Còn bảy người nói rằng họ đưa con đi cùng. Cử chỉ này thoạt nhìn rất thông thường. Đưa con đi cùng để “cô có dặn dò gì thì bảo cháu”, hay cẩn thận hơn là để cô nhớ mặt cháu. Nhưng thực ra, ai cũng hiểu là các cuộc “đến nhà thầy cô giáo” ngày 20/11 có tính chất như thế nào. Không hẳn là hối lộ, chạy chọt gì, nhưng cũng có tý quà, cái phong bì mỏng mỏng, là một dạng thức sơ đẳng của cơ chế xin cho. Và trẻ con ngồi chứng kiến tất cả những chuyện ấy. Có thể chứng kiến cả đoạn bố mẹ ngồi nhẩm tính, cho tiền vào phong bì, đi chọn cân hoa quả hay hộp bánh.
Cái hạt giống “móc ngoặc tỷ số” đã luôn được cấy vào đầu thế hệ trẻ từ rất sớm.
Khi người ta đang xôn xao vì những cầu thủ The Vissai Ninh Bình bán độ, thì cần nhớ lại rằng những chàng trai trẻ ấy đã trưởng thành trong một môi trường như thế nào. Bao nhiêu năm giải bóng đá Nhi đồng tổ chức là bấy nhiêu năm canh cánh nạn gian lận tuổi. Hơn 10 năm trước, đã có lúc ông Vũ Quang Vinh, Trưởng ban tổ chức giải Nhi đồng toàn quốc phải thốt lên rằng báo Nhi đồng muốn bỏ, không tổ chức giải đấu này nữa.
Cái câu hỏi: “Cháu mấy tuổi rồi?” là câu hỏi quen thuộc đến mức thiêng liêng, xứng đáng đại diện cho cả một thời thơ ấu vậy mà trẻ con mới đá bóng cũng đã bị bắt trả lời sai.
Rồi đến khi lớn hơn một chút, thì học được một kiểu đá bóng rất đáng sợ, một lối chơi với những pha vào bóng có thể khiến đối phương “mất nghiệp”.
Mới hôm trước, tôi tìm xem cầu thủ Oduwa của đội U19 Tottenham bây giờ đang thi đấu ra sao. Oduwa bị phạm lỗi và dính chấn thương nặng khi sang Việt Nam “giao hữu”. Cũng may mà tìm được và biết Oduwa vẫn khỏe mạnh và vẫn đang tỏa sáng ở giải trẻ nước Anh, chứ nếu vì sang nước ta đá “giao hữu” mà một ngôi sao của bóng đá thế giới có thể vĩnh viễn không ra đời, thì quả thực là áy náy.
Tinh thần của một cuộc bon chen hình như đã được đặt cao hơn tinh thần thể thao và những nguyên tắc đạo đức cơ bản từ lúc họ bắt đầu khởi nghiệp.
Rồi đến khi tham gia vào thi đấu chuyên nghiệp, những chàng trai lại đối mặt với một sự bất hợp lý khác. Đó là việc các ông bầu bóng đá chơi một cuộc chơi ngẫu hứng, có thể giải tán đội bóng và bỏ giải, khiến cầu thủ thất nghiệp bất cứ khi nào.
Nếu như ngày mai, cầu thủ không biết có rời sân với cái chân lành lặn hay đã bị đạp què, có đi về với tư cách một người còn thu nhập hay đội đã bị giải thể, thì có thể lý giải vì sao họ liều.
Không một nhà báo, cảnh sát hay cầu thủ nào hiểu về thế giới cá độ bằng chính các nhà cái. Mà các nhà cái thì đã “đọc vị” được bóng đá nước ta từ lâu rồi. Suốt nhiều năm, các nhà cái nước ngoài không làm độ cho bóng đá Việt Nam. Một vài năm trở lại đây, độ của V-League quay trở lại trên các trang nước ngoài, nhưng các “tổng” trong nước cũng rất ít người cho phép khách đặt cửa và thanh toán tiền cho các trận đấu bóng đá Việt Nam.
Ai chẳng biết rằng nếu để cho V-League tham gia vào thị trường cá độ thì chuyện sẽ như thế nào. Và cái sự “biết tỏng” ấy tất nhiên không xuất phát từ cá nhân cầu thủ, mà là kết quả của hệ thống.
Bóng đá phản ánh xã hội. Nếu thu hẹp tầm nhìn lại, nhìn cách những đứa trẻ bắt đầu chơi bóng và phát triển trong môi trường bóng đá, thì cũng tưởng tượng được hành trình phát triển của những đứa trẻ khác trong xã hội, bắt đầu từ những cuộc bố mẹ dắt tay đến nhà thầy cô.
Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng những lời nói dối thì chúng cũng sẽ phải tìm cách bon chen để tồn tại.
Ở đội U17 Đà Nẵng năm ngoái có một cầu thủ người dân tộc thiểu số tên là Bá Đăng Ti Vốt. Cái tên rất lạ. Em được ba đặt tên theo huyền thoại Berti Vogts, đánh dấu sự kiện HLV này đưa tuyển Đức đến chức vô địch châu Âu năm 1996. Khi biết sự tích ấy, tôi thú vị một phần, nhưng trong lòng bỗng thấy nhẹ nhõm, như một tiếng thở phào. Vì cái tên ấy nói rằng nhiều phần là em sinh năm 1996, tức là U17 thật.
Chẳng biết chúng ta nên đặt tên con cái thế nào, để thể hiện ước mong rằng chúng sẽ sống thật thà?
Minh Anh