang, Lai Châu cũng có băng tuyết và gánh chịu nhiều thiệt hại. Ảnh: Văn Thắng.

Cũng Lào Cai, trong năm qua đã trải qua ba trận mưa đá lớn, hai trận vào ngày 27/3; còn một trận ngày 29/3 đã phá hủy hoặc làm thủng hơn 10.000 mái nhà, hơn 30 người bị thương. Trong đó, đáng chú ý là trận mưa đá vào sáng ngày 27/3 với những viên đá to bằng nắm đấm, có viên to bằng chiếc bát ăn cơm với đường kính lên đến 10-14 cm. Trận mưa đá này được Trung tâm Khí tượng và Thủy văn ghi nhận là lớn nhất trong lịch sử. Hơn 20 năm làm công tác dự báo thời tiết ở Lào Cai, ông Lưu Minh Hải - Giám đốc trung tâm cho biết chưa bao giờ gặp trận mưa đá lớn và diễn ra liên tiếp trong ba ngày như vậy. Ảnh: Trung Kiên.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới lỷ lục. Với 19 cơn bão và áp thấp đi vào biển Đông, 2013 được coi là năm kỷ lục trong suốt 50 năm qua (năm 1946 có 16 cơn bão và áp thấp) trong đó 8 cơn bão và một áp thấp ảnh hưởng đến Việt Nam. Các cơn bão xuất hiện từ tháng 1, sớm hơn trung bình nhiều năm. Việt Nam liên tiếp hứng chịu siêu bão Wutip, Nari rồi đến Haiyan với sức hủy diệt kinh khủng nhất từ trước tới nay. Hàng chục người chết, thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng, nhiều tỉnh miền Trung lại chìm trong trận lũ lịch sử. Ảnh: Nguyên Anh.

Lượng mưa ngày cao nhất lịch sử ở Quảng Ngãi. Đợt mưa lớn giữa tháng 11/2013 ở khu vực Ba Tơ (Quảng Ngãi) có lượng mưa ngày cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử là 661mm (ngày 15/11/2013). Tuy tổng lượng mưa tháng chưa cao nhất trong lịch sử nhưng lượng mưa ngày đạt giá trị lớn nhất từ trước tới nay trong cùng thời kỳ (kỷ lục cũ được ghi nhận là 515 mm ngày 12/11/1938). Theo báo cáo tổng kết tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, nhìn chung mùa mưa ở cả Bắc Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ đến sớm và kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa tại các tỉnh Trung Bộ cũng xuất hiện sớm, từ tháng 7 đến hết tháng 11/2013 với nhiều đợt mưa vừa, đến mưa to đặc biệt ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ; tổng lượng mưa các tháng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ảnh: Trí Tín.

Bắc Bộ có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nắng nóng xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm. Từ tháng 4 đến hết tháng 11 toàn quốc đã xảy ra 12 đợt nắng nóng (ít hơn năm 2012 là 6 đợt), các đợt nắng nóng tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Riêng một số nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt độ đạt cao nhất trong lịch sử cùng thời kỳ từ năm 1960 đến nay, như Bắc Giang là 38,6 độ C ngày 16/5, Bắc Ninh 39,6 độ C ngày 16/5, Nam Định 39,7 độ C ngày 15/5, Ninh Bình 39,6 độ C ngày 15/5, Hà Nam 39,5 độ C ngày 16/5. Ảnh: TL.
Hương Thu