Đề xuất đấu giá biển ôtô manh nha từ năm 1993, nhưng sau nhiều lần thí điểm phải tạm dừng do vướng luật. Từ đề xuất kiên trì của Bộ Công an và qua nhiều cuộc thảo luận, tháng 11/2022, Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ôtô được Quốc hội thông qua.
Giữa tháng 8, Bộ Công an chọn 11 biển "siêu đẹp" trong hơn 153.000 biển chuẩn bị cấp để đưa ra đấu giá. Trong phiên đầu tiên ngày 15/9, 11 biển số của 10 tỉnh, thành đưa ra đấu giá đã có chủ nhân. Trong 480 người đăng ký tham gia có 5 người không vào phòng đấu giá, 136 người vào nhưng không trả giá.
Có được bán lại biển số trúng đấu giá?
Ba ngày sau khi đấu giá trúng biển số 30K-55555 với giá 14,12 tỷ đồng, anh Dương Công Minh (trú Vĩnh Phúc) cho VnExpress biết đang hoàn tất thủ tục để nộp tiền. Anh cũng dự định bán lại biển số này cho người "đam mê" với giá khoảng 20 tỷ đồng.
Anh Minh nói có nhiều thời gian để tính toán nên không vội. Từ khi được thông báo trúng đấu giá, anh có 15 ngày để nộp tiền và sau đó là 12 tháng để đăng ký ôtô gắn biển số. Nếu không được giá, anh Minh giữ lại để đăng ký cho chiếc Maybach đang sở hữu, "thỏa mãn đam mê" biển đẹp.
Về quá trình đấu giá biển số, anh Minh cho rằng "khá bất ngờ với số tiền". Ban đầu anh ước tính giá trị biển này chỉ dưới 10 tỷ đồng nhưng chỉ sau vài phút đã nhảy vọt lên 14 tỷ. Cuối cùng, biển này thuộc về anh với mức 14,12 tỷ đồng.
Theo Nghị định 39/2023, từ 15/8 khi biển số định danh có hiệu lực, trường hợp duy nhất được bán phương tiện kèm biển số là xe gắn biển số trúng đấu giá. Nhưng người chủ thứ hai của xe sẽ không được bán xe kèm biển nữa, mà chỉ được bán riêng xe.
Theo một luật sư, pháp luật không cho phép bán riêng biển số nhưng người trúng biển đấu giá vẫn có nhiều cách để "bán biển". Thứ nhất, họ có thể lắp biển vào xe có giá trị thấp để dễ bán cả biển kèm theo xe. Người mua khi bán xe này sẽ làm thủ tục thu hồi biển để sau đó lắp vào xe mới mà họ ưng ý.
Một cách khác, nếu tìm được khách, người trúng đấu giá có thể lắp ngay biển vào xe mà họ yêu cầu. Sau đó hai bên làm thủ tục mua bán "biển số trúng đấu giá kèm theo xe".
Giải quyết sao khi "đấu giá cho vui" mà không nộp tiền?
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi có thông báo kết quả đấu giá, người trúng phải nộp toàn bộ tiền, sau khi đã trừ khoản đặt trước, vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hoá đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời hạn 15 ngày hoặc không làm thủ tục đăng ký biển số trong 12 tháng hoặc vi phạm về tính trung thực của hồ sơ tham gia, kết quả đấu giá bị hủy. Người vi phạm sẽ không được trả lại tiền cọc hoặc tiền trúng đấu giá đã nộp.
Người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá bị coi là không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Như vậy, biển số trúng đấu giá nhưng bị hủy kết quả vì các lý do như trên sẽ được đưa ra đấu giá lại. Biển đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia sẽ thu hồi về kho số để cấp ngẫu nhiên.
Nộp tiền cọc trước 3 ngày diễn ra đấu giá
Theo Nghị định 39/2023, biển số đưa ra đấu giá phải công khai, niêm yết ít nhất trước 30 ngày tổ chức.
Người tham gia phải thanh toán 100.000 đồng tiền hồ sơ và 40 triệu đồng tiền đặt trước (tiền cọc). Nộp tiền xong, họ được cấp mã số tham gia, thông tin về cuộc đấu giá của biển số họ lựa chọn.
Người tham gia phải nộp tiền trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Phương thức đấu giá là trả giá lên, mỗi bước giá 5 triệu đồng. Người trúng là người trả giá hợp lệ và cao nhất.
Không giới hạn số lượng biển số đấu giá của mỗi người
Người đã có hoặc chưa có ôtô đều được tham gia. Khi đấu giá, họ có thể nhờ người khác thao thác thay bằng tài khoản của mình nhưng phải đảm bảo đúng thông tin.
Khách hàng được lựa chọn biển số của bất kỳ tỉnh, thành nào và đặc biệt, mỗi người được quyền đấu giá số lượng biển số không hạn chế. Người trúng có thể đăng ký biển số ôtô tại nơi thường trú, tạm trú, nơi hoạt động hoặc tại Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh, thành phố cấp biển số đó.
Ví dụ, người dân ở TP HCM có thể đấu giá biển số xe ở Hà Nội. Khi trúng, bạn chỉ cần mang phương tiện đến TP HCM là có thể đăng ký hoặc cũng có thể đăng ký xe ở Hà Nội.
Trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá hợp lệ, biển số sẽ chuyển nhượng ngay cho người đấy.
Khi nào bị mất tiền đặt cọc đấu giá?
Khi tham gia đấu giá, người dân phải nộp 100.000 đồng tiền nộp hồ sơ và 40 triệu đồng tiền đặt trước. Người tham gia nhưng không trúng sẽ được trả lại 40 triệu đồng trong 3 ngày làm việc, từ khi kết thúc cuộc đấu giá trực tuyến.
Người dân có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước nếu có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai. Việc từ chối tham gia đấu giá phải thể hiện bằng văn bản trước 3 ngày tổ chức cuộc đấu giá.
Người tham gia không được trả lại tiền cọc nếu không vào tham gia cuộc đấu giá, bị truất quyền tham gia vì có hành vi vi phạm pháp luật, từ chối ký biên bản đấu giá, rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận, từ chối kết quả trúng đấu giá.
Như vậy, những người không vào phiên đấu giá sẽ bị mất tiền đặt cọc. Người vào phòng đấu giá nhưng không trả giá thì coi như "trượt" và sẽ được trả lại tiền.