"Thô tục! Vô đạo đức!" là tiếng thét giận trên cửa miệng của những người chỉ trích, vì họ đọc thấy hàng loạt từ ngắn có tính chất tục tĩu (four-letter word) xuất hiện trong sách và những lời lẽ báng bổ của cậu thiếu niên (đối với thói đạo đức giả tôn giáo).
Nói chung, họ cho đây là một cuốn sách tệ hại, ác độc, có thể làm băng hoại tinh thần lứa tuổi vị thành niên.
Bìa quyển 'Bắt trẻ đồng xanh', bản tiếng Việt do Phùng Khánh dịch, công ty Nhã Nam và NXB Văn Học thực hiện, 2008. |
Ngược lại, những người chọn Bắt trẻ đồng xanh thì cho đây là một tác phẩm có giá trị văn học, giá trị đạo đức, hấp dẫn, thiết thực và dễ hiểu. Vậy thật ra cuốn Bắt trẻ đồng xanh có vô đạo đức như người ta phê phán không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải hiểu rõ đạo đức là gì. Điều chắc chắn, nếu người đọc chỉ chăm chú đến những từ ngữ khiếm nhã ám chỉ hành vi tính dục, những nghi ngờ về tín điều tôn giáo mà không quan tâm đến nội dung câu chuyện của nó thì Bắt trẻ đồng xanh đúng với mô tả của họ. Người ta không thèm đọc kỹ nó, nhưng chỉ cần lật qua năm bảy trang là có thể nhanh chóng chỉ ra những đoạn, những từ xúc xiểm, trái khoáy.
Tuy nhiên có nhiều con đường để tiếp cận với đạo đức. Chúng ta đừng để ai lớn tiếng áp đặt mà hãy tự chọn cho mình một lối tiếp cận già dặn và đầy trách nhiệm, được thử thách qua thời gian.
Thứ nhất; như chúng ta đã biết, “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”, hiểu rộng ra là ai ai cũng có quyền được đối xử một cách trân trọng như nhau, và đó chính là một tín điều đạo đức. Đạo luật về nhân quyền của Mỹ có những bổ sung sửa đổi trình bày chi tiết nghĩa vụ đạo đức ấy. Jefferson và Franklin cũng đã để lại những tác phẩm lý giải kỹ hơn vấn đề này.
Thứ hai; trải qua nhiều thế kỷ, các triết gia đã ủng hộ những đánh giá hành vi đạo đức từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ, Aristotle trong Đạo đức học của Nicomaque trình bày những quy phạm của ông về một lối sống đức hạnh. Vào thế kỷ 18, Emmanuelle Kant trong Phê bình lý tính thuần túy đã tác động đến tư tưởng đạo đức đương thời bằng những suy luận về “mệnh lệnh nhất thiết” (categorical imperative), một quy luật phổ quát dựa trên sự tự trị của ý chí.
Thứ ba; gần đây các triết gia đã khai triển các học thuyết đạo đức như là kết quả của những nghiên cứu thực nghiệm về cách đối nhân xử thế của con người. Đáng kể nhất là công trình của Lawrence Kohlberg. Ông đã định nghĩa lại những khái niệm đạo đức như công bằng, sự tôn trọng cá nhân, quyền con người bằng quan điểm đa văn hóa và lịch sử.
Tất cả những đường lối tiếp cận đạo đức trên đây có nhiều điểm tương đồng, nhất là khi đối chiếu chúng với những châm ngôn trong Tân Ước (mà những kẻ chỉ trích thì giành lấy Tân Ước làm cái gốc đạo đức cho những phát biểu của họ!).
Thế thì tại sao chúng ta không dùng cùng một nguồn luận cứ ấy như cách thế chống lại sự buộc tội? Không cần phải là một Kitô hữu người ta vẫn có thể đề cao nội dung đạo đức của giáo lý Jesus. Thậm chí những người theo thuyết bất khả tri luận và những người theo thuyết vô thần cũng thừa nhận Kinh Thánh Tân Ước như là phương pháp khôn ngoan giúp cho cá nhân hòa đồng vào xã hội. Kinh Thánh Tân Ước không phải là nguồn suy luận đạo đức duy nhất hiện có, nhưng nó là một nguồn đầy sinh lực. Nếu các nhà phê bình sử dụng Kinh Thánh làm bàn đạp tấn công những cuốn sách, những người bị phê bình cũng có thể sử dụng Kinh Thánh để tự biện hộ.
Nói như thế không có nghĩa Kinh Thánh là cái gốc dẫn tới những quyết định có tính chất quy phạm trong các trường học, bởi vì chí ít là về mặt lý thuyết, xã hội đã thừa nhận sự tách rời nhà thờ và nhà nước, nên cách làm trên sẽ là bất hợp pháp và không thích đáng. Vấn đề ở đây là, có một loại sách văn học, mặc dù được nhà trường lựa chọn một cách kỹ lưỡng và theo những nguyên tắc nhất định, đang bị công kích vì phản lại đạo đức Kitô giáo. Nếu không dùng chung nguồn suy luận với những kẻ chỉ trích, chúng ta sẽ không thể nào phi bác được lời buộc tội của họ một cách hiệu quả. Kinh Thánh là một phần trong di sản văn hóa của nhân loại, do đó chúng ta có quyền diễn dịch ý nghĩa của nó có lợi cho chính chúng ta. Chúng ta không cần đến những lý lẽ của những kẻ muốn loại bỏ các tác phẩm văn học có giá trị đạo đức và giá trị văn học ra khỏi các trường học.
Bằng ngôn ngữ giản dị, mạnh mẽ, Jesus đưa ra những lời dạy dễ hiểu, nhưng khó thực hành. Con người đạo đức (trong Tân Ước) là con người sống với tha nhân đồng thời bằng nhiều cách thể hiện sự quan tâm, tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của tha nhân. Khi Jesus trông thấy một đám đông sắp sửa ném đá vào một phụ nữ can tội ngoại tình, ngài nói: “Ai trong các ngươi là kẻ vô tội thì hãy ném đá trước đi?!” Không ai dám...
Từ quan điểm của Tân Ước, sự vô đạo đức trong thời đại chúng ta có thể được minh họa bằng biến cố Birmingham, Alabama vào giữa thập niên 60 - ngày ấy, thị trưởng “Bull” Connor cho phép xua bầy cảnh khuyển tấn công một nhóm người da đen đang biểu tình đòi quyền công dân.
Vậy còn đạo đức trong Bắt trẻ đồng xanh là gì?
Có một phẩm chất đáng quý của Holden Caulfield, nhân vật chính tuổi mười sáu trong truyện, là sự cảm thông với tha nhân, đặc biệt là những kẻ bị bỏ rơi. Truyện mở đầu với chi tiết Holden Caulfield bỏ xem trận chung kết của đội bóng đá trường anh để đến thăm ông thầy giáo già dạy lịch sử bị bệnh. Anh nghe nói sau lễ Giáng sinh anh sẽ bị đuổi học vì thi rớt. Dù biết ông sẽ quở mắng anh vì đã không bộc lộ hết khả năng tiềm tàng, và dù anh rất không ưa những lão già có bộ ngực gầy đét, cặp giò thì trắng trẻo, trơn tru không một sợi lông như ông, nhưng anh kính trọng ông vì sự quan tâm của ông đối với môn dạy và đối với học sinh. Trong buổi kiểm tra cuối cùng, Holden viết thư xin lỗi thầy về những việc làm sai quấy của mình và “để cho thầy không cảm thấy nặng nề vì đã đánh rớt tôi”. Đối với một cậu học sinh mười sáu tuổi, biết lo lắng đến cảm xúc của một thầy giáo già đã là một hành vi đạo đức; đi thăm người thầy ấy bị bệnh, tất nhiên còn đạo đức hơn. Không riêng gì thầy giáo Spencer, nhiều người khác cũng nhận được sự giúp đỡ của Holden. Chẳng hạn, ai cũng ác cảm với Ackley vì khuôn mặt đầy mụn, hàm răng xấu xí, những cái móng tay ghét bẩn và hơi thở hôi rình của nó; đã thế, Ackley lại hay khiêu khích, móc méo anh; nhưng anh không ngoảnh mặt, không ruồng bỏ Ackley. Anh rủ Ackley đi xem chiếu phim vì biết nó không có nguời bạn nào. Với Ackley cũng như với nhiều người khác, nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh đều thể hiện một sự quan tâm mà những người cùng lứa tuổi như anh chưa kịp biết tới. Holden hết sức đau lòng về sự vô cảm của đám học sinh trong lớp. Anh nhớ mãi một thằng bạn nhỏ con, ít nói. Vì không chịu rút lại lời chỉ trích một thằng tự phụ trong lớp, nó đã bị sáu đứa ở chung ký túc xá bất ngờ tấn công. Đêm ấy, mặc chiếc áo len cổ lọ mượn của Holden, nó ném mình qua cửa sổ ký túc xá. Holden mãi không hết dày vò mỗi khi nhớ lại hình ảnh thằng nhóc nằm chết trên lề đường, rồi nghĩ rằng những tên khiêu khích gây ra cái chết kia bị đuổi học chưa đủ, chúng xứng đáng bị trừng phạt nặng hơn.
Sự đồng thuận trong gia đình là một giá trị luân lý được Kinh Thánh Tân Ước và cả những kẻ chỉ trích Bắt trẻ đồng xanh ủng hộ. Ít có một cậu thiếu niên nào có thể bày tỏ tình yêu thương và trân trọng đối với gia đình như Holden Caulfield. Anh ngưỡng mộ tài biện hộ của cha anh - một luật sư, khiếu thẩm mỹ của mẹ anh, và sự tinh thông trong nghề biên kịch của người anh. Đặc biệt anh rất yêu thương Phoebe, cô em gái mười tuổi của anh. Anh nói: “Bạn chưa từng thấy đứa bé nào dễ thương và thông minh như Phoebe đâu. Bạn nói chuyện gì Phoebe cũng hiểu ngay lập tức… Bạn có thể đưa Phoebe đi chơi bất cứ chỗ nào…” Nhưng bi kịch giáng xuống gia đình Caulfield khi Allie, đứa em trai kém Caulfield hai tuổi, chết vì bệnh bạch cầu. “Bạn sẽ phải thích Allie, nếu bạn gặp nó… Nó là đứa thông minh nhất, tử tế nhất trong nhà”. Hôm Allie chết, Holden đi xuống nhà để xe và đập vỡ hết các cửa kính bằng hai bàn tay trần của mình.
Nhân vật chính trong Bắt trẻ đồng xanh không nổi loạn chống lại những giá trị gia đình. Dù anh có lang thang mấy ngày ở New York thì cũng chỉ vì muốn tránh cho gia đình khỏi những tổn thương do việc anh bị đuổi học gây ra. Cuối cùng, chính với lòng yêu thương bé Phoebe, và ngược lại, với niềm yêu quý mà bé Phoebe dành cho anh, cuộc chạy trốn của anh đã được “thắng” lại, đồng thời sự tự trọng trong anh được khôi phục.
Holden là một chàng trai trong trắng. Anh nói thẳng với chúng ta điều đó. Dù anh có tất cả những ý nghĩ của một người lớn, và dù “có nhiều cơ hội”, anh vẫn tự đặt cho mình một giới hạn. Như anh thú nhận: “Tôi nghĩ trong đầu, có lẽ tôi là kẻ cuồng dục ghê gớm nhất mà bạn từng biết. Thỉnh thoảng tôi vẫn có thể nghĩ đến những chuyện rất bậy bạ nhưng tôi sẽ không thiết tha làm điều ấy nếu cơ hội xuất hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi không thích những ý nghĩ đó. Nếu bạn phân tích nó, nó sẽ bốc mùi lên... Tình dục là cái gì thực sự khó hiểu đối vói tôi...”.
Anh kể, khi một cô bạn gái bảo anh ngừng lại, thì anh ngừng lại ngay. Anh không bao giờ muốn xâm phạm hay làm tổn thương cô ta.
Nhà sách www.vinabook.com tặng độc giả VnExpress 10 cuốn Bắt trẻ đồng xanh. Mời độc giả đề nghị tặng sách tại đây hoặc gửi về vanhoa@vnexpress.net. Đặt tiêu đề email "Bat tre dong xanh" (tiếng Việt không dấu), đồng thời cung cấp đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại cụ thể để tiện việc gửi tặng sách qua đường bưu điện. |
Holden lang thang khắp New York và sợ phải trở về nhà báo tin cho mọi người biết anh bị đuổi học. Anh thuê một phòng khách sạn. Một tên ma cô gặp anh ở thang máy, gạ anh chơi gái. Sau một thoáng ngần ngại anh chợt nghĩ có lẽ đây sẽ là một kinh nghiệm tốt cho đời sống vợ chồng sau này. Anh bước vào phòng, đánh răng, thay quần. Khi cô gái điếm gõ cửa, anh vấp phải cái vali và ngã nhào. Cô ta không lớn hơn anh bao nhiêu - người gầy nhom, giọng nói rin rít. Cô ta cởi váy; anh cầm lấy, treo vào trong tủ nhỏ để khỏi nhăn. Anh tìm cách trò chuyện thân mật với cô ta. Đến khi cô gái xáp lại gần anh, bỗng nhiên anh hoảng sợ. Anh nói dối với cô gái là anh vừa mới mổ xong, rồi vừa đưa cho cô gái năm đô la vừa luôn miệng xin lỗi. Rõ ràng, Holden không sẵn sàng đánh mất sự trong trắng của mình và chắc chắc là không để điều đó xảy ra với một cô gái điếm. Cảnh tượng tội nghiệp kể trên cho thấy Holden hoàn toàn không phải là một người trưởng thành có ý thức mạnh mẽ về các giá trị.
Nhân vật chính trong Bắt trẻ đồng xanh ghét cay ghét đắng những kẻ không nhất quán trong hành xử - giữa bàn dân thiên hạ một kiểu, và riêng tư một kiểu khác. Anh cho biết vì trông thấy thói đạo đức giả của ông hiệu trưởng mà anh có ý định bỏ học. Anh lên tiếng chỉ trích một mẩu quảng cáo có hình chụp một học sinh cưỡi một con ngựa phóng qua một hàng rào chắn, dưới là dòng chữ “những chàng trai thông minh, tuyệt vời” do trường đào tạo ra. Theo chỗ Holden biết, nhà trường thậm chí không có lấy một con ngựa, và học sinh của trường thì hoàn toàn không thông minh, tuyệt vời chút nào hết. Anh biết rõ mười mươi nhà trường thường cho bọn học sinh nội trú ăn món bíp tết vào tối thứ bảy, để khi phụ huynh đến thăm con vào sáng chủ nhật hôm sau, họ sẽ nghĩ rằng con em mình luôn được ăn ngon như thế.
Sự giả trá tôn giáo càng làm Holden thất vọng hơn nữa. Anh tự coi mình là kẻ vô thần, nhưng anh thích Jesus. Tuy nhiên các đồ đệ của Jesus là một chuyện khác; họ chỉ đàng hoàng tử tế sau khi Jesus chết, còn khi ngài đang sống thì họ chả giúp được gì cho ngài. Sự trung thành là một giá trị lớn đối với Holden: những khó khăn nan giản của riêng anh bắt nguồn từ chỗ tự anh nhận thấy rằng anh đã làm gia đình thất vọng và vì thế anh không đáng được hưởng sự yêu mến của họ.
Trong những ngày lang thang ở New York, anh mời một người bạn gái cũ đi xem văn nghệ đêm Giáng sinh. Ai cũng tưởng là một chương trình có chủ đề tôn giáo, nhưng Holden không hề thấy chút gì thiêng liêng hoặc diệu kỳ để làm sáng danh Chúa - với cảnh tượng một đám diễn viên vác thánh giá đi ngang qua sân khấu. Anh nghĩ tôn giáo phải giản dị chứ không phải phô trương hình thức và trục lợi như thế. Anh nghĩ, “nếu Jesus mà thấy được những bộ trang phục màu mè ấy, chắc ngài sẽ nôn mửa ra mất”.
Trái ngược với thứ tôn giáo kinh doanh - trình diễn nói trên, Holden nhận được một hình ảnh tôn giáo thực chất hơn qua hai nữ tu anh gặp tại ga xe lửa. Mang những cái vali rẻ tiền, hai người đang trên đường đến miền nam Chicago để dạy học. Anh đóng cho họ 10 đô la tiền quyên góp. Và khi anh nhận ra họ không hỏi anh có phải là tín đồ thiên chúa giáo không, thì anh ước gì có thêm tiền để đưa vào quỹ quyên góp của họ. Theo Holden, sự khiêm nhường và hiền từ của hai nữ tu là biểu tượng thu nhỏ cho những gì tôn giáo cần phải đạt tới.
Đức Jesus khẳng định rằng chúng ta phải trở thành con trẻ trước khi bước vào Nước Chúa; thì đối với Holden, sự trong trắng hồn nhiên của bọn nhóc con cũng có sức lôi cuốn đặc biệt. Anh thường xuyên bộc lộ niềm yêu mến với đứa em gái nhỏ. Anh cảm thông với cậu bé gặp trong rạp hát khi mẹ cậu không đưa cậu vào phòng vệ sinh. Tại bảo tàng viện, anh chỉ cho hai cậu nhóc tì cách nhận biết những xác ướp. Và sau cùng, anh dõi mắt trông theo một gia đình nghèo đang trên đường về nhà sau khi dự lễ ở nhà thờ. Cậu bé người nhỏ thó vừa đi vừa hát vang một bài dân ca Scotland, “Nào, hãy băng qua cánh đồng lúa mạch đen...”. Holden nói, “Cậu bé có giọng hát thanh thanh dễ thương ghê. Cậu chỉ hát bâng quơ thôi, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy lòng lâng vui sướng, quên hết muộn phiền”.
Sau đó Holden nói cho Phoebe biết điều anh mong muốn hơn hết thảy mọi sự trên đời là “được làm một người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch”. Anh tưởng tượng thấy một cánh đồng mênh mông với hàng ngàn đứa trẻ con chơi đùa, xung quanh không có một mống người lớn nào, ngoại trừ anh. Anh đứng ở rìa vách đá dựng đứng để canh giữ những đứa trẻ mải mê nô đùa, không để chúng rơi xuống vực. “Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn, nhưng thực sự anh muốn thế”.
Ở đoạn cuối của cuốn sách, Holden đi đến trường học của Phoebe và tìm cách gởi cho cô một mẩu giấy nhắn tin. Tại đây anh vô tình đọc thấy trên tường hàng chữ ngoằn ngoèo: “Đ.m. mày!” Anh nổi điên lên. Anh nghĩ đến Phoebe và những đứa trẻ khác; chắc chúng sẽ tự hỏi mấy chữ đó có nghĩa gì. Anh muốn giết chết ngay kẻ nào đã viết mấy chữ tục tĩu này. Anh muốn đập đầu vào những bậc thềm đá. Cuối cùng, anh lấy tay xóa chúng, sợ có ai đó nghĩ rằng chính anh đã viết ra. Chi tiết này làm sáng tỏ ước muốn thực sự của Holden là bảo vệ những đứa trẻ thơ ngây khỏi những lời giải thích lệch lạc về giới tính qua miệng của một vài đứa trẻ hư hỏng.
Đôi khi nhức nhối, đôi khi kỳ quặc, cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc tìm kiếm sự tự tín và những giá trị khác của cậu thiếu niên thấy mình lạc lõng trong nhà trường - anh đã cố ý dùng những lời lẽ tiêu biểu cho một chàng trai yếu đuối, bất toàn muốn tỏ ra mình là người lớn. Anh phiêu lưu vào thế giới tình dục, để rồi tháo chạy khi phát hiện ra mình đi quá ranh giới đạo đức. Anh uống rượu cho quên đi nỗi lo sợ làm tổn thương gia đình, để rồi rơi vào trầm uất. Không có gì vẽ vời ở đây. Cũng không có gì có thể dụ dỗ những người cùng lứa tuổi bỏ nhà ra đi và có những hành vi, cử chỉ giống như Holden.
Trái với những lời kết tội, Bắt trẻ đồng xanh đích thực là một cuốn sách đạo đức. Dù bạn lấy những lời dạy của Jesus, văn kiện của chế độ dân chủ, lý thuyết của Kohlberg, hay bất cứ một nguồn luận cứ nào khác để làm nguồn sáng đạo đức soi rọi, thì Holden vẫn nổi lên như là một con người bối rối mà đức hạnh. Anh kết bạn với những người không có bạn. Anh tôn trọng những kẻ tầm thường, thủy chung, tốt bụng. Anh bày tỏ lòng yêu thương thiết tha đối với gia đình. Anh khinh bỉ thói đạo đức giả. Anh đánh giá cao tình dục như một biểu lộ sự quan tâm đến người khác phái đồng thời không muốn biết tới sự bẩn thỉu của nó. Và sau hết, anh muốn là một thành viên có trách nhiệm của xã hội, hướng dẫn và bảo vệ những người nhỏ tuổi hơn anh.
Người ta còn có thể mong muốn những giá trị đạo đức nào lớn hơn thế từ một cuốn tiểu thuyết?
Mai Sơn dịch
(Theo Tôn giáo, đạo đức và văn chương, Lawrence Erlbaum Associates xuất bản, New York, 1998)