Chủ nhật, 26/1/2025
Thứ bảy, 25/7/2015, 07:29 (GMT+7)

Những hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất

Tàu thăm dò vũ trụ Kepler của NASA phát hiện12 trong số hơn 1.000 hành tinh ở Ngân hà có quỹ đạo quanh sao mẹ giống Trái Đất và có thể tồn tại sự sống.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm qua công bố tìm thấy một hành tinh có thể là "Trái Đất thứ hai", được đặt tên Kepler-452b. Bên trái là Trái Đất và sao mẹ - Mặt Trời, bên phải là mô phỏng Kepler-452b và sao mẹ của nó.
Giới khoa học vẫn chưa thể nói hành tinh này có đại dương và lục địa giống Trái Đất hay không. Hành tinh này to hơn Trái Đất 60%, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Cygnus.

Trước đó, hôm 17/4/2014, các nhà khoa học phát hiện một hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất, xoay quanh sao mẹ trong vùng "có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng, thích hợp cho sự sống phát triển (HB)".
Điều này không có nghĩa ở đó có sự sống, Thomas Barclay, nhà khoa học Viện nghiên cứu môi trường Bay Area, Mỹ và đồng sự cho biết. Họ đặt tên cho hành tinh này là Kepler-186f.
Kepler-186f có thể coi là "họ hàng của Trái Đất hơn là một Trái Đất thứ hai. Nó chứa đựng nhiều yếu tố giống với Trái Đất." Hành tinh do Kính thiên văn Vũ trụ Kepler phát hiện, cách chúng ta khoảng 500 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Cygnus. Một họa sĩ đã vẽ ảnh trên, mô phỏng Kepler-186f.

Tháng 6/2013, các nhà khoa học tuyên bố có ba hành tinh quay quanh ngôi sao Gliese 667c có thể ở được. Ảnh trên là viễn cảnh về một trong ba hành tinh, hướng về sao mẹ ở giữa bầu trời. Hai hành tinh còn lại là hai ngôi sao nhỏ phía xa.

Biểu đồ thể hiện những hành tinh được cho là quay quanh sao mẹ Gliese 667C. Trong đó, c, f và e có khả năng tồn tại nước dạng lỏng. Những hành tinh còn lại mặc dù kích thước tương tự, nhưng không có những điều kiện để tồn tại sự sống.

Biểu đồ những hành tinh mới được Kepler phát hiện, chia theo kích cỡ so sánh với Trái Đất. Kepler-22b được công bố tháng 12/2011, ba hành tinh còn lại công bố hôm 18/4/2013. Tất cả đều có thể tồn tại sự sống, nhưng con người vẫn chưa xác định được cấu tạo và khí quyển của chúng.

Biểu đồ so sánh các hành tinh trong hệ Mặt Trời với hành tinh trong hệ Kepler-62. Cả 5 hành tinh cách Trái Đất 1.200 năm ánh sáng.

Đồ họa Kepler-62e, hành tinh có quỹ đạo quanh một ngôi sao nhỏ hơn và lạnh hơn Mặt Trời, cách Trái Đất 1.200 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Lyra.

Đồ họa về Kepler-62f, cùng hệ với Kepler-62e.

Biểu đồ so sánh hành tinh trong hệ Mặt Trời với hành tinh trong hệ Kepler-69, trong đó Kepler-69c và 69b có khả năng tồn tại sự sống.

Kepler-69c cách Trái Đất 2.700 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Cygnus.

Đồ họa thể hiện những loại hành tinh khác nhau do tàu thăm dò vũ trụ Kepler của NASA phát hiện.

Hồng Hạnh (theo CNN/NASA)