Đêm 20, rạng ngày 21/1 sẽ diễn ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Khi đó Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn.
Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến cho Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, thường được gọi là trăng máu.
Nguyệt thực lần này hiện diện ở hầu hết khu vực châu Mỹ, phía đông Thái Bình Dương, phía tây Đại Tây Dương, cực tây châu Âu và châu Phi. Việt Nam không quan sát được nguyệt thực lần này.
Hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 2/7. Lúc này Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời, để lộ ra lớp khí quyển bên ngoài tuyệt đẹp còn gọi là vành nhật hoa.
Đường đi của nhật thực toàn phần sẽ đi qua khu vực phía nam Thái Bình Dương, miền trung Chile và miền trung Argentina. Nhật thực một phần cũng sẽ xuất hiện ở các khu vực phía nam Thái Bình Dương và phía tây Nam Mỹ.
Ngày 26/12, người yêu thiên văn có cơ hội quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên. Do Mặt Trăng nằm quá xa Trái Đất và không thể che phủ toàn bộ Mặt Trời dẫn đến ở pha cực đại nhật thực có một vòng sáng xung quanh đĩa tối của Mặt Trăng.
Các chuyên gia thiên văn khuyến cáo, nhật thực hình khuyên chỉ có thể quan sát một cách an toàn thông qua các kính lọc Mặt Trời chuyên dụng, hoặc quan sát một cách gián tiếp.
Lần nhật thực hình khuyên này sẽ bắt đầu từ Saudi Arabia, di chuyển xuyên qua miền nam Ấn Độ, miền bắc Sri Lanka, một phần Ấn Độ Dương, và Indonesia trước khi kết thúc ở Thái Bình Dương. Một nhật thực một phần sẽ xuất hiện ở hầu hết Châu Á và miền bắc Australia.
Việt Nam có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần. Diễn biến cực đại vào thứ Năm (26/12) lúc 12 h 24 ở hướng 188 độ (so sánh với hướng Bắc theo chiều kim đồng hồ).