Tập ký của Lê Quang Trạng gồm 44 tản văn, dày 268 trang, xoay quanh các chủ đề gần gũi, quen thuộc ở miền Tây như Thương nhớ lục bình, Cất vó, Nước mắt quê hương, Ngôi trường không sách giáo khoa, Những cánh đồng của riêng tôi, Mưa quê ngang qua phố nắng, Những hạt bùn vạn dặm, Ghe hàng, Mùa vịt chạy đồng hay Lúa trời - lúa ma...
Từ thông điệp "bùn", sự bù trừ của thiên nhiên được tác giả tái hiện qua con chữ. Là mùa nước dâng cao ngập trắng đồng suốt nhiều tháng, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân, nhưng cũng mang đến cho họ nhiều sản vật, cá, tôm, góp phần cải thiện sinh kế. Ngắm khung cảnh quê hương, Lê Quang Trạng tự vấn không biết sông khởi hành từ khi nào, vượt qua bao ghềnh thác để chở những hạt bùn vạn dặm bồi đắp nên miền phù sa trù phú.
Tác giả đưa người đọc đến với mùa nước nổi, nghề làm mắm, nghề cất vó, Tết trâu hay cách thức cúng tế, lễ giỗ đặc trưng miền Tây. Độc giả cũng có thể tưởng tượng những hàng điên điển vàng ngút mắt trong mùa cá linh, chiêm ngưỡng ghe hàng chạy dọc sông, nhà lá, trái cây miệt vườn hay những hoạt động phong phú, độc đáo của người dân nơi đây...
Ở tản văn Sợi nhớ mong manh, tác giả hoài niệm tục ăn trầu và hình ảnh ông cố của anh lúc sinh thời - tóc bạc phơ, búi thành "củ tỏi", dáng đi nhanh nhẹn. Lúc nào trong túi cố cũng có ống ngoáy cùng mấy lát cau khô, trầu xanh đã quét vôi và cục thuốc xỉa. Gia đình nào cũng trồng một hàng cau trước cửa, đi đâu cũng nhớ.
"Người ta nhắc đến ông cố qua những ký ức về ông ngày ngày quây quần bên dãy đất ven sông, bên con trâu mỗi chiều nằm nhai rơm trong chuồng, có mẻ than un mạt cưa, khói tỏa bốn bề trắng xóa; bên luống cày, cái phản, cuốc, dao; bên con cá rô lẫy đẫy vũng chân trâu, con cá linh về trong mùa nước nổi... Nhưng khung cảnh này vẫn sẽ trống trải nếu kề bên ông cố thiếu đi miếng trầu và gói thuốc. Chi tiết nhỏ đơn sơ ấy là biết bao nỗi nhớ về ông, mà mỗi lần bất chợt gặp lại, mắt tôi bùi ngùi như thấy khói đi ngang qua", tản văn có đoạn.
Ở chủ đề Lạc trong ký ức của mình, người đọc có thể tưởng tượng khung cảnh những dòng kinh rạch, chảy ngoằn ngoèo như mạch máu. Nước đi đến đâu, cá tôm theo đến đó để sinh sống. Con người cũng nương theo, tìm gò đất cao ráo ven kinh cất nhà, khai phá và trồng trọt.
Nhà văn Ngô Khắc Tài nhận định các tản văn của Lê Quang Trạng là những hạt bùn lấp lánh, không chỉ mở ra miền đất Tây Nam trù phú, xanh tươi với bao điều vừa thân quen, vừa độc lạ, mà còn truyền "vạn dặm" nỗi nhớ về vùng đất hào sảng, nghĩa tình.
"Những trang viết của anh được ươm lên từ chính mảnh đất 'bùn' mỡ màu phù sa, xanh tươi như cây trái xứ vườn Nam bộ. Trạng là cây bút chịu khó lắng nghe, quan sát và chắt lọc, qua các tản văn, ta thấy tác giả đã cảm nhận, hiểu rõ buồn vui, vất vả, thăng trầm của quê mình. Cũng từ đây, anh thấu hiểu tính cách của đất, người xứ cù lao thơm thảo: thơ mộng, phóng khoáng, bao dung và hào sảng...", nhà văn Khắc Tài nhận xét.
Tác giả Lê Quang Trạng sinh năm 1996 tại An Giang, đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi viết, sáng tác suốt tám năm qua. Anh từng xuất bản Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn), Áp tai vào đất (tập thơ), Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài), Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn), Người chở chữ qua sông (bút ký)...
Thiên Lam