Vào một ngày tháng 11 cách đây 12 năm, sau khi tan học, cô bé Cheng Ying 5 tuổi đứng trước cổng trường đợi mẹ tới đón. Lúc đó khoảng giữa trưa. Đợi mãi mà không thấy mẹ đâu, bé Ying nghĩ chắc là mẹ đang bận nấu cơm nên quyết định tự đi bộ về nhà. Dù sao nhà cũng chỉ cách trường một trạm xe buýt.
Tuy nhiên, khi mới rời trường khoảng 90m, cô bé bị người lạ tóm và đưa lên một chiếc taxi. Hành trình lang bạt 10 năm xa gia đình của Cheng Ying bắt đầu. Trong chớp mắt, cuộc đời của một con người rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, Washington Post đưa tin.
Ying là một trong số hàng trăm nghìn trẻ em mất tích ở Trung Quốc trong hơn 40 năm qua. Đây là một vấn nạn đã nhức nhối từ lâu nhưng chỉ mới được dư luận chú ý đến nhờ áp lực của mạng xã hội và Internet.
Không có thống kê chính xác về số lượng trẻ em mất tích ở Trung Quốc mỗi năm nhưng một số nghiên cứu ước tính con số dao động từ 20.000 đến 200.000. Đây là một con số đáng báo động nếu so với ba triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm ở Trung Quốc từ 2017 đến 2020, theo dự đoán của chính phủ.
Gốc rễ của thực trạng trẻ em mất tích ở Trung Quốc là vì các gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn, thích đông con, nhất là con trai. Chưa kể theo phong tục, một gia đình có thể tặng con cái cho những người họ hàng hiếm muộn. Điều này tạo nên lớp vỏ bọc hoàn hảo cho hoạt động buôn bán trẻ em.
Một bé trai sơ sinh có thể bán trao tay với giá 18.000 USD ở những tỉnh miền đông khá giả, theo chuyên gia Anqi Shen làm việc tại trường đại học Teesside của Anh.
Hành trình tìm con gian nan
Sau khi bị tống lên taxi, bé Ying rơi vào tay của một người phụ nữ chuyên bắt cóc và buôn bán trẻ em.
"Họ đánh đập và gần như bỏ đói cháu", Ying nhớ lại cô bé bị nhốt trong một căn nhà cùng với khoảng 6 trẻ em khác.
Lúc lên 7 tuổi, Ying đã một lần trốn thoát thành công. Nhưng tại đồn cảnh sát, chẳng ai tin lời của một cô bé 7 tuổi cả, thậm chí, công an còn gạt đi vì nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa của một đứa bé "ranh mãnh". Sau lần đó, niềm tin trong đứa trẻ non nớt hoàn toàn đổ vỡ. Cô bé trở nên bơ vơ và lạc lõng.
Cuối cùng, cô bé bị bán cho một cặp vợ chồng nuôi ong, không sinh được con.
"Cháu không cảm thấy có mối dây liên hệ hay gắn bó gì với họ. Lúc nào cháu cũng muốn bỏ đi", Ying nói.
Suốt 10 năm Ying mất tích, cha mẹ cô bé như sống trong ác mộng. Chị Jin Lunju nhớ lại, vào cái ngày định mệnh đó, chị đến trường đón con gái lúc 12h10, tức là chỉ vài phút sau khi cô bé biến mất. Đinh ninh rằng con gái sang nhà bạn chơi, chị về nhà ngồi đợi. Nhưng với linh cảm của một người mẹ, chị cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Đến khoảng 2h chiều, lòng như lửa đốt, chị gọi điện cho chồng. Anh Cheng Zhu ngay lập tức từ chỗ làm đến thẳng trường học của con gái. Sau khi không thấy tăm tích con đâu, thế giới như sụp đổ dưới chân anh.
Lúc tai họa giáng xuống, cả gia đình anh Zhu đang chuẩn bị mừng 100 ngày thôi nôi của đứa con gái thứ hai. Chính phủ cho phép hai vợ chồng anh sinh con thứ hai vì con đầu lòng là gái.
"Cuộc sống lúc đó đang rất tốt. Mọi thứ đều ổn. Nhưng rồi con gái lớn của tôi mất tích. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết cái cảm giác đó", anh Zhu nhớ lại.
Tuyệt vọng, anh đến cảnh sát trình bày sự việc. Ở đồn cảnh sát đầu tiên, họ nói rằng con bé mất tích chưa đầy 24 tiếng nên không tiếp nhận vụ việc. Anh Zhu tiếp tục tới đồn cảnh sát thứ hai, nhưng kết quả cũng không khả quan hơn. Cả hai nơi đều từ chối.
Người bố trong hoảng loạn và sợ hãi đã lao đi gõ cửa từng căn nhà, tìm kiếm từng trạm xe buýt và huy động tới 70 người thân cùng bạn bè giúp sức. Nhưng tung tích của đứa con gái 5 tuổi vẫn bặt vô âm tín.
Suốt 10 năm sau đó, anh Zhu bỏ việc, lang thang khắp đất nước, dán ảnh con gái mọi nơi, nhờ mọi người giúp anh chia sẻ thông tin và tận dụng các trang mạng xã hội để lan truyền câu chuyện của gia đình anh tới càng nhiều người càng tốt.
Trên hành trình miệt mài đi tìm con, anh nếm trải nhiều cay đắng, từng bị cảnh sát bắt, dân địa phương xua đuổi, bị kẻ gian lợi dụng hoàn cảnh lừa trắng tay. Nhưng anh Zhu chưa bao giờ nghĩ tới việc dừng lại.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, các học giả đã thổi phồng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm 2014, công an giải cứu thành công 4.000 trẻ em và trong một chiến dịch kéo dài từ 2009 đến 2012, 35.000 trẻ em đã được giải thoát và 9.000 băng đảng sa lưới.
Trên hành trình tìm con gái, anh Zhu gặp Wu Xinghu, một người cha có con trai một tuổi bị bắt cóc trong một đêm tháng 12/2008.
"Hôm đó là một ngày như bao ngày khác," anh Wu tâm sự, "Tôi trở về nhà sau giờ làm việc, thằng bé giơ hai cánh tay lên. Nó muốn ôm tôi. Thằng bé còn nhỏ quá, nó chưa biết nói, nhưng tôi nhớ như in mọi cử chỉ và nét mặt của con trai mình".
Chỉ một vài tiếng sau đó, con trai anh bị bắt cóc ngay tại nhà.
Cũng giống như anh Zhu, trong quá trình tìm kiếm con, anh Wu gặp muôn vàn khó khăn và ngăn trở. Đối với nhà chức trách, anh là "cái gai", một mối đe dọa cho sự "ổn định xã hội". Họ không thích anh kêu gọi và huy động đám đông tham gia vào cuộc tìm kiếm và đâm đơn kiến nghị.
"Cho đến khi vụ án được giải quyết, cảnh sát địa phương sẽ không tiếp nhận (hồ sơ) vụ việc đâu", anh Wu cho rằng cảnh sát muốn che đậy những vụ mất tích trẻ em để bảo vệ thành tích phá án.
Anh Wu nói giờ con trai anh đã 9 tuổi và nó chẳng thể biết rằng mình bị bắt cóc.
Nhận thức của người dân Trung Quốc đang dần thay đổi. Từ năm 2007, một trang web có tên Baobeihuijia (Em bé trở về nhà) ra đời và trở thành cầu nối giữa 36.741 cặp cha mẹ có con cái mất tích và 30.070 đứa trẻ đang tìm kiếm cha mẹ ruột. Cho tới nay, trang web này đã giúp 1.963 gia đình đoàn tụ với nhau. Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống dữ liệu ADN nhằm giúp nỗ lực đoàn tụ của các gia đình diễn ra nhanh hơn.
Câu chuyện có hậu
Bé Ying, con gái anh Zhu, là một trong số những nạn nhân hiếm hoi của nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em, trở về được với gia đình.
Bé Ying luôn giữ hình ảnh về cha mẹ và gia đình trong tâm trí. Khi lên 15 tuổi, lần đầu tiên, có điện thoại di động, cô bé ngay lập tức lên mạng và tìm kiếm cha mẹ ruột.
Điều duy nhất Ying nhớ rõ là "Dabaiyang". Dùng manh mối đó, cô bé lên các diễn đàn trên mạng và hỏi "Đây là tên một ngôi làng hay một con phố?" Gần như ngay lập tức, cô bé có câu trả lời. Đó là vùng ngoại ô ở Tây An, miền trung Trung Quốc.
Khi chia sẻ câu chuyện của mình, tình cờ Ying nói chuyện với một người phụ nữ biết rất rõ trường hợp của cô bé và hơn thế nữa còn giúp cô lần ra địa chỉ liên lạc với cha cô.
Chỉ sau đó vài giờ, hai cha con nói chuyện với nhau. Ban đầu anh Zhu tỏ ra thận trọng vì trong suốt 10 năm tìm kiếm con, không biết bao nhiêu lần, anh đã bị kẻ xấu lừa, cung cấp manh mối giả. Dẫu vậy, trong thâm tâm anh hy vọng cô bé 15 tuổi này sẽ cho anh một bằng chứng nào đó để tin. Và sự thật là bao nỗ lực không biết mệt mỏi cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng.
"Cha?", cô bé hỏi vào ngày thứ ba sau khi hai cha con liên lạc với nhau, "Cha có nhớ vết sẹo trên cổ tay con không?"
Và chính khoảnh khắc đó anh Zhu biết rằng mình đã tìm được đứa con gái mất tích suốt 10 năm. Tai nạn để lại vết sẹo trên cổ tay xảy ra lúc Ying lên hai tuổi. Và gia đình anh Zhu chưa bao giờ kể chuyện này với ai.
10 ngày sau, Ying trở về trong vòng tay cha mẹ. Đã hai năm trôi qua kể từ ngày đoàn tụ, giờ đây cô bé đã hoàn toàn bình tâm và sống trong tình yêu thương của cha mẹ và hai em gái. Cô bé nghĩ đến bước tiếp theo của cuộc đời.
"Cháu muốn học một trường đại học gần nhà. Cháu không muốn xa gia đình thêm một chút nào nữa", Ying tâm sự.
An Hồng