Anh Hưng cho biết năm nào cả nhà cũng mua vé tàu đi gần 300 km về quê ngoại từ 27 âm lịch. Anh rất thích không khí Tết ở quê vợ, nơi cả họ tụ tập ngồi gói bánh chưng, thức đêm nấu bánh, nói chuyện, hát hò tới sáng. Anh cũng thừa nhận hiếm khi vợ chồng xích mích vào dịp Tết vì với vợ anh, được về ngoại là điều cô ao ước nhất, các khoản chi tiêu và mua sắm anh có thể tự quyết.
"Cả năm vợ tôi đã phải làm dâu xa nhà, có dịp quan trọng mới về, tôi muốn vợ được nghỉ ngơi vào dịp mà nàng dâu nào cũng tất bật lo Tết cho nhà chồng", anh Hưng chia sẻ.
Vợ chồng anh Hưng kết hôn năm 2007. Năm đầu chị Bích làm dâu, anh đã xin phép bố mẹ đẻ cùng vợ về quê đón giao thừa, đến mồng 3 trở lại với lý do: "Con muốn về xem Tết Nghệ An thế nào, thấy mọi người ở nhà ngoại rất mong con về thăm". Mẹ anh chần chừ nhìn bố nhưng cuối cùng cũng gật đầu đồng ý. "Có lẽ một phần mẹ tôi đồng cảm vì đời bà chưa từng được về ngoại ăn Tết", anh nói.
Chị Bích có phần lo lắng nên bàn với chồng sắm Tết sớm cho bố mẹ chồng. Cả hai lên kế hoạch dọn nhà sớm, mua đủ đồ cho các ngày như mâm cúng ông Táo, cỗ giao thừa, mồng 1, mồng 3 Tết. Đến 27 tháng Chạp, chị Bích giúi vào tay bố mẹ chồng bao lì xì và nói: "Con xin phép mừng tuổi bố mẹ sớm, con biết ơn bố mẹ nhiều". Mẹ chồng cũng gói ít cốm tươi, chả cốm, thịt đông làm quà biếu ông bà thông gia.
"Mới về làm dâu, tôi không dám nghĩ tới chuyện xin về ngoại ăn Tết. Được về đón giao thừa như mọi năm khiến tôi trân trọng gia đình chồng nhiều hơn", chị Bích nói.
Đến nay, dù hai vợ chồng anh Hưng đã có hai con lớn nhưng cứ Tết đến các cháu vẫn được về ngoại. Hết mồng 3, bố mẹ chị Bích cùng con gái, con rể và các cháu lại ra Hà Nội để chúc Tết thông gia và ở lại chơi vài ngày. Có năm bố mẹ chồng chị sẽ về Nghệ An.
Cưới nhau từ năm 2018, Văn Thoại, 27 tuổi, ở Bắc Giang vẫn giữ lời hứa trước khi cưới rằng sẽ cùng vợ về ngoại ăn Tết cho đỡ tủi thân.
Nhà vợ có ba chị em gái, vợ anh là út, hai chị trước đều được về ngoại từ 29 âm lịch đến mồng 2 trở lại nhà chồng, dần rồi cũng trở thành truyền thống gia đình nên cũng muốn vợ mình không phải chịu thiệt thòi.
"Mẹ tôi lấy chồng xa, cách hơn 300 km, năm nào mẹ cũng ở nhà chồng để lo chu toàn đến hết Tết. Tôi không muốn vợ mình phải khổ sở ngày Tết như vậy", Thoại nói.
Chàng rể thừa nhận nhiều khi còn háo hức về ngoại hơn cả vợ vì bố mẹ vợ lúc nào cũng quan tâm đến anh, chỉ chờ anh về để chiêu đãi món ngon. Là đàn ông trong nhà, anh cũng muốn phụ giúp nhà vợ dọn dẹp đón Tết.
"Để cân bằng hai bên, vợ chồng tôi thống nhất những ngày lễ trong năm sẽ cùng đi du lịch với nhà nội, riêng Tết âm dành nhiều thời gian cho bên ngoại", anh Thoại tâm sự.
Tuyết Mai, 45 tuổi, quản trị viên của một diễn đàn tâm sự chuyện hôn nhân có hơn 400.000 thành viên trên mạng xã hội cho biết, gần Tết năm nào cũng có nhiều bài đăng tâm sự của các chị em về việc ăn Tết nội, Tết ngoại. Từ đầu tháng 1, nhóm nhận được hàng chục bài viết về chủ đề này, một số tâm sự được chồng chấp nhận việc về ăn Tết ngoại nhưng lại bị họ hàng bên nội phán xét, đánh giá không tốt hay nhiều trường hợp bố mẹ chồng "bằng mặt nhưng không bằng lòng".
Khảo sát của VnExpress với gần 1.000 độc giả cho thấy có 77% cho rằng các gia đình nên chia đều thời gian ăn Tết cho cả hai bên nội, ngoại, 21% ủng hộ việc ăn Tết ngoại nếu đã sắp xếp mọi thứ ổn thỏa.
Hiện tại chưa có số liệu thống kê nhưng theo chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Lê Thị Minh Hoa (Viện Tâm lý Sunny Care, TP HCM) việc về ăn Tết nhà ngoại ngày càng xuất hiện nhiều ở những cặp vợ chồng trẻ. Họ có tư tưởng cởi mở hơn, phái nữ cũng tự tin, rạch ròi thể hiện quan điểm trước khi tiến đến hôn nhân để có được sự bình đẳng khi về nhà chồng.
"Phụ nữ hiện nay nhiều người cũng tự chủ kinh tế, điều này giúp họ dễ dàng trao đổi với nhà chồng hơn trong việc tính toán chi phí đi lại ngày Tết, lo cho gia đình hai bên chu đáo", bà Hoa nói.
Dù vậy chuyên gia cũng cho rằng các gia đình nên phân chia theo cách ăn Tết xen kẽ, năm ở ngoại, năm ở nội. Với những gia đình không sống chung với nhà chồng có thể cân nhắc bên nào gần hơn, thuận tiện hơn thì cùng về ăn Tết.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, việc cùng vợ về ăn tết ngoại là quan điểm tiến bộ của các ông chồng. Điều này thể hiện dấu hiệu tích cực cho việc bình đẳng giới, một phần chứng tỏ họ tôn trọng và yêu thương vợ và suy nghĩ cho bố mẹ vợ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, các gia đình bên ngoại, nội ở gần nhau thì có thể ủng hộ việc ăn Tết ngoại hàng năm, nhưng trường hợp hai nhà xa nhau, chỉ về ăn Tết ngoại thì không hợp lý. "Ai cũng mong con cháu đoàn tụ vào dịp này, nên tính toán cẩn thận để hai nhà đều vui", chuyên gia chia sẻ.
Chuyên gia chia sẻ thêm, với những nàng dâu trưởng, dù có được bố mẹ chồng ủng hộ việc về nhà ngoại ăn Tết, sẽ có thể họ bị họ hàng, người thân quen bên chồng phán xét, cho rằng không coi trọng nhà chồng, chê ông chồng nhu nhược, nên các ông chồng vừa phải nghĩ cho vợ và cho bố mẹ.
Ba năm nay ăn Tết nhà ngoại, chị Thái Hà, 46 tuổi, ở Nghệ An nói dù vui nhưng không ít lần bị hàng xóm cũng như các chị chồng lời ra tiếng vào. Vợ chồng chị kết hôn năm 2000, suốt 20 năm, chị đều ở nhà chồng lo cỗ bàn, nấu nướng, dọn dẹp. Chồng chị làm bộ đội biên phòng đóng quân cách nhà hơn 200 km nên có năm không về có năm mồng 1, mồng 2 mới về. Năm 2021, biết sức khỏe của mẹ chị ở quê không ổn định, bố mẹ chồng ngỏ ý bảo con dâu thường xuyên về thăm nhà hơn, dịp Tết thì ở lại chăm sóc họ.
"Trước đây bố mẹ chồng tôi rất khó tính, Tết nhất con dâu đều phải ở lại cùng chồng cúng gia tiên, mấy năm nay được về ngoại, tôi rất biết ơn", chị Hà nói.
Dù vậy, lúc ăn Tết nhà mình, chị cũng vô tình nghe được nhiều lời không hay từ hàng xóm như "Nhà chồng không lo lại trốn về đây", "Hay xích mích gì với nhà chồng". Thấy vợ buồn anh Gia Bá cũng động viên, có năm để vợ con về trước, anh lo nhà nội rồi về sau.
"Tôi áy náy vì cả năm chỉ về được có vài lần, một mình vợ chăm sóc bố mẹ tôi rồi con cái. Năm sau tôi sẽ chuyển ra ở riêng, về gần nhà vợ để vợ có nhiều thời gian cạnh bố mẹ đẻ", anh Bá tâm sự.
Thanh Nga