Chị Minh nghe thấy nhưng không đáp, lẳng lặng đi thẳng. "Nhiều lúc phát ngượng với hàng xóm nhưng biết tính anh nên tôi không cự cãi", chị phân trần.
Không riêng bữa sáng, các bữa khác trong ngày, anh Ngọc Tiến, 40 tuổi, ở Hà Nội đều lên thực đơn chi tiết cho mâm cơm gia đình gồm một món canh, rau và hai món mặn. Thực phẩm quen thuộc là trứng, đậu phụ, lạc, cá khô và thịt, nhưng yêu cầu mỗi bữa cho bốn người không được tốn nhiều hơn 50 nghìn đồng. Những bữa cơm cứ lặp đi lặp lại đến mức cậu con trai út học lớp 3 luôn phàn nàn: "Cơm bán trú ở trường ngon hơn ở nhà". Nhưng anh Tiến lại kể về thời niên thiếu từng phải ăn cơm độn ngô, khoai, để con biết "bản thân đang có cuộc sống sung túc".
Ngoài chuyện ăn uống, anh yêu cầu mỗi thành viên không mua quá hai bộ quần áo mới trong một năm. Có lần, chị Minh xin mua váy mới để đi du lịch cùng công ty, anh chồng chì chiết nguyên tuần vì "có tận bốn chiếc trong tủ".
Mỗi tháng, hai vợ chồng chị Minh lĩnh lương khoảng 40 triệu đồng, mức thu nhập không thấp so với trung bình 7,2 triệu đồng của một lao động ở Hà Nội, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021. Gia cảnh nội ngoại hai bên cũng không gặp khó khăn gì.
"Tôi muốn vợ con chi tiêu khoa học, dự phòng rủi ro. Ăn quá nhiều chất còn gây hại cho sức khỏe", anh Tiến giải thích. Anh quy định tiền học của con và sinh hoạt phí của cả nhà mỗi tháng không quá 10 triệu đồng. Số còn lại để tiết kiệm.
"Nhà người ta chỉ để ra khoảng 30% tiết kiệm chứ nhà này tiết kiệm tới 75% thì cực đoan quá", chị Minh thừa nhận.
Không thừa nhận mình tiết kiệm cực đoan, anh Đông Hùng, ở Hải Dương giải thích gia đình hướng theo cách sống tối giản của người Nhật. Thu nhập 18 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể lương của vợ, nhưng anh lập quy tắc "3 không" cho cả gia đình: Không ăn hàng quán - không đi chơi - không mua sắm. Chưa hết, anh còn cấm bật đèn vào ban ngày, sau 9 giờ tối phải tắt điện, chỉ cho con bật đèn học, chỉ được bật điều hòa vào những ngày nắng nóng 39 độ C trở lên và đồ dùng trong nhà phải mua hàng giảm giá hoặc thanh lý.
Người đàn ông 45 tuổi còn tiết kiệm trong cả những tình huống ngặt nghèo. Có lần, anh sốt 39 độ, bụng đau thắt, mặt tái mét nhưng không chịu đi khám. Chỉ lúc ngất đi, người nhà mới đưa được anh lên xe cấp cứu đến viện vì chảy máu dạ dày cấp. Vừa tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật anh nằng nặc đòi về vì sợ tốn tiền viện phí.
"Thậm chí anh ấy còn tiếc tiền về thăm bố mẹ", chị Hồng Nhung, 40 tuổi, vợ anh Hùng, thở dài. Quê cách nơi ở chừng 300 km, nhưng hai năm anh mới đưa vợ con về quê một lần, đa phần vào ngày thường, tránh lễ tết để khỏi tiền mừng tuổi, quà cáp.
"Đừng nhầm lẫn giữa lối sống tối giản với sự hà tiện đến mức khắc khổ", tiến sĩ văn hóa Nguyễn Ánh Hồng nhận xét về cách sống của gia đình anh Tuấn, anh Hùng. Theo bà Hồng, tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, khoa học, tránh lãng phí, còn "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" là sự hà tiện đến bủn xỉn.
"Tính hà tiện thời nào cũng có, thời trước có thể là bình thường bởi cuộc sống khó khăn. Nhưng ở xã hội hiện đại, mức sống chung đã được nâng cao điều này không còn hợp lý", bà Hồng nói.
Sự tính toán, căn ke trong chi tiêu khiến vợ chồng anh Hùng liên tục xung đột. Không dưới ba lần chị Nhung đề nghị ly hôn bởi lối sống tằn tiện, đến cốc nước mía hai vợ chồng cũng phải uống chung, 15 năm lấy nhau chưa từng đi du lịch. Lần nào chồng cũng hứa thay đổi, nhưng sau vẫn vậy.
Chuyên gia cảnh báo việc chèn ép, gây ức chế cho bạn đời về mặt kinh tế thực chất là một dạng bạo lực gia đình, gây tổn hại lớn đến đời sống tinh thần và sức khỏe của bạn đời, con cái. Thậm chí mâu thuẫn tài chính, tiền bạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xích mích, khiến hạnh phúc tan vỡ.
Việt Nam chưa có thống kê về số vụ mâu thuẫn, ly hôn do bạn đời sống quá tiết kiệm, nhưng nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ĐH quốc gia Hà Nội năm 2021 cho biết, bất đồng về tài chính là nguyên nhân thứ hai dẫn đến các vụ ly hôn.
"Tính siêu tiết kiệm ở nam giới dễ gây mệt mỏi, ức chế, nhưng điều này ở phái nữ còn kinh khủng hơn, nhiều chị em còn tiết kiệm cả nụ cười", chuyên gia Ánh Hồng nhận xét.
Trường hợp này đang xảy ra ở gia đình chị Hải An, 50 tuổi, Phú Thọ. Tổng lương hai vợ chồng chị là 15 triệu đồng mỗi tháng, gấp ba lần so với mức thu nhập trung bình ở nông thôn (2,7 triệu đồng), nhưng phải nuôi ba con ăn học khiến tính tiết kiệm của chị "ngày càng trở nên khó chấp nhận".
Cả gia đình sống trong căn nhà ba tầng, rộng 90 m2, nhưng đồ đạc giá trị nhất là chiếc tivi mua cũ 5 triệu đồng. Bạn bè đến chơi khuyên mua thêm đồ dùng phục vụ cuộc sống nhưng chị từ chối, bởi "lắm đồ hiện đại thì tốn điện".
Để kiểm soát tiền, mọi khoản thu chi chị An đều ghi vào sổ. "Nếu tháng trước dùng hết một gói bột canh thì tháng sau phải bằng vậy hoặc ít hơn. Nhưng chưa đến cuối tháng mà đã hết, cần xem lại", người phụ nữ 50 tuổi khoe phương pháp kiểm soát chi tiêu gia đình và cho biết thêm, cách tính này áp dụng cả với gạo, muối, điện, nước và các khoản khác. Ngoài ra, chị cũng thường xin đồ cũ, khiến ba cô con gái nhiều lần tỏ thái độ khó chịu khi bị bạn bè châm chọc là "con nhà ăn xin".
Thậm chí, thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, hoa quả bị mốc, thối một phần ở trong tủ lạnh chị vẫn cắt, gọt đi để ăn vì tiếc. "Ăn được chứ bỏ đi phí quá", chị An giải thích.
Biết vợ áp lực khi làm tay hòm chìa khóa, không ít lần anh Phong, chồng chị, khuyên vợ thử thay đổi lối sống, con cái thoát cảnh ăn uống kham khổ, tính toán từng đồng. Nhưng chị An đáp trả: "Nhiều gia đình bốn người cả tháng tiêu hết 3 triệu, nhà mình tháng nào cũng gần 6 triệu đồng. Quá thoải mái rồi còn gì".
Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, trưởng khoa kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM cho biết, tiết kiệm một phần thu nhập để phòng ngừa rủi ro, tránh rơi vào trường hợp khó khăn là điều các gia đình nên làm. Các khoản chi tiêu, tiết kiệm phụ thuộc vào môi trường sống, trình độ học vấn, tôn giáo, nhu cầu tiêu dùng, quan điểm thụ hưởng và tổng thu nhập của từng gia đình.
"Không thể đề ra mức tiết kiệm tiêu chuẩn cho từng trường hợp. Người có thu nhập cao, đời sống phong phú sẽ chi tiêu nhiều, còn thu nhập trung bình hoặc thấp chỉ cần chi tiêu đủ đảm bảo cuộc sống", ông Nam nói. Theo chuyên gia này, có hai thước đo về chi tiêu của một hộ gia đình là chỉ số GDP (thu nhập bình quân) hoặc phúc lợi hạnh phúc (mức độ hài lòng với cuộc sống). "Nếu đo lường bằng GDP rất dễ để so sánh nhưng nếu tính bằng phúc lợi hạnh phúc lại khác, rất có thể số tiền tiết kiệm tăng, chỉ số hài lòng giảm và ngược lại", ông Nam nói.
Sống cùng người chồng đếm từng cọng hành, chị Kim Minh thừa nhận các con mình mắc chứng thèm ăn. Mỗi lần được bạn bè, đồng nghiệp mời ăn ngoài, chị cũng dẫn hai con theo để được ăn uống thoải mái. "Cách sống tằn tiện như ngấm vào máu của chồng, không thể thay đổi. Tôi bất lực rồi", chị Minh thở dài.
Theo chuyên gia Ánh Hồng, nguyên nhân khiến vợ hoặc chồng tiết kiệm, sống chắt bóp có thể do ảnh hưởng bởi gia đình nghèo khó, cuộc sống chật vật nên tính căn cơ, tiết kiệm thành thói quen khó bỏ. Đối với kiểu người này, bạn đời không nên ghét bỏ mà giúp họ hiểu rõ "lối sống tiết kiệm quá mức khiến chất lượng cuộc sống bị tổn hại, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, vợ con thiệt thòi".
"Đặc biệt người thân, bạn bè cũng nên làm công tác tư tưởng, thậm chí sử dụng cách khích bác, so sánh với người khác, để họ nhận ra sai và thay đổi", bà Hồng nói.
Được bạn bè mách nước, chồng chị Hải An thường nhờ đồng nghiệp của vợ đến khuyên nhủ, mong để thay đổi chị suy nghĩ. Anh cũng hay thủ thỉ, tâm sự với vợ để tìm ra cách quản lý tài chính hợp lý. "Tôi chỉ mong cô ấy có cái nhìn cởi mở hơn về chi tiêu, dù biết mất nhiều thời gian và không dễ dàng", anh Phong bộc bạch.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Quỳnh Nguyễn