Sharolika Parvin, 16 tuổi, ở Kurigram, là một cầu thủ bóng đá đầy khát vọng. Ba năm trước, cô nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá học sinh tiểu học Bangamata Gold Cup.
Nhưng giờ đây, ước mơ tốt nghiệp đại học và chơi bóng cấp quốc gia đã tan thành mây khói. Cha mẹ của Sharolika gả cô cho một thợ cơ khí 17 tuổi vào đầu năm nay. Nhà chồng không cho phép cô chơi bóng đá và chồng sẽ sớm đưa Sharolika đến thủ đô Dhaka, gần nơi anh làm việc.
"Bố mẹ tôi túng quẫn hơn do đại dịch. Không ai giúp đỡ nên tôi phải lấy chồng", cô gái nói. Cha của cô, Shahidul Islam, một nông dân, cho biết, ông đang phải vật lộn để chu cấp cho gia đình. "Tôi phải nuôi dạy hai con trai nữa. Con gái lấy chồng sẽ giảm bớt gánh nặng", ông giải thích.
Tại ngôi làng hẻo lánh nơi Sharolika sinh sống, ít nhất sáu thiếu niên khác chơi bóng với cô cũng đã kết hôn trong năm nay. Chuyện về sự gia tăng các cuộc tảo hôn trong thời kỳ đại dịch cũng đã xuất hiện ở các vùng khác của đất nước.
Rumi, 15 tuổi, ở quận Rajbari, miền trung Bangladesh, dự định hoàn thành kỳ thi lấy chứng chỉ trung học vào tháng Hai. Nhưng thay vì đến trường, cô đang sống với bố mẹ chồng.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Brac, một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất quốc gia này, trong thời gian đóng cửa vô thời hạn các cơ sở giáo dục, tỷ lệ tảo hôn tăng ít nhất 13%.
Theo UNICEF, Bangladesh là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về tảo hôn và là quê hương của khoảng 38 triệu cô dâu chưa đủ tuổi, với tỷ lệ tảo hôn hơn 50%. Tổ chức Manusher Jonno, một tổ chức phi chính phủ địa phương khác, cho hay, có 13.886 cuộc hôn nhân trẻ em ở 84 trong số 495 khu vực hành chính của đất nước trong bảy tháng đầu tiên của đại dịch. Gần một nửa trong số những người đã kết hôn ở độ tuổi 10-15.
Kết hôn trẻ em không chỉ là một vấn đề ở Bangladesh mà còn trên khắp Nam Á. Tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã báo cáo 191.000 trường hợp tảo hôn xảy ra trong khu vực trong suốt năm 2020.
Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc tảo hôn không phải là vấn đề duy nhất mà Bangladesh đang phải vật lộn. Tỷ lệ bỏ học ở cấp trung học của nước này là 36% trước đại dịch, nhưng năm ngoái đã lên hơn 45%.
"Chúng tôi gọi giai đoạn mà Bangladesh đang trải qua hiện nay là cổ tức nhân khẩu học. Nếu các hộ gia đình tiếp tục áp dụng tảo hôn như một chiến lược đối phó bằng cách tước đi giáo dục của trẻ em gái, tiềm năng và năng suất của họ sẽ bị mất đi. Điều này sẽ gây ra tổn thất lớn về năng suất và nguồn nhân lực", giáo sư Selim Raihan, giám đốc điều hành của Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (Sanem), cho biết.
Về biện pháp đối phó, ông định hướng nên có bảo trợ xã hội nhắm vào giáo dục và các chương trình bảo vệ đặc biệt, lấy tảo hôn làm trung tâm.
Cầu thủ bóng đá đầy khát vọng Sharolika Parvin được phỏng vấn khi bố chồng cô đứng gần đó. Nhiều câu trả lời của cô được chuyển cho ông.
"Tôi 18 tuổi," Sharolika nói. Nhưng khi được hỏi ngày sinh, cô nói ngày 25/12/2005.
"Các bạn của tôi sẽ chơi một giải bóng đá U17 trong năm nay," cô nói sau một lúc im lặng. "Nhưng bố mẹ tôi sẽ không cho phép tôi chơi. Nếu họ không cho phép tôi chơi hoặc học, tôi có thể làm gì? ". Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt cô gái tuổi trăng tròn.
Nhật Minh (theo SCMP)