Theo Business Insider, nhiều ông chủ tại Thung lũng Silicon được đánh giá nghiêm khắc khi những email họ gửi đi khiến nhân viên cảm thấy "toát mồ hôi", nhưng có thể mang lại kết quả tích cực cho công ty sau đó.
Mark Zuckerberg
Trong tài liệu tòa án liên quan đến vụ kiện Meta có hành vi phản cạnh tranh hồi tháng 3 có đề cập đến việc năm 2016, Mark Zuckerberg yêu cầu nhóm của mình tìm hiểu đối thủ, với mục tiêu chính là Snapchat. Ông gửi email nhắc nhở người đứng đầu bộ phận tăng trưởng của Facebook là Javier Olivan phải có "tư duy đột phá" và tăng tốc làm việc để tạo ra tính năng vượt đối thủ càng sớm càng tốt.
Từ email này, Olivan cùng Guy Rosen, người sáng lập Onavo - ứng dụng phân tích lưu lượng truy cập được Facebook mua lại vào năm 2013 - đẩy nhanh quá trình tìm hiểu. Hai tháng sau, Facbook trình làng tính năng Stories với nội dung biến mất sau 24 tiếng tương tự Snapchat.
New York Times hồi tháng 3/2023 cũng đưa tin vào năm 2010, Zuckerberg đã rất tức giận khi nhân viên tuồn thông tin sản phẩm chưa ra mắt cho báo chí. Ông đã gửi thư với tiêu đề "Từ chức đi". Trong thư nêu: "Tôi yêu cầu bất cứ ai làm rò rỉ thông tin này phải từ chức lập tức. Nếu không, tôi gần như chắc chắn sẽ tìm ra đó là ai".
Elon Musk
Sau đại dịch năm 2022, nhiều doanh nghiệp vẫn cho phép nhân viên làm việc từ xa, nhưng Musk yêu cầu nhân viên Tesla đến văn phòng công ty, theo CNN. Ông viết trong email: "Bất kỳ ai muốn làm từ xa đều phải có mặt ở văn phòng tối thiểu (tôi nhấn mạnh là tối thiểu) 40 giờ một tuần, hoặc rời Tesla. Con số này vẫn ít hơn những gì tôi yêu cầu với công nhân nhà máy. Do đó, nếu vắng mặt, tôi sẽ cho rằng người đó đã nghỉ việc".
Musk thường ngủ lại văn phòng công ty và mong muốn nhân viên cũng như vậy. Khi tiếp quản Twitter, nay là X, năm 2022, ông thẳng tay sa thải hơn nửa số nhân viên và yêu cầu số còn lại làm việc chăm chỉ.
Jeff Bezos
Người sáng lập Amazon có thói quen gửi email cho nhân viên. Khi gặp vấn đề không hài lòng, ông thêm vỏn vẹn một dấu chấm hỏi. Theo Business Insider, rất nhiều nhân viên Amazon đã lo sợ khi thấy dấu hỏi xuất hiện trong thư của mình.
Năm 2018, Bezos chia sẻ: "Tôi đọc hầu hết email và chuyển tiếp chúng cho các giám đốc phụ trách khu vực kèm một dấu chấm hỏi. Đó là cách truyền đạt ý: Anh đã xem kỹ điều này chưa? hay Sao vấn đề này lại xảy ra?".
Tim Cook
CEO Apple Tim Cook cũng có thái độ gay gắt với cấp dưới nếu không hài lòng với những gì họ làm. Trong email được The Verge thu thập năm 2021, ông đã chỉ trích nhân viên vì nội dung cuộc họp nội bộ bị rò rỉ cho báo chí.
"Như đã biết, công ty không chấp nhận việc bị lộ thông tin bí mật", Cook viết. "Chúng ta biết rằng những người làm rò rỉ thông tin chỉ chiếm số ít, và họ không thuộc về nơi này".
Andy Jassy
Tương tự Bezos, Andy Jassy, CEO Amazon, cũng có quan điểm cứng rắn với nhân viên kém hiệu quả. Ông đưa ra những chỉ dẫn nghiêm ngặt, đồng thời ngầm cảnh báo vị trí của họ đang bị đe dọa.
Chẳng hạn năm 2023, khi yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng, ông cho rằng đã qua giai đoạn có thể lựa chọn làm từ xa. "Mọi người cần quay lại văn phòng ít nhất ba ngày một tuần. Những người từ chối có thể sẽ không làm việc suôn sẻ được nữa", ông nói.
Bảo Lâm
- Cách điều hành độc đáo của các ông chủ công nghệ
- CEO công nghệ dùng AI trong cuộc sống cá nhân thế nào
- 'CEO làm thuê' giàu hơn Tim Cook, Satya Nadella
- Các CEO công nghệ hàng đầu dùng smartphone gì?