Tết vắng ở Na Mèo
Năm tháng sau khi thủy nộ sông Luồng cuốn trôi 17 người, khói bếp đã bắt đầu bay lên từ những nóc nhà dựng dở dang của bản tái định cư Sa Ná, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa. Chiều muộn, tìm về nếp cũ, đàn ông trong bản lại ra bãi đất trống, cắm lưới đánh bóng chuyền, con trẻ ngồi vây quanh xem. Trước ngày vợ chết trong dòng nước xiết, Nguyễn Văn Yết cũng nằm trong đám thanh niên chơi bóng mỗi chiều.
Sáng ấy, Yết cùng vợ còn đi ra vườn đắp bờ, cứu ao cá. Vững sau đó để chồng đi thăm ruộng một mình, chạy sang nhà em trai giúp bố mẹ, em dâu và các cháu đi chạy lũ. Em trai Vững đang đi làm ăn xa.
"Người Na Mèo bao nhiêu tuổi thì bấy nhiêu năm trong đời phải đi chạy lũ", phó bản Ngân Văn Thêu kể lại, từng có những đợt mưa mấy ngày đêm, trôi vườn trôi ruộng, nhưng chưa ai chết bao giờ. Lần này, mưa rào có một đêm rồi tạnh. Vậy mà chỉ chục phút sau khi Yết thấy vợ lần cuối, nước từ thượng nguồn bên Lào đổ về suối Son, quét sạch 70 nóc nhà trong chớp mắt. Người Sa Ná chạy nước như chạy giặc. Tiếng người hò hét, gào khóc thất thanh vang một góc rừng.
Năm ngày sau, cách nhà Yết gần 200 km, gần ngã Ba Đồng Tâm, huyện Bá Thước, người ta thấy xác vợ anh trên dòng sông Mã. "Chẳng nhớ vợ nói gì cuối cùng. Ai ngờ là sẽ chết mà dặn với dò", Yết lau nước mắt, nhìn lên bàn thờ không di ảnh vợ.
Căn nhà gạch tái định cư hai phòng ngủ đã xây xong, nhưng hai đứa con Yết vẫn loanh quanh cả ngày ở khu tạm không chịu lên nhà mới ngủ. Cái nhà sàn cũ gần suối đã xác xơ, nhưng hình như còn hơi mẹ. "Bọn hắn ngày nào cũng khóc như ri, nhưng mình chẳng biết làm sao được". Yết bảo không có vợ, thấy làm gì cũng khó.
Tết này ở Sa Ná, có những mái nhà vắng phụ nữ như của Yết, có những mái nhà vắng tiếng cười đùa của trẻ con như gia đình bên cạnh. Và có cả những gia đình sáu người, năm nay, chỉ còn một người còn sống để đón giao thừa.
"Em ước Xuân này có bố"
Mùa thu năm 2017, cô bé người Mông Thao Thị Dợ nhìn thấy bóng đèn điện lần đầu tiên trong đời. Khi ấy, Dợ 11 tuổi, xuống trung tâm xã để theo học lớp 6, trường Trung học phổ thông dân tộc bán trú xã Sơn Thủy.
Nhà Dợ ở bản Mùa Xuân. Mùa Xuân của Dợ không điện, không đường, không nước, quanh năm chìm trong mây, trên một đỉnh núi cao không ai đặt tên của huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ba trong số 12 bản của xã Sơn Thủy có tỷ lệ hộ nghèo 100%, trong đó có bản em. Trên 24 km đường rừng từ trường về bản, những cô, cậu bé như Dợ đi bộ mất nguyên buổi sáng. Vì thế, mỗi tháng Dợ chỉ về nhà một lần. Nhưng từ năm học này, Dợ xin thầy về thăm nhà nhiều hơn cho mẹ đỡ buồn.
Bốn tháng trước, khi nước sông Luồng cuốn trôi vợ anh Yết và 70 căn nhà của bản Sa Ná, cách đó chưa đầy 2 km, cô bé người Mông 12 tuổi, Thao Thị Dợ cũng địu em, theo mẹ lên rẫy ngô từ khi mưa chưa tạnh hẳn. Chưa đến nửa giờ sau, chị gái Dợ bỗng từ nhà chạy lên rẫy, hô lại từ lúc còn ở xa, "Mẹ về ngay, nhà trôi rồi". Mẹ Dợ vứt lại gùi, rựa sau lưng, chạy về nhà. Căn nhà sau lũ chỉ trơ lại nửa cái nền. Mẹ Dợ ngã ra giữa đống đổ nát, giữa những thứ trước đó từng là cái bậc nhà, cái cánh cửa sổ, khóc chồng. Đứa em trên lưng Dợ khóc, Dợ cũng khóc. Hai người chết sáng ấy ở bản Mùa Xuân, đều là người nhà Dợ, là bố Ly, và em Chính, mới 10 tuổi.
"Em ước Tết này có bố và em Chính", cô bé 11 tuổi xõa mái tóc dài qua đầu gối, cụp mắt xuống khi trả lời về ước mơ trong năm mới. Trên tấm áo "người ta ủng hộ" Dợ mặc, còn cài một tấm băng đen nơi ngực trái.
Nơi bị lãng quên
Xã biên giới Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn là một trong những địa phương phải chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. In đậm trong ký ức của ông Sliến đến nay vẫn là những ngày đi cắm chông, cầm súng trường chiến đấu tại những điểm cao và âm thanh của bom, mìn, đạn pháo. Sau 41 năm, ông Lương Văn Sliến cũng như hơn 1.700 người dân tộc Tày, Nùng tại đây vẫn sống dựa vào 100 hecta ruộng cằn, chỉ cho sản lượng bằng một nửa mức trung bình cả nước.
Căn nhà đất của ông Sliến cùng hơn chục hộ dân khác nằm nép mình dưới chân núi, chỉ thấy bóng dáng người già và phụ nữ. Một số người ở lại, trong khi số khác còn sức đã bỏ xuống núi để tìm việc làm trong các nhà máy, để lại những ngôi nhà hoang tàn, xiêu vẹo không ai coi sóc. Khung cảnh càng trở nên tiêu điều, ảm đạm hơn khi được bao quanh bởi những vườn cây chết khô, in lên nền trời xám mùa đông những vạch khẳng khiu. Đã có thời, người dân Thanh Lòa tưởng có thể thoát nghèo nhờ cây hồng đặc sản. Nhưng năm năm trước, những cây hồng chỉ còn trơ lại cành, nhánh trước ngày thu hoạch. Dân Thanh Lòa đều không biết "đất bị làm sao", chỉ nhớ lần cuối cùng cây ra hoa, sai đầy cành vào tháng hai, tháng ba. Đến tháng năm, sáu khi quả to thì bắt đầu rụng, cây tự chết khô dần.
Ông Sliến là người Nùng, chủ một trong những hộ khó khăn nhất xã, với "tài sản" là căn nhà đất dựng từ những năm 1980 sau khi sơ tán trở về. Ông sống cùng người mẹ đã già yếu trong căn nhà tối. Đồ đạc chỉ có vài tấm phản kê cao làm giường, chiếc bàn gấp bày cốc chén tiếp khách và bếp lửa thường được dùng để nấu cháo ngô, cơm canh rau qua ngày. Những tấm chăn, vải cũ đắp chồng lên nhau là cách để hai mẹ con ông Sliến vượt qua những ngày đông lạnh giá của vùng núi Đông Bắc.
Nông dân 13 tuổi
Võ Văn Minh, 13 tuổi, đang học lớp 3 tại Trường tình thương Bình An, Quận 8, TP HCM. Hàng ngày em đạp xe gần nửa tiếng từ huyện Bình Chánh để đến lớp học.
Bố em, Võ Văn Thành, 50 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Từ năm 19 tuổi, ông đã phiêu bạt đến An Giang cắt lúa mướn. Năm 1997, vùng An Giang bị bão nhiệt đới Linda tàn phá, chiếc ghe của ông Thành bị đánh chìm. Cả nhà ông may mắn sống sót nhưng rất nhiều giấy tờ bị mất. Sau đó, ông đưa gia đình lang bạt mưu sinh: lượm rác ở bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn, TP HCM; làm vườn thuê ở Bình Phước; lượm bọc nylon ở chợ Bình Điền, quận 8, TP HCM; trồng trọt ở xóm làm rẫy, Bình Chánh, TP HCM. Sau khi bị đuổi, ông thuê một khu đất gần đại lộ Nguyễn Văn Linh để ở và canh tác. Cả nhà sống trong căn lều tạm, xung quanh đồng không mông quạnh.
Minh là con thứ ba của ông Thành. Hai người con đầu học đến lớp ba, đang đi làm thuê ở chợ Bình Điền. Em của Minh bị mất do đuối nước. Cũng nhờ cơ may, một người bán hàng rong chỉ cho ông biết đến trường tình thương Bình An "người ta dạy học miễn phí". Minh được đi học nửa ngày, buổi chiều em phụ việc nhà, cho vịt ăn, hái ớt đi bán và phụ ba đào luống trồng dưa hấu. "Em thích đi học hơn ở nhà. Ở trường có bạn bè, ở đây ngoài nhà em ra thì chẳng có ai", Minh nói.
Học năm năm, Minh lên được lớp ba. Bố em đã hứa với cô Hạnh chừng nào con còn học được thì để nó học chứ không cho ở nhà làm ruộng. Hai vợ chồng ông không biết chữ nên chỉ muốn con "có học", thoát khỏi tương lai làm ruộng như mình.
Mồ côi trong thành phố
"Ở đây mồ côi nhiều lắm", cô Thảo - Phụ trách Trường tình thương Thiên Ân, quận Bình Tân, TP HCM nói. Không phải trong các mái ấm, trung tâm xã hội mới có trẻ mồ côi. Giữa dòng đời, còn nhiều trẻ em không mẹ không cha, hoặc chỉ có cha hay mẹ.
"Trẻ mồ côi là bất kỳ đứa trẻ nào mất cha hoặc mẹ, một trong hai hoặc đã chết hoặc không xác định được, hoặc không có đủ điều kiện, khả năng hay không muốn chăm sóc cho trẻ", theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Có khoảng một phần ba trong số 240 em học sinh của trường Thiên Ân là mồ côi như vậy. Em có cha hoặc có mẹ, em sống với bà, em được cô, bác nuôi, hay sống trong mái ấm. Học sinh nhỏ nhất là 7 tuổi, học sinh lớn nhất 17 tuổi nhưng mới học lớp năm.
Thương, 14 tuổi, có đôi mắt rất buồn. Mẹ em đi Trung Quốc làm "nghề nhạy cảm" từ khi nó nhỏ xíu. Thương gần như không được sống cùng cha mẹ ngày nào. Bố em dính án ma túy bị đi tù, không biết bao giờ mới được ra, đến bây giờ em cũng không nhớ mặt cha mẹ.
Hơn hai năm trước, mẹ ở đâu bỗng về khu Bình Tân, nơi bà ngoại em đang cưu mang hai đứa cháu bằng nghề nhặt ve chai, đem theo em bé mới sinh để lại cho bà ngoại rồi lại đi mất hút. Bà ngoại em gần 60 tuổi, đang phải gánh vác ba đứa trẻ, 2 tuổi, 12 và 14 tuổi. Bà đi nhặt rác, làm mướn, không có tiền thuê nhà nên tiện đâu ngủ đó, không đủ sức nuôi nổi bầy cháu. Cô Thảo, quản lý trường tình thương Thiên Ân bảo bà đem Thương và em trai tới đây cô dạy học. Học được vài tháng, em trai Thương bỏ đi bụi lang thang giờ ở đâu cũng không rõ. Cô Thảo bảo Thương ở lại trường, ăn, ngủ với cô. Bà ngoại Thương cũng ẵm đứa nhỏ hơn 2 tuổi đi lang thang, lâu lâu mới ghé qua trường thăm Thương một lúc rồi lại đi.
Buổi tối, ngồi một mình, con bé hay khóc. Nó hỏi cô Thảo: "con không hiểu tại sao nhìn con cũng giống các bạn mà con lại không có cha mẹ hả cô?". Cô Thảo biết tổn thương tâm lý trong lòng những những đứa trẻ như em rất lớn. Cô vẫn nuôi ý định sẽ mời bác sỹ tâm lý về trường để nói chuyện, chữa lành phần nào cho các em.
Tuổi già neo đơn ở Mây ngàn
Cuộc sống của bà Bùi Thị Ren (76 tuổi) hai năm qua chỉ quanh quẩn bên cái giường đơn chưa đầy 2 mét vuông của mình tại Mái ấn Mây ngàn, Gò Dầu, Tây Ninh, nơi cưu mang hàng trăm cụ già neo đơn như bà.
Thấy có khách hỏi thăm, bà chuốt lại mái tóc bạc, chỉnh chiếc áo nhăn nhúm, ngồi thẳng dậy. Lâu lắm rồi bà cũng không còn sở thích đi dạo quanh khu nhà hay nhìn ra cánh đồng, "chân tay giờ yếu, chỉ nằm một chỗ".
Quê ở Giồng Trôm, Bến Tre, bà Ren từng làm giáo viên ở TP HCM thời trẻ. Cuộc sống thị thành khó khăn quá, bà về quê lấy chồng rồi sinh được một người con gái. Sau khi chia tay người chồng đầu, bà đi thêm bước nữa. Nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc, chồng bỏ về quê miền Trung, bà ở vậy nuôi con gái riêng khôn lớn. Tưởng rằng quê hương là nơi bình yên nhất nhưng bất ngờ biến cố gia đình ập đến. Cô con gái duy nhất bất ngờ đổ bệnh, qua đời khi vừa tròn 30 tuổi, chưa kịp để lại cho bà một đứa cháu.
Không còn người thân, bà lủi thủi đi bán vé số ở Bến Tre kiếm sống qua ngày. Căn nhà nhỏ vách lá cũng để lại cho người cháu họ hàng xa. Buồn vì nhớ con, cô đơn, bà tìm đến cửa Phật. Cơ duyên giúp bà biết đến và xin vào dưỡng lão ở mái ấm Mây Ngàn hơn hai năm qua. "Chỉ mong trước khi chết được về quê hương xứ sở một lần", bà Ren buồn rầu.
Sống cùng mái ấm với bà Ren, ông Trần Công Năm, 73 tuổi, đang nghỉ ngơi bên chiếc radio cũ vừa được một vị khách tặng cách đây hai tháng. Ông cho biết đó là kênh giải trí duy nhất của mình cũng như nhóm bạn già ở khu nhà mái lá của mái ấm Mây Ngàn.
"Đôi lúc gió lạnh luồn qua, mưa tạt ướt, nhưng chúng tôi chẳng ai phàn nàn gì. Thay bằng lang thang bên ngoài, có chỗ ngả lưng cũng hạnh phúc rồi", ông Năm nói về chỗ ở của mình. Ông Năm từng làm tài xế xe buýt ở Phan Rang, Tháp Chàm. Sau khi ba người con bất ngờ chết sớm, vợ bỏ đi, ông ôm nỗi đau, lặng lẽ sống một mình. 12 năm trước, ông đến cư ngụ trong ngôi chùa thuộc tỉnh Lâm Đồng, ở được chừng 5 năm thì chuyển về chùa Cẩm Phong.
"Gia đình giờ chẳng còn ai, thỉnh thoảng một số người quen ở quê có gọi vào hỏi thăm, còn lại ngày thường chỉ làm bạn với những người cùng cảnh ngộ", ông Năm nói. Tuy nhiên, ông cũng có niềm an ủi, vì những phận già, trẻ nhỏ nơi đây vẫn sống chan hoà, sẻ chia. Người còn khoẻ thì phụ giúp thầy chủ trì làm bếp, dưa muối, dọn dẹp... Trẻ nhỏ được bảo mẫu chăm sóc, có sân vui chơi, đi học, thăm khám bệnh.
Ở đây, nhiều lúc các cụ chết lặng lẽ ngay trên giường mà không có người thân bên cạnh. "Khi ấy ai cũng buồn cho thân phận, rồi mình sẽ cũng như vậy", một cụ ông thở dài.
Quỹ Hy vọng