Người phụ nữ sống tại quận Long Biên, Hà Nội là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ. Hàng tháng chị chi tiêu cá nhân 20 triệu đồng và hơn 10 triệu đồng cho mỗi con. Chị cũng đang chăm sóc cha mẹ già và hỗ trợ các cháu đại học.
Mẹ đơn thân này cho biết mức giảm trừ gia cảnh thấp so với chi tiêu thực tế, thuế thu nhập kịch khung, khiến số thu nhập thực tế của chị giảm đáng kể. Như năm 2024, chị phải đóng 320 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
"Một mình tôi gánh vác kinh tế gia đình nên dù thu nhập trăm triệu vẫn không tiết kiệm không được bao nhiêu", chị Hà, làm trong ngành chứng khoán, chia sẻ.
Anh Đức Tuấn, kỹ sư IT 31 tuổi tại TP HCM vẫn thấy cuộc sống chật vật vì chi phí nuôi con và sinh hoạt của gia đình cao gấp nhiều lần mức giảm trừ. "Mức giảm trừ 11 triệu đồng cho bản thân và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc ban hành năm 2020 nay đã lỗi thời", ông bố trẻ nói.
Vợ Tuấn làm cho một doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, còn anh làm IT cho một công ty FDI. Mỗi năm anh phải đóng hơn 60 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chưa kể những khi có thu nhập bất thường.
Hai tháng trước, vợ chồng Tuấn đón con đầu lòng. Chi tiêu của gia đình cũng từ đó nhiều gấp đôi, áp lực ngày càng tăng.

Công nhân Khu Công nghiệp Tân Tạo (TP HCM) đi chợ mua đồ ăn. Ảnh: Hữu Khoa
Giảm trừ gia cảnh là khoản được trừ vào thu nhập của cá nhân trước khi tính thuế nhằm đảm bảo nguồn chi cần thiết tối thiểu cho bản thân người nộp thuế và những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Qua 16 năm ban hành, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh ba lần. Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc.
Nhưng chi tiêu của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh. Trong khi mức chi tiêu tối thiểu của mỗi người dân tăng gấp 4-5 lần so với thời điểm 2008, lương tối thiểu tăng 6-7 lần, mức giảm trừ gia cảnh tăng chưa bằng ba lần.
Tháng 11/2024, trả lời kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về "cần tăng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay", Bộ Tài chính nói "vẫn chưa thể điểu chỉnh khi CPI biến động dưới 20% so với lần thay đổi gần nhất (năm 2020)".
Khảo sát VnExpress từng thực hiện với hơn gần 24.000 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân hơn 10 triệu đồng nhưng tốn ít nhất 7 triệu để nuôi một người phụ thuộc. Mức này chiếm 70% khoản chi cho bản thân, lớn hơn tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.
"Mức giảm trừ gia cảnh đang áp dụng hiện nay không theo kịp thực tế", luật sư Nguyễn Danh Huế, đoàn Luật sư TP Hà Nội, nói.
Ông phân tích tỷ lệ lạm phát gia tăng sau đại dịch Covid-19, đẩy chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tăng đáng kể. Ví dụ, năm 2020, một suất ăn trưa văn phòng khoảng 30.000 - 40.000 đồng, nay lên 50.000 - 70.000 đồng. Giá hầu hết các mặt hàng đều tăng nhưng mức giảm trừ vẫn giữ nguyên, không đủ để đảm bảo mức sống tại các đô thị lớn.
Mức giảm trừ cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng cũng trong tình trạng tương tự, theo luật sư Huế. Ví dụ, chi phí học tập cho một học sinh tiểu học trường công tại Hà Nội, TP HCM dao động từ 3-7 triệu đồng, trường tư có thể lên đến 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Một cụ già cần chăm sóc tại nhà hoặc viện dưỡng lão cũng ít nhất 8-10 triệu đồng một tháng.
"Nhiều quốc gia áp dụng cơ chế tự động điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, giúp đảm bảo công bằng thuế", ông Huế nói. Mức giảm trừ gia cảnh chậm thay đổi theo thực tế không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân và gia đình, còn tác động tiêu cực đến sức mua của thị trường, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.

Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Thuế, số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2024 đạt 189.000 tỷ đồng, vượt dự toán cả năm khoảng 30.000 tỷ. Số lượng người nộp thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm qua, hiện khoảng 26 triệu người.
"Số thu thuế TNCN cao cũng là biểu hiện của gánh nặng thuế ngày càng tăng, người lao động đang chịu nhiều thiệt thòi", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế nói. "Luật thuế TNCN đã lạc hậu, trong đó cái lạc hậu nhất là giảm trừ gia cảnh, đòi hỏi phải sửa đổi ngay".
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật thuế TNCN dự kiến trình Quốc hội cuối 2025, thông qua 2026 và thực thi 2027. Ông Tú kiến nghị có thể sửa ngay mức giảm trừ gia cảnh và thực hiện trong năm nay vì thủ tục đơn giản và không cần sửa luật. Việc này sẽ giúp giảm thuế, tăng thu nhập, thúc đẩy sức mua và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.
"Thực tế đã chứng minh mỗi lần tăng mức giảm trừ gia cảnh đều dẫn đến tăng trưởng GDP, từ đó bù đắp thâm hụt thuế", chuyên gia nói.
Dưới những con số khô khan của thuế và chi phí sinh hoạt là những câu chuyện đời thực đầy áp lực. Đức Tuấn mong mức giảm trừ gia cảnh tăng lên ít nhất 15 triệu đồng mỗi người, phù hợp với thực tế sống ở TP. HCM. "Với mức giảm trừ như vậy, vợ chồng tôi sẽ có thêm một khoản tiết kiệm lớn cho ước mơ mua nhà", anh chia sẻ.
Phan Dương