Theo thống kê của Bloomberg, bất chấp việc Anil Ambani làm ăn thất bát và tác động của Covid-19, gia đình Ambani (Ấn Độ) vẫn có thêm 25 tỷ USD so với năm ngoái, nâng tổng tài sản lên 76 tỷ USD. Việc này giúp họ tiếp tục giữ ngôi giàu nhất châu Á. Tổng cộng, 20 gia đình giàu nhất châu lục kiếm thêm 10 tỷ USD trong một năm qua, nắm giữ tổng tài sản 463 tỷ USD.
Dù vậy, trong 20 gia đình này, hơn nửa bị giảm tài sản, do các ngành bất động sản và tài chính đi xuống trong đại dịch. Gia đình Chearavanont (Thái Lan) mất hơn 6 tỷ USD, còn nhà Kwok (Hong Kong) mất 5 tỷ USD. Nhà Kwok còn chịu ảnh hưởng từ luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp lên Hong Kong.
Dưới đây là 10 gia đình giàu nhất châu Á năm nay, theo thống kê của Bloomberg.
1. Ambani
Công ty: Reliance Industries
Trụ sở: Ấn Độ
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 76 tỷ USD
Dhirubhai Ambani - cha của Mukesh và Anil thành lập công ty tiền thân của Reliance Industries năm 1957. Khi qua đời năm 2002, ông không để lại di chúc. Vì vậy, vợ ông đã phải giải quyết tranh chấp giữa hai người con về quyền kiểm soát tài sản gia đình. Mukesh hiện là người đứng đầu đế chế này. Ông sống trong một căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là nhà riêng đắt đỏ nhất thế giới.
Mukesh Ambani năm nay ăn nên làm ra nhờ chuyển hướng đế chế năng lượng sang thương mại điện tử. Trong khi đó, Anil liên tiếp gặp khó, vướng vào kiện tụng, khiến tài sản gần như về 0, theo một tài liệu gửi tòa án hồi tháng 2.
2. Kwok
Công ty: Sun Hung Kai Properties
Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 33 tỷ USD
Kwok Tak-seng làm IPO cho Sun Hung Kai Properties năm 1972. Công ty này hiện là một trong những hãng bất động sản lớn nhất Hong Kong, mang lại phần lớn tài sản cho nhà Kwok. Các con trai của ông - Walter, Thomas và Raymond tiếp quản đế chế sau khi ông qua đời năm 1990.
Tài sản của gia đình Kwok năm nay giảm 5 tỷ USD, do đại dịch và luật an ninh quốc gia.
3. Chearavanont
Công ty: Charoen Pokphand Group
Trụ sở: Thái Lan
Thế hệ sở hữu công ty: 4
Tài sản: 31,7 tỷ USD
Năm 1921, Chia Ek Chor rời một ngôi làng ở miền nam Trung Quốc để tới Thái Lan. Tại đây, hai anh em ông mở cửa hàng bán hạt giống rau. Hiện tại, nó đã phát triển thành Charoen Pokphand Group - công ty đa ngành kinh doanh trong cả lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và viễn thông, do con trai Chia - Dhanin Chearavanont làm chủ tịch.
Tài sản của nhà Chearavanont năm nay cũng đi xuống, do ảnh hưởng của Covid-19.
4. Hartono
Công ty: Djarum, Bank Central Asia
Trụ sở: Indonesia
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 31,3 tỷ USD
Năm 1950, Oei Wie Gwan mua lại một thương hiệu thuốc lá và đổi tên thành Djarum. Công ty này nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia. Sau khi Oei qua đời năm 1963, hai con trai của ông - Michael Bambang Hartono (Oei Gwie Siong) và Robert Budi Hartono (Oei Hwie Tjhong) đa dạng hóa kinh doanh bằng cách đầu tư vào Bank Central Asia (Indonesia). Số cổ phần này hiện đóng góp phần lớn tài sản cho gia đình.
5. Lee
Công ty: Samsung
Trụ sở: Hàn Quốc
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 26,6 tỷ USD
Năm 1938, Lee Byung-chul thành lập Samsung - công ty xuất khẩu rau củ, hoa quả và cá. Ông tham gia mảng điện tử năm 1969, khi thành lập Samsung Electronics - hiện là hãng sản xuất smartphone và chip nhớ lớn nhất thế giới. Sau khi ông qua đời năm 1987, con trai thứ 3 - Lee Kun-hee tiếp quản công ty. Đến năm 2014, Lee Kun-hee nhập viện vì đau tim và qua đời tháng trước. Con trai ông - Jay Y. Lee hiện là người điều hành công ty.
6. Yoovidhya
Công ty: TCP Group
Trụ sở: Thái Lan
Thế hệ sở hữu công ty: 2
Tài sản: 24,2 tỷ USD
Chaleo Yoovidhya thành lập hãng dược phẩm T.C. Pharmaceutical năm 1956 và dần mở rộng sang mảng hàng tiêu dùng. Năm 1975, công ty ra mắt nước tăng lực Krating Daeng - tên tiếng Thái của Red Bull. Trong một chuyến công tác, doanh nhân người Áo - Dietrich Mateschitz biết đến loại nước này. Ông hợp tác với Chaleo để sửa đổi công thức và quảng cáo Red Bull ra toàn cầu. Chaleo qua đời năm 2012. Con trai ông - Saravoot Yoovidhya hiện là CEO TCP Group.
7. Cheng
Công ty: Chow Tai Fook
Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)
Thế hệ sở hữu công ty: 4
Tài sản: 22,6 tỷ USD
Gia đình Cheng năm nay thăng hạng so với năm ngoái, khi lọt vào top 10 khu vực. Họ hiện kiểm soát đế chế trang sức Chow Tai Fook Jewellery với doanh thu 7,3 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020. Công ty này thành lập năm 1929. Nhà Cheng hiện cũng sở hữu công ty bất động sản New World Development.
8. Mistry
Công ty: Shapoorji Pallonji Group
Trụ sở: Ấn Độ
Thế hệ sở hữu công ty: 5
Tài sản: 22 tỷ USD
Năm 1865, gia đình Mistry bắt đầu bước chân vào kinh doanh bằng việc thành lập một công ty xây dựng. Đến nay, Shapoorji Pallonji Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác. Họ còn có cổ phần trong Tata Sons - công ty mẹ của Tata Group - tập đoàn hiện diện tại hơn 100 quốc gia với hơn 720.000 nhân viên.
9. Pao
Công ty: BW Group, Wheelock
Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 20,2 tỷ USD
Pao Yue-kong mở công ty vận tải biển với 20.000 đôla Hong Kong cách đây hơn 60 năm. Đến năm 1979, công ty này đã sở hữu hơn 200 tàu – thuộc top lớn nhất thế giới thời đó. Để thích ứng với điều kiện thị trường, Pao lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nhờ số tiền từ bán tàu. Phần lớn tài sản của nhà Pao hiện tại đến từ hãng bất động sản Wheelock. Khi Pao qua đời năm 1991, các công ty của ông được chia cho 4 người con gái và các thành viên khác trong gia đình.
10. Sy
Công ty: SM Investments
Trụ sở: Philippines
Thế hệ sở hữu công ty: 3
Tài sản: 19,7 tỷ USD
Henry Sy sinh ra tại Trung Quốc và nhập cư vào Philippines năm 12 tuổi. Thời trẻ, ông giúp cha mình bán gạo, cá mòi và xà phòng. Đến năm 1958, ông mới mở cửa hàng giày nhỏ ở Manila. Hiện tại, nó đã thành đế chế đa ngành, kinh doanh cả bất động sản, ngân hàng và bán lẻ. Hiện tại, công ty này sở điều hành gần 2.800 cửa hàng bán lẻ và hơn 2.000 chi nhánh ngân hàng.
Hà Thu (theo Bloomberg)