Ngân kể hôm đó vợ chồng cô từ Sài Gòn về Cai Lậy, Tiền Giang ăn giỗ. Cả buổi cô phải ứng phó với hàng loạt câu hỏi của họ hàng, nên khi mẹ khơi chuyện con cái ra, Ngân chỉ trả lời gọn lỏn: "Tụi con quyết định không sinh con".
Bà Vân (mẹ Ngân) kể hàng loạt những bất lợi của một cặp vợ chồng không con cái. Ngân thừa nhận lý do nào cũng có lý nhưng nghĩ nếu sinh con chỉ vì có lợi cho bản thân sẽ không làm. "Đứa trẻ chưa có mặt trên đời mà phải gánh bao nhiêu trách nhiệm là bất công cho nó", cô cãi mẹ.
Từ phân tích sang vỗ về khuyên nhủ nhưng thấy không xoay chuyển được con gái, bà Vân tuyên bố: "Đứa nào không sinh cháu sẽ không được chia bất cứ tài sản gì".
"Nếu bố mẹ còn như vậy, từ giờ chúng con sẽ ít về quê", cô nói rồi cùng chồng quay lại Sài Gòn.
Cặp vợ chồng 35 tuổi, đã kết hôn 7 năm, cho biết các năm qua họ đã nhiều lần bàn bạc chuyện này và thống nhất sẽ không có con vì không muốn làm xáo trộn cuộc sống gia đình.
"Thế giới đã quá đông. Mỗi một con người sinh ra là tạo ra rác thải, môi trường càng thêm ô nhiễm", cô nói.
Kết hôn nhưng không sinh con giống vợ chồng Ngân đang là một xu hướng trên thế giới, dù mỗi quốc gia có một mức độ khác nhau. Tại Hàn Quốc theo công bố mới nhất tổng tỷ suất sinh (TFR - số con sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ của phụ nữ) chỉ còn 0,78 con mỗi phụ nữ - thấp nhất thế giới. Tại Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên ghi nhận dân số giảm sau 60 năm và TFR là 1,15 con mỗi phụ nữ.
Chưa có nghiên cứu, khảo sát nào về số vợ chồng quyết định không sinh con nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng này đang xuất hiện ở Việt Nam. Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 của Hội đồng Anh chỉ ra giới trẻ Việt coi trọng sự nghiệp hơn gia đình, kết hôn (30%), kết hôn muộn, nhu cầu sinh con giảm.
Trong một khảo sát mới đây của VnExpress với 1.000 độc giả, 61% ủng hộ "Kết hôn không nhất thiết phải sinh con". Số liệu năm 2022 của Tổng cục thống kê cũng chỉ ra người Việt đang ngày càng ngại sinh đẻ, nhất là TP HCM chỉ đạt 1,39 con mỗi phụ nữ, trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 con. Tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2.01 con, thấp nhất kể từ 2018.
Vợ chồng Quỳnh Hương và Anh Luân đã kết hôn 8 năm, cùng 8 năm yêu nhau nhưng vẫn chỉ muốn tổ ấm hai người. Hương cho biết sự hy sinh của mẹ cho cô nhận ra rằng nuôi một đứa trẻ không dễ. Làm trong lĩnh vực giáo dục, tiếp xúc với nhiều gia đình, nhìn thấy nỗi đau mất kết nối giữa các thành viên, nhìn đứa trẻ phải sống với kỳ vọng của người lớn, cô càng không muốn có con.
"Tôi là một người yêu bản thân nên muốn dành tất cả những gì mình có để sống trọn vẹn cuộc đời này", Quỳnh Hương, 35 tuổi chia sẻ. Hai trong nhiều biểu hiện yêu bản thân của cô là thích du lịch và tín đồ thời trang.
Chồng cô, anh Luân, 41 tuổi cũng nhất trí quan điểm này. "Chúng tôi quyết định không có con để thời gian phụng sự xã hội và thực hiện lý tưởng cá nhân", anh Luân nói.
Vợ chồng Thu Quỳnh và Tuấn Dũng ở Ninh Thuận cũng chọn không đẻ sau 6 năm cưới. Họ khẳng định cần có một số điều kiện tối thiểu mới có thể nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho xã hội. Không chỉ tài chính vững, còn cần thời gian và kiến thức.
"Nhiều người bảo chúng tôi rằng trời sinh voi sinh cỏ. Song ngày nay sinh con ra là phải có trách nhiệm nuôi đàng hoàng, chứ không ỷ lại cha mẹ, phó mặc đất trời", Tuấn Dũng, 34 tuổi, nói.
Ngoại trừ vợ chồng Quỳnh Hương được gia đình nội ngoại ủng hộ, hai cặp còn lại cho biết từng bị kỳ thị, coi như "người đến từ hành tinh khác", "trái quy luật tự nhiên", "bất hiếu".
"Có người chất vấn chúng tôi 'không đẻ thì cưới làm gì'. Chúng tôi cưới nhau vì muốn cam kết sẽ sống cả đời, chứ cưới để đẻ thì khác gì coi nhau như máy đẻ", Dũng nói.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện phát triển sức khỏe cộng đồng, chuyện các đôi bị kỳ thị cũng dễ hiểu do họ là những người công khai quan điểm có phần khác biệt với số đông xã hội. "Có thể Việt Nam cũng đi theo xu thế không sinh con của khu vực và thế giới hiện nay", bà Giang nhận định.
Theo chuyên gia có ba nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này. Đầu tiên là do mức sống ngày càng tăng, chi phí nhà ở, sinh hoạt đắt đỏ. Trong khi tâm lý người trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z có áp lực phải có chất lượng cuộc sống tốt và nhu cầu hưởng thụ cao.
"Người có học vấn càng cao càng không muốn sinh con", bà Giang nói. Điều này trùng với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, rằng phụ nữ trình độ cao và giàu có thường trong nhóm sinh ít con nhất.
Hơn nữa ở các quốc gia Đông Á, phụ nữ gánh trách nhiệm "xây tổ ấm", khiến họ không chỉ mất 9 tháng mang thai mà còn nhiều năm chăm sóc con cái. Điều này trở thành rào cản với nhiều người muốn học hành, thăng tiến, tận hưởng cuộc sống.
"Hệ lụy ngay trước mắt có thể nhìn thấy của xu hướng này là cấu trúc gia đình bị thu hẹp, khi về già cô đơn, bệnh tuổi già trầm trọng hơn; lâu dài ảnh hưởng đến độ tuổi lao động của một quốc gia, mất cân bằng hệ thống an sinh xã hội", tiến sĩ Giang nói.
Đây cũng là những điều vợ chồng Dũng nghĩ đến, song với họ, mục tiêu trước mắt là lập nghiệp và trải nghiệp cuộc sống, khi về già sẽ vào viện dưỡng lão.
"Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Đừng cố gắng sống vừa lòng người khác, mà chỉ cần tự mình hạnh phúc, mặc nhiên tất cả sẽ hạnh phúc", cặp vợ chồng nói.
Với vợ chồng Hương và Luân, khi không có con họ có thể theo đuổi mọi đam mê, sở thích. Thời trẻ họ từng cùng nhau kinh doanh lấy tiền đó làm từ thiện. Hiện Anh Luân là một đạo diễn, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội. Còn Quỳnh Hương mở dự án doanh nghiệp xã hội để trẻ em Sài Gòn được trở lại tuổi thơ ngày xưa. "Tôi mong muốn trở thành nguồn cảm hứng cho các chị em trong lối sống hạnh phúc tự thân", Quỳnh Hương chia sẻ.
Riêng vợ chồng Ngân, họ chỉ muốn sống một cuộc đời yên bình. Đến nay bố mẹ cô không nhắc lại chuyện sinh con nữa.
Phan Dương