Con chị Hồng ở Kim Ngưu, Hà Nội, vừa tròn 4 tuổi nhưng chỉ nặng 12,5kg, mặc dù khi sinh ra, Sóc đã nặng 3,2kg. Mẹ sinh mổ, mất sữa nên Sóc chủ yếu được nuôi bộ (ăn sữa công thức). 6 tháng đầu, Sóc tăng cân khá tốt, trung bình mỗi tháng lên một kg. Nhưng không được bú mẹ nên cậu hay ốm, cứ thời tiết thay đổi là viêm họng, sổ mũi.
Từ tháng thứ 6 đổ ra, Sóc tăng cân rất chậm, mỗi lần mọc răng là lại sốt và sút vài lạng. 3 năm qua, chị Hồng áp dụng đủ phương pháp nuôi con, chế biến đủ món ngon bổ dưỡng từ trứng cá hồi đến gan ngỗng, bổ sung vitamin tổng hợp, vậy mà, cu cậu chỉ tăng được 3kg.
Thấy con gày còi, xanh xao, chị Hồng héo hon cả người, lúc nào cũng băn khoăn không biết cách chăm con sai ở đâu hay mình không mát tay nuôi trẻ. "Nhất là những lúc nhìn con ốm, ho khụ khụ cả đêm, ăn vào lại trớ là rớt nước mắt", chị tâm sự.
Tìm cách "bù đắp" cho con, ngày nào chị Hồng cũng lích kích chế biến các món ăn ngon, bổ dưỡng rồi ép con ăn. Nhưng Sóc không thích, nhiều hôm, thấy mẹ bê bát là cu cậu sợ, trốn tiệt vào góc nhà. Đưa con đi khám dinh dưỡng, chị mới biết: khả năng hấp thụ dinh dưỡng của Sóc không tốt. Đó cũng là lý do khiến cậu sợ ăn, bị ép ăn nhiều mà vẫn chậm lớn. Ngoài ra, do hệ tiêu hóa của Sóc kém nên lúc nào cậu cũng thấy no, căng tức ở bụng và không muốn ăn.
Chia sẻ của chị Hồng trên mạng xã hội đã nhận được sự chia sẻ của nhiều bạn bè. Không ít bà mẹ trẻ cũng thở ngắn than dài về tình trạng con lười ăn hay ăn nhiều mà vẫn chậm lớn. Có mẹ còn bi quan đến độ: nhìn con ốm đau mà chỉ muốn ngủ một giấc thật dài để 20 năm sau tỉnh dậy đã thấy con lớn khôn.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 50.000 trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 2-5 thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi lần lượt là 19,62% và 29,05%. Biếng ăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm… còn ở mức cao. Số trẻ em đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9% - 57,7%). Biếng ăn ở trẻ là một hiện tượng thường gặp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít chị em tìm được bí quyết khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn đáng lo ngại này. Mách nước cho chị Hồng, mẹ bé Bông comment: "Mẹ nuôi con đừng ép con ăn quá, ăn nhiều mà không hấp thụ thì chả ích gì. Mẹ thử cho Sóc ăn thêm sữa chua xem, bé Bông trước cũng lười ăn, em cho ăn thêm sữa chua giúp chóng tiêu, ổn định hệ tiêu hóa nên giờ có cảm đói và thèm ăn rồi, trộm vía cũng hấp thụ tốt, phổng phao nữa. Ngoài ra, mẹ đừng lạm dụng thuốc kháng sinh nhé, nếu không, sức đề kháng của con ngày càng kém đấy".
Theo các nghiên cứu khoa học, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị ép ăn nhiều nhưng vẫn chậm lớn là: hoặc các món ăn thiếu dưỡng chất, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ; hoặc khả năng hấp thụ của bé rất kém. Với lý do thứ 2, bé thường biếng ăn, sợ ăn, thậm chí nôn trớ khi cơ thể không thích ứng với thực phẩm. Hơn thế, bữa ăn ngon và chất lượng sẽ không có tác dụng nếu chúng không được hệ tiêu hóa của con hấp thụ một cách tối đa.
Nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em cho thấy sự phát triển của trẻ 0 - 6 tháng tuổi ở nước ta so với tất cả các quốc gia trong khu vực là như nhau. Song khi chuyển sang giai đoạn ăn dặm thì trẻ em Việt Nam thường có sự tụt hậu. Điều này có liên quan đến những thói quen ăn uống truyền thống không tốt của nhiều bà mẹ khiến bé thiếu nhiệt năng và vitamin cần thiết như A, B, C, D, sắt, canxi... ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng và sức khỏe của bé.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh, chuyên gia dinh dưỡng của một công ty sữa hàng đầu Việt Nam cho biết: sai lầm thường gặp của các bà mẹ nuôi con trong thời kỳ ăn dặm là thường xuyên cho trẻ ăn một chế độ ăn quá nghèo nàn về chất dinh dưỡng. Vì sợ con khó ăn, nhiều người không cho trẻ ăn thêm các loại rau, củ, quả nên chỉ ninh xương, thịt lấy nước mà không biết rằng chỉ dựa vào những chất có trong xương, thịt là không đủ. Với khẩu phần ăn như vậy kéo dài, bé bị suy dinh dưỡng là điều dễ hiểu. Để tránh tình trạng này, mẹ cần xay nhuyễn tất cả các loại rau, củ, thịt lẫn vào bột để trẻ ăn hằng ngày, nên thay đổi thường xuyên các loại rau để trẻ không bị ngán.
Còn để tăng cường khả năng hấp thụ, mẹ có thể bổ sung vitamin, khoáng chất và men vi sinh sống cho bé. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lợi khuẩn trong men vi sinh sống Probiotics (có nhiều trong sữa chua) giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn, tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện tình trạng biếng ăn, nâng cao sức đề kháng cho bé. Ngoài ra, bố mẹ nên tăng cường vận động cho bé mỗi ngày để bé ăn ngon miệng hơn.
Xuân Ngọc