Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, hàng trăm công ty nước ngoài đã ngừng hoạt động hoặc rút hoàn toàn khỏi nước này, với lý do xung đột tại Ukraine, lo ngại về sự an toàn của nhân viên hoặc các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Nga năm nay giảm 11,2%.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng liên tục kêu gọi các doanh nghiệp rời thị trường này để gây sức ép buộc Nga thay đổi. "Rời thị trường Nga là điều bắt buộc", ông cho biết tại hội thảo CEO Summit tổ chức tại London hôm 10/5. Ông Zelensky cho rằng các công ty còn giữ quan hệ tại Nga là đang trực tiếp hỗ trợ "cỗ máy chiến tranh" của nước này và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi hoạt động.
Tuy vậy, một số công ty vẫn giữ hoạt động tại đây, trong đó có Paxful - một nền tảng Bitcoin P2P tại Delaware (Mỹ) và Mapbox - startup bản đồ số tại San Francisco (Mỹ). Cả hai đều cho biết họ muốn gắn bó với các nhân viên ở Nga. Paxful hiện có 70 nhân viên tại đây, trong khi Mapbox có khoảng hơn 10 người.
"Đây là vấn đề đạo đức. Chúng tôi không thể bỏ đội ngũ của mình ở Nga được", Dmitrii Moiseev - Giám đốc An toàn Thông tin tại Paxful cho biết.
Nga là địa điểm hấp dẫn để tuyển nhân viên IT, do ở đây có các kỹ sư chất lượng cao và giá nhân công phù hợp, Moiseev giải thích. Đây cũng là một phần lý do Paxful chọn đặt một trong 4 trung tâm IT của hãng tại Nga. Gần nửa nhân viên IT của họ là ở thị trường này, chủ yếu là kỹ sư và lập trình viên.
Paxful cho biết vẫn sẽ tiếp tục tuyển dụng tại đây. Phó giám đốc phụ trách nhân lực Elena Nedvetskaya nói rằng việc này còn dễ dàng hơn sau khi xung đột nổ ra.
Robert Farish - Phó giám đốc International Data Corp cũng khẳng định thị trường việc làm IT tại Nga đang thay đổi theo hướng tăng cung. Số người liên lạc với các quảng cáo tìm việc làm IT đã tăng kể từ sau xung đột. Theo dữ liệu của một nền tảng tuyển dụng lớn tại Nga, lượng ứng viên trung bình nộp đơn cho mỗi việc làm IT được đăng tải hồi tháng 3 đã tăng lên 3, từ 1,3 hồi tháng 2.
Tom Lee - Giám đốc chính sách tại Mapbox cho biết khi xung đột nổ ra, công ty đã hủy kế hoạch tăng hiện diện tại Nga. Tuy nhiên, họ vẫn giữ nhân viên ở đây.
"Chúng tôi vẫn giữ cam kết với đội ngũ của mình. Đó là những người chúng tôi đã làm việc cùng, coi là đồng nghiệp từ lâu rồi", ông nói, "Hy sinh họ không phải là điều đúng đắn".
Jeff Lawson - CEO hãng truyền thông đám mây Twilio hồi tháng 3 cho biết họ cũng phải đánh vật với các băn khoăn tương tự khi xung đột mới nổ ra. Twilio không có nhân viên ở Nga, nhưng phải cân nhắc có nên ngừng dịch vụ ở đây không.
Cuối cùng, Lawson quyết định bỏ các khách hàng thuộc chính phủ, ngừng tìm khách hàng mới, trừ các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ. Hiện tại, họ cũng chỉ làm việc với khách hàng tư nhân có sẵn.
Lawson thừa nhận có nhiều lý do khiến các công ty rời Nga. Tuy nhiên, ông không muốn vì chuyện này mà cảm thấy áp lực. Thêm vào đó, ông cho rằng giúp người Nga tiếp cận các dịch vụ viễn thông cũng là "điều tích cực nên làm".
Hà Thu (theo WSJ)