Là mẹ của một bé gái học lớp 4, Ye Li, ở Bắc Kinh luôn đeo chiếc đồng hồ trên tay. Thời gian được cô tính chính xác đến từng phút. "Con bé mới 9 tuổi, bận hơn tôi nhưng không còn cách nào khác", Ye Li nói.
Một số giáo viên nói con gái Ye có năng khiếu âm nhạc, có thể đi theo con đường chuyên nghiệp và đào tạo bài bản. Hàng ngày thời gian bé tập đàn ít nhất nửa tiếng, nhiều thì đến 3 tiếng. Có những đứa trẻ luyện tập 6 tiếng, tuy nhiên Ye Li biết con gái cô không thể đầu tư ngần ấy thời gian vì còn có các lớp Tiếng Anh, võ thuật, đấu kiếm, mỹ thuật.
"Hoặc là không làm, hoặc làm một cách nghiêm túc và cố gắng tốt nhất". Với quan điểm này, yêu cầu của Ye Li đối với con gái không chỉ là hoàn thành bài học trong thời gian quy định mà còn phải đạt hiệu quả tốt nhất.
Mới đây, con gái Ye vừa đạt giải nhất cuộc thi đàn trong nước. Bước tiếp theo là tham gia cuộc thi quốc tế và cô cần tìm một giáo viên giỏi hơn để đứng lớp. "Học càng giỏi học phí càng đắt, vì thầy để dạy bạn cũng ít hơn", cô nói.
Con đường chuyên nghiệp không hề dễ dàng, bởi đối thủ ngày càng mạnh thì bạn cần đầu tư thời gian và tiền bạc nhiều hơn, song kết quả lại khó lường trước được. Con gái Ye Li theo học phong cầm, nếu muốn tham gia kỳ thi vào Nhạc viện Trung ương, mỗi năm lại chỉ có hai chỉ tiêu.
Đầu tư càng lớn, áp lực đối với Ye Li càng cao, sự lo lắng đôi khi bùng phát lúc con làm không tốt. Chồng cô đã có ý kiến về việc này và anh cũng muốn thư giãn khi về nhà, song vì tập đàn mà không khí gia đình căng thẳng hơn cả ở công ty. Ngoài ra, do phải học quá nhiều nên con Ye ngủ ít hơn những đứa trẻ bình thường, ông bà cũng có ý kiến. Nhưng Ye Li vẫn kiên trì con đường đã chọn. Điều khiến cô hài lòng là "mình không phải là người duy nhất điên cuồng". Khi cho con tham gia các cuộc thi, cô đã gặp được rất nhiều các bậc phụ huynh như mình.
Nếu gia đình cũng có KPI, chuyện học hành của con cái thường là cốt lõi trong KPI này, chứ không phải là trả nợ thế chấp, tiền thuê nhà hay phí sinh hoạt. Bởi vì những thứ này là áp lực theo tháng, riêng việc học của đứa trẻ là áp lực hàng ngày.
Dahan, Giám đốc điều hành của một công ty giáo dục gia đình cho biết, việc so sánh học tập của đứa trẻ với KPI của gia đình là không đủ chính xác theo một nghĩa nào đó, song cũng có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ, có mục tiêu rõ ràng, hy vọng đạt được mức độ nào, phải làm nhiều thứ mỗi ngày... Dahan tin, đằng sau sự ra đời của "KPI gia đình" là kết quả của nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường, các cơ sở đào tạo.
Tại một cơ sở đào tạo ở Hải Điến, Bắc Kinh, lũ trẻ đổ xô vào các lớp sau giờ tan học chiều thứ 6. Do dịch bệnh nên trước tiên phải kiểm tra sức khỏe. Thường xuyên thấy cảnh các bà mẹ tất bật đưa con đến, vừa than "một phút nữa là vào lớp rồi, nhanh lên con ơi".
Một phụ huynh cho biết, việc học của con là quan trọng nhất của gia đình. Sau giờ giờ tan làm và những cuối tuần đều được sắp xếp đưa đón con đi học. "Ai cũng học, cạnh tranh quá khốc liệt", người này nói.
Ngoài sự cạnh tranh giữa các bạn cùng lứa tuổi và áp lực chọn trường, sự tuyên truyền của các cơ sở đào tạo dường như cũng khiến phụ huynh cho con học nhiều hơn. Tại lối vào của một cơ sở đào tạo, một biểu ngữ có nội dung "Xin chúc mừng sinh viên Wang đã giành được 722 điểm trong kỳ thi đại học". Một cơ sở khác treo: "226 học viên của cơ sở đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh". Cơ sở khác cũng treo: "Bạn đến, chúng tôi đào tạo con bạn. Nếu bạn không đến, chúng tôi đào tạo đối thủ của con bạn"...
Các câu khẩu hiệu này đã đánh trúng sự lo lắng của các bậc cha mẹ. "Luôn có cảm giác cấp bách. Nếu con tôi không tham gia các khóa huấn luyện khác nhau, con tôi sẽ bị những đứa trẻ khác vượt mặt", một phụ huynh nói. Sau một ngày làm việc bận rộn, họ phải dành hết tâm sức cho một loại "công việc" khác, mà họ nói thời gian đưa đón con cái nghiêm ngặt hơn nhiều so với thời gian đi làm và không thể có chuyện buông lỏng.
Thống kê cho thấy ngay từ năm 2012, chi tiêu trung bình hàng năm cho giáo dục của con trong các hộ gia đình thành thị Trung Quốc chiếm 35,1% tổng chi tiêu gia đình và 30,1% tổng thu nhập gia đình. Trong những năm gần đây, số liệu này tiếp tục tăng, nhiều người nói chiếm hơn 40% chi tiêu nhà họ. Thị trường giáo dục và đào tạo cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo thống kê, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% từ 2015 đến 2019.
KPI gia đình được xây dựng như thế nào? Sáng: 6h45 dậy vệ sinh cá nhân, 7h40 đi học. 15h30-16h30 hoạt động thể lục ngoài trời. 16h30-17h30 xem lại bài vở. 17h30-18h Toán Singapore, 18h30-19h15 Khoa học Mỹ, 19h15 -20h ăn tối, 20h-20h20 hoạt hình tiếng Anh, 20h20-21h đọc sách tiếng Anh.
Đây là thời khóa biểu hàng ngày của học sinh được truyền tải trên mạng, thời gian trong ngày được sắp xếp đến từng phút. Cách đây không lâu Nhật báo Bắc Kinh đã đưa tin có một phụ huynh đã đăng ký cho con mình học 9 lớp ngoại khóa mỗi tuần. Trường học sẽ kết thúc lúc 3 giờ chiều và lớp đào tạo đầu tiên sẽ bắt đầu lúc 4 giờ. Vào cuối tuần, việc thư giãn lại càng khó hơn. Đôi khi đứa trẻ phải học 3 lớp ngoại khóa sáng, chiều và tối.
Chen là một phụ huynh đăng ký mọi lớp mà các phụ huynh khác có thể nghĩ đến cho con. Theo quan điểm của Chen, giáo dục con cái không chỉ là KPI mà cả gia đình phải hoàn thành, mà còn phải hoàn thành tốt. Các kỹ năng này phải trở thành điểm cộng cho con trong tương lai. "Về cơ bản tôi đã ghi danh tất cả các lớp", Chen nói.
Con của Chen hiện 10 tuổi và bắt đầu đăng ký tham gia các lớp năng khiếu từ tuổi lên 3. Có thời điểm cậu bé đã tham gia 7 lớp ngoại khóa cùng lúc, từ Thứ Hai đến Chủ Nhật. Cho đến nay, các con của Chen đã học ngoại khóa gồm cờ vua, taekwondo, bóng rổ, bóng đá, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, toán học, tiếng Trung, đàn piano, hội họa, đấu kiếm, bơi lội, lập trình và một số môn khoa học và công nghệ. Người mẹ cho rằng, trẻ em phải học toàn diện, giỏi về mọi mặt. "Những gì bạn bỏ ra bây giờ sẽ nhận lại trong tương lai. Nếu không học ngay bây giờ, sẽ không có thời gian để học khi lớn lên", cô nói.
Bản thân Chen là giáo viên tiếng Anh tại một cơ sở đào tạo nổi tiếng trong nước, chồng cô cũng là người có trình độ học vấn cao, ra nước ngoài thường xuyên. Nhưng Chen vẫn thuê giáo viên nước ngoài kèm tiếng Anh cho con. "Chúng tôi phụ trách phần kiến thức cơ bản, còn thuê giáo viên nước ngoài để giúp con luyện giao tiếp", cô nói. Một người bạn của Chen chia sẻ, con cái của họ lớn lên cùng nhau, nhưng những năm gần đây hiếm khi những đứa trẻ nhà Chen chơi ngoài trời cùng con cô.
Chuyên gia giáo dục Dahan cho rằng, mục đích ban đầu các bậc cha mẹ cho con học là muốn con thành thạo một kỹ năng nào đó. Song nguyên nhân chính khiến các phụ huynh chen chúc ở các trug tâm báo danh là do áp lực từ xung quanh. Để giúp con có lợi thế tuyệt đối trong hồ sơ xin việc, cha mẹ có thể làm bất cứ điều gì cần thiết.
Tâm lý này của phụ huynh bị các cơ sở giáo dục "bắt thóp".
Chen cho biết ngoài tiền nhà, chi tiêu lớn nhất của gia đình cô là việc học hành của con cái. Mỗi môn học tiêu tốn khoảng 10.000 tệ một năm. Chi tiêu hàng năm cho ngoại khóa của con cô khoảng 100.000 nhân dân tệ (350.000 triệu đồng). Ngoài mức học phí cao, một số phụ huynh thậm chí còn bỏ việc để đưa đón con đi học.
Một phụ huynh khác tên Muzi cho biết đăng ký cho con một khóa đào tạo tiếng Anh, cứ 9 tuần sẽ đóng 3.500 tệ (12,2 triệu đồng). Một cấp độ kéo dài từ 21-23 tuần. Xong một giai đoạn, sẽ phải chi 8.200-9.400 tệ (28,5-33 triệu đồng).
Wang Weini, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học giáo dục nói rằng việc học thêm có thể giúp ích cho những đứa trẻ đang gặp khó khăn trong học tập, nhưng nó không thể giải quyết những vấn đề khác gặp phải trong quá trình trưởng thành của trẻ. Thế giới, sự hiểu biết về người xung quanh, sự tự nhìn nhận bản thân... những vấn đề này không được giải quyết thấu đáo, nếu chỉ đưa trẻ vào những trường luyện thi thì về lâu dài sẽ là cách nuôi dạy con sai lầm. Wang cho rằng, cha mẹ đồng hành cùng con không chỉ trong học tập, còn dành thời gian tâm sự, lắng nghe, nắm bắt các nhu cầu của con.
Chuyên gia giáo dục Dahan cho biết thêm, nên cho đứa trẻ học dựa trên tài năng ban đầu của nó. Đồng thời trau dồi thêm thói quen học tập, thói quen hành vi cho trẻ. Một khi điều này tốt thì xác suất học tập của trẻ cũng không tệ.
Quan trọng hơn, các chuyên gia chỉ ra chất lượng các lớp ngoại khóa ít hơn nhiều so với những gì họ quảng cáo. "Khả năng tiếp thu của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Dù lựa chọn phương pháp giáo dục nào thì cũng phải dựa trên tình hình thực tế của trẻ, để tránh KPI của gia đình trở thành một loại bạo lực gia đình", chuyên gia này nói.
Bảo Nhiên (Theo QQ)