Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, phố Trần Hưng Đạo râm mát bởi những cây sấu già nổi cục ở thân. Mùa hè quả chín đầy cây, ném chiếc dép lên cũng được dăm quả, mỗi cơn bão qua, sấu rơi kín đường. Mùa sấu thay lá, tôi ra quét lá mỗi ngày cũng được vài bao tải đem về cho bà nấu cơm. Trưa hè oi ả cùng tiếng ve ran ran từ đầu đến tận cuối phố. Tối đến, bọn trẻ đem cái sào tre với ít crếp ( từ đế dép xăng đan ngâm với dầu hỏa tạo ra một chất dẻo rất dính ) đi bắt ve sầu, đính ít crếp vào đầu que, chiếu đèn thấy chú ve nào là đưa sào tre ra dính chặt chú ve ấy. Khi đi còn chai nước kèm theo, dưới các gốc cây thường có tổ dế, nhìn thấy tổ dế là những cái lồ đường kính chừng 2 cm, có vệt dế đi ra vào nhẵn thin, lấy chai nước đổ vào hang, một lúc sau, không chịu được ngột, chú dế đành nhô ra, thế là bắt được.
Môi trường Hà Nội lúc đó trong lành, buổi tối châu chấu còn theo ánh đèn lao vào nhà, đôi khi cá cả cà cuống nữa, có cả châu chấu voi to bằng ngón tay cái nữa. Chim sẻ vẫn rất nhiều. Cò về đỗ đầy trên hàng cây sao phố Lò Đúc, ị xuống đường trắng xóa, chúng tôi gọi phố này là phố Cò ỉa.
Hà Nội với những hàng cây đặc sản của từng phố: Trần Hưng Đạo với những cây sấu già, Lò Đúc với hàng cây sao, Lý Thường Kiệt với những cây cơm nguội vàng, rồi cây bàng lá đỏ, cây hoa sữa nồng nàn, cây liễu thướt tha bên Hồ Gươm huyền thoại, cây ngọc lan hương thơm dịu dàng, cây đa già lúc nào cũng im lặng…đã đi vào tâm thức những người Hà Nội không bao giờ quên. Tôi đã đi nhiều nơi, cũng gặp nhiều loại cây như ở Hà Nội, mỗi lần gặp lại càng nhớ Hà Nội da diết.
Có một loại cây gắn bó với tuổi thơ của tôi mà tôi không bao giờ gặp lại, mặc dù đã để ý tìm tòi.
Trước kia, bên cạnh Nhà Hát Lớn, có mấy cụm cây như cây dừa to lắm, chắc do người Pháp trồng rất lâu rồi. Quả cây bằng hạt ngô nhỏ thường rụng xuống đất có vỏ mỏng màu nâu hệt vỏ cùi dừa già bám chặt vào phần cùi có màu trắng đục như cùi dừa, nhai ăn rất cứng vị là vị cùi dừa. Đi học về, chúng tôi thường ra sân cạnh Nhà Hát Lớn đá bóng và nhặt những quả kia ăn. Xin độc giả nào biết cây đó tên gì và hiện còn ở đâu làm ơn mách bảo, tôi xin cảm tạ bằng tất cả tình cảm chân thật nhất của một người yêu Hà Nội cháy bỏng.
Sáng sớm tiếng xe điện leng keng nghe thật thân quen, không thể thiếu. Sau này khi Hà Nội dỡ bỏ đường xe điện, tôi bị hụt hẫng mãi. Thay bằng xe ô tô chạy điện nhưng chẳng được bao lâu thì bỏ, chắc vì nhiều bất tiện. Người Hà Nội lúc đó rất hào hoa, ra khỏi nhà là ăn mặc chỉnh tề, nói năng thưa gửi rất lịch sự, nhẹ nhàng, không có cảnh ở chỗ công cộng mà cười rú lên. Lên tàu xe là nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai, con gái như một cử chỉ đương nhiên, ai không làm vậy bị người xung quanh nhìn vì lạ lẫm. Người được nhường bao giờ cũng cảm ơn lịch sự.
Chúng tôi thường ra khu đất đối diện Thủy Tạ chơi, ở đó có tiếng đàn văng vẳng vọng ra từ ngôi nhà duy nhất đã cũ đổ một phần trong khu đất này. Chẳng biết có phải đây là “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" của Phú Quang, nhạc sĩ tài hoa người Hà Nội. Yêu và nhớ mãi một Hà Nội đẹp và thơ, thanh cao mà quyến rũ của tôi.
Nguyễn Yên