Thứ tư, 1/5/2024
Thứ sáu, 14/7/2023, 00:00 (GMT+7)

Những đường hầm độc đáo nhất thế giới

Nằm sâu dưới mặt biển, trong sông băng hay dưới lòng đất, nhiều đường hầm trên thế giới được ví như kỳ quan kỹ thuật ấn tượng.

Đường hầm Gotthard, Thụy Sĩ. Ảnh: Wikipedia

Với chiều dài 57 km, Gotthard là hầm đường sắt dài và sâu nhất thế giới. Công trình mở cửa lần đầu tiên vào năm 2016, giúp tăng cường lưu thông tàu chở hàng bên dưới dãy Alps. Tàu chở khách giữa những thành phố lớn của Thụy Sĩ cũng chạy qua đây, ở độ sâu 2.450 m.

Đường hầm Lærdal, Na Uy. Ảnh: Grigory Bruev/Adobe Stock

Các đường hầm ở Na Uy là phương tiện nối liền những thành phố ven biển và quần đảo. Đường hầm Lærdal hay Lærdalstunnelen là hầm đường bộ dài nhất thế giới với độ dài 24,5 km, tạo ra tuyến đường nhanh nhất giữa Oslo và Bergen từ năm 2000. Do lo ngại hành trình 20 phút có thể khiến lái xe mất tập trung, cứ 6 km đội ngũ kỹ sư lại chạm trổ đá, lắp đèn màu xanh dương và vàng đặc biệt được thiết kế để mô phỏng bình minh.

Đường hầm eo biển Manche, Anh - Pháp. Ảnh: AFP

Kế hoạch xây đường hầm dưới biển nối giữa Anh và Pháp ra đời từ hơn 200 năm trước. Các kỹ sư thế kỷ 19 thậm chí tìm cách đào xới bên dưới eo biển Manche để chứng minh tính khả thi. Đường hầm dài 50 km lần đầu mở cửa năm 1994 sau 6 năm thi công và nằm ở 75 m bên dưới đáy biển. Ngày nay, đường hầm eo biển Manche giúp hành khách đi lại giữa London và Paris trong hơn 2 giờ.

Đường hầm Seikan, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News

Đường hầm Seikan là một thành tựu kỹ thuật nổi bật với chiều dài 53,85 km. Công trình nối liền Honshu (đảo lớn nhất của Nhật Bản) với đảo Hokkaido ở phía bắc. Được đề xuất lần đầu vào thập niên 1950 sau hàng loạt tai nạn với phà, ngày nay đường hầm Seikan được sử dụng cho tàu chở khách, bao gồm tàu viên đạn Shinkansen từ Tokyo tới Sapporo.

SMART, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: FoodList

Các kỹ sư Malaysian phát triển một giải pháp thông minh khi xem xét cách chuyển dòng nước lũ ra xa trung tâm Kuala Lumpur, đồng thời giảm tắc nghẽn giao thông trong thành phố. Đó hầm đường bộ và quản lý nước lũ SMART. Bao gồm một hầm chuyển dòng nước mưa và đường cao tốc hai tầng, SMART trở thành đường hầm chức năng kép đầu tiên trên thế giới khi mở cửa năm 2007. Nếu mưa lớn đến mức hầm chuyển dòng quá tải, hầm đường bộ cũng được sử dụng để dẫn dòng nước lũ vào hồ chứa Taman Desa. Tháng 12/2021, SMART chuyển dòng 5 triệu m3 nước lũ trong đợt mưa lớn ở thủ đô Malaysian.

Đường hầm Quách Lượng, Trung Quốc. Ảnh: Trip

Đường hầm Quách Lượng dài 1.250 m, nằm ở độ cao 1.700 m tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc nằm bên vách đá dốc đứng ở dãy núi Thái Hằng, có 30 khoảng hở nhìn ra thung lũng bên dưới, dùng để đổ đất đá trong quá trình thi công. 13 người dân từ làng Quách Lượng xây đường hầm để giúp làng của họ tiếp cận thế giới bên ngoài. Do đục đẽo thủ công bằng tay, đường hầm quanh co lên xuống khó lường trước.

Đường hầm sông băng Langjokull, Iceland. Ảnh: Into the glacier

Là công trình băng nhân tạo lớn nhất thế giới, đường hầm này uốn quanh sông băng lớn thứ hai ở Iceland, cách thủ đô Reykjavik hai giờ lái xe. Hành khách càng đi sâu vào đường hầm, băng càng ngả màu xanh dương. Màu sắc thay đổi do độ tuổi lớp băng.