Giữ an toàn hay lao xuống biển và đâm vào núi làm bất cứ phi công nào cũng phải thận trọng từng thao tác khi hạ cánh ở những đường băng dưới đây:
Skiathos, Hi Lạp
Đường băng trên đảo Skiathos, Hi Lạp có tên không chính thức là "St Maarten of Greece" vì quá ngắn nên các phi công đều phải rất khó khăn mới hạ cánh được chính xác. Do vậy nhiều máy bay tiếp đất ở đây đều trông giống như sắp đâm xuống biển. Tuy nhiên, rất may mắn là chưa có vụ việc nào nguy hiểm xảy ra tại đây.
Paro, Bhutan
Paro là một trong số các sân bay nguy hiểm và thách thức nhất đối với các phi công vì được bao bọc bởi những đỉnh núi cao nằm trong dãy Himalayas. Thực tế trên thế giới chỉ có 8 phi công được cấp chứng chỉ đủ khả năng hạ cánh tại đây. Sân bay nằm ẩn trong một thung lũng sâu nên việc tiếp đất cần xác định chính xác các ngọn núi, đảm bảo tốc độ khi hạ thấp và phải nghiêng trái ngay trước thời điểm chạy dài trên đường băng.
Ross, Nam Cực
Nằm bên bờ biển đóng băng của đảo Ross, đường băng Sea Ice Runway dài hơn 4 km chỉ được hoạt động thường xuyên vào mùa hè. Các phi công cần có đủ trình độ để thực hiện những cú đáp "nhẹ nhàng" nhất có thể và duy trì cho máy bay hạ thấp nhưng chắc chắn không bị chìm quá 25 cm so với mặt băng đá.
Princess Juliana, Hà Lan
Các chuyến bay đến Princess Juliana, đảo St Martin (Hà Lan) đều đi qua bãi biển Maho và phi công phải thường xuyên kiểm tra máy móc để đảm bảo bay ở độ cao chính xác. Do phải bay cực thấp và chậm để tránh các ngọn núi nằm ngay cuối đường băng mà lúc tiếp cận tới vùng biển trông như chiếc phi cơ bị mất phương hướng và sắp gặp nguy hiểm. Vì thế Maho bỗng chốc trở thành bãi tắm lý tưởng cho những người thích ngắm máy bay cận cảnh.
Hương Chi (theo Telegraph)