"Thằng bé đó hoàn toàn là người lạ. Con trai tôi không hề biết nó", người phụ nữ giấu tên hốt hoảng.
Cô kể rằng những chuyến thăm của cậu bé kỳ lạ kia bắt đầu từ khi đứa con học lớp một của cô đưa bạn về nhà. Cậu bé này trông lớn hơn, đứng đằng sau hai em nhỏ kia, khiến người phụ nữ nghĩ rằng đó cũng là bạn của con mình và mời vào nhà, mời đồ ăn.
Dần dần, cậu bé kia thường xuyên đến nhà người phụ nữ, kể cả lúc con trai cô đi vắng. Cậu ta đi quanh nhà, thậm chí tự ý lấy đồ ăn trong tủ lạnh và không hề có ý rời đi cho dù trời đã tối.
Một hôm, người phụ nữ hỏi con mình và ngỡ ngàng khi con đáp không quen cậu bé kia. Đến lúc trò chuyện với giáo viên của con, bà mẹ này mới biết cậu bé kia học lớp ba cùng trường.
Tình huống trên thật ra không hiếm thấy ở Nhật. Nhiều đứa trẻ lang thang trên phố hoặc tới nhà hàng xóm, thậm chí nhà người lạ vì bố mẹ thờ ơ, thiếu quan tâm. Những đứa trẻ này được gọi là hochigo, nghĩa là "trẻ bị bỏ một mình".
Mặc dù không có thống kê hiện tượng trên, một số phụ huynh Nhật đã lên mạng xã hội kêu ca về những bố mẹ sẵn sàng để con cái lợi dụng lòng tốt của họ. Vài người còn bàn nhau cách khiến những đứa trẻ này rời khỏi nhà mình.
Đặc điểm chung của các hochigo là có cha mẹ ít quan tâm xem con làm gì sau giờ học. Sự thờ ơ này của cha mẹ có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như không kịp can thiệp khi con ốm hoặc rơi vào tình huống de dọa mạng sống.
"Khi cả hai bố mẹ đều đi làm, họ rất dễ quên dành thời gian cho đứa trẻ và kết nối về cảm xúc", một phụ nữ ngoài 40 tuổi ở Yokohama quen biết một đứa trẻ hochigo, nói. "Nếu tôi không thận trọng, con tôi có lẽ cũng dễ dàng trở nên như vậy".
Nhật Bản được xem là đất nước an toàn, nơi trẻ nhỏ học tự lập từ rất sớm. Học sinh lớp một có thể tự đi bộ về nhà hoặc đi tàu, xe một mình. Tuy nhiên, một số vụ việc gần đây khiến người ta đặt câu hỏi về ranh giới giữa việc để trẻ tự lập và thờ ơ.
Tháng 11 vừa qua, một bé gái 12 tuổi ở Osaka bị một người đàn ông quen biết qua mạng xã hội bắt cóc và giam giữ trong căn nhà ở Oyama, tỉnh Tochigi. Một tuần sau, cô bé mới trốn thoát. Gã đàn ông này còn giữ một bé gái 15 tuổi đến từ tỉnh Ibaraki suốt 6 tháng.
Nhiều bố mẹ Nhật không biết mình thờ ơ với con cái mà nghĩ mình cho chúng tự do. Theo phó giáo sư Noa Fukaya, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về trẻ em từ Đại học Shoin, một bộ phận phụ huynh còn thiếu tự tin hoặc không chắc chắn về cách nuôi dạy con cái, chưa kể thiếu sự trợ giúp từ ông bà.
Trẻ bị bỏ rơi dễ bỏ học, thậm chí sa vào con đường phạm pháp khi lớn lên. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị chính phủ thiết lập các nhóm hỗ trợ cả trẻ em lẫn bố mẹ chúng.
"Cần có mạng lưới hỗ trợ những gia đình như vậy", phó giáo sư Fukaya nói. "Lòng tốt của người khác với các trẻ hochigo cũng có hạn mà thôi".
Minh Trang (Theo Japan Today)