Gần đây Elizabeth Jacobs, 22 tuổi, ở bang Massachusetts, Mỹ nhận ra bất thường trong việc cô được cho làm con nuôi vào năm 2000.
Giấy khai sinh ghi Jacobs sinh ngày 1/1, trong khi hồ sơ trại trẻ mồ côi là 2/2. Họ của cô trong tài liệu nhận nuôi con là Rath - một họ quen thuộc trong tiếng Khmer nhưng thường được dùng trong các hồ sơ giả mạo. Jacobs cũng không tìm thấy thông tin về gia đình ruột. Nhưng cô tìm ra người đã giúp mình được nhận nuôi tên Lauryn Galindo từng bị kết tội lừa đảo năm 2004 vì đã biến 800 trẻ em Campuchia có cha mẹ, thành mồ côi.
Càng đào sâu việc nhận nuôi con, cô càng bất an nghĩ có thể mình không phải là trẻ mồ côi. "Tôi hoảng loạn. Tôi không biết gì cả", cô nói.
Jacobs là một trong số nhiều trẻ em Capuchia là nạn nhân của phong trào nhận nuôi con quốc tế, đỉnh điểm cuối những năm 1990 đến 2000. Nghèo đói đã khiến các bậc cha mẹ bị rơi vào vòng lừa đảo của các các trại trẻ mồ côi, từ đó nhiều trẻ bị đưa ra nước ngoài mà không có sự đồng ý hoặc không hay biết của cha mẹ.
"Cách cho nhận con gian lận này đã lừa dối nhiều cha mẹ nuôi, cũng như cha mẹ đẻ. Những đứa trẻ bị đánh cắp danh tính", Jacobs, người đang làm một bộ phim tài liệu điều tra các trường hợp và chính cô, cho biết.
Từ năm 1989, Campuchia trở thành quốc gia cho nhận con nuôi. Cha mẹ Mỹ thành nhóm nhận nuôi nhiều nhất, từ 250 trường hợp trong năm 1998 lên 100 trường hợp một tháng năm 2001. Ước tính trung tâm của Lauryn Galindo đã kiếm được hàng triệu USD khi tạo điều kiện cho 800 trẻ Campuchia được thành con của cha mẹ Mỹ.
Những lo ngại quanh nạn buôn bán trẻ em đã khiến chính phủ Mỹ cấm nhận con nuôi Campuchia vào tháng 12/2001, dù vẫn cho phép ở nước khác. Năm 2004, Galindo bị kết án 18 tháng tù vì rửa tiền và gian lận trong làm giả giấy khai sinh trẻ em. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu trường hợp nhận con nuôi mà Galindo gian lận. Về phần mình, Galindo phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Ngay cả khi Galindo không tường tận quá trình cho nhận con nuôi thì cũng không có nghĩa quy trình này không có sai sót. Giáo sư công tác xã hội Karen Smith Rotabi-Casares, Đại học Bang California, người đã nghiên cứu về việc nhận con nuôi quốc tế ở Campuchia, gọi đây là "sự mù quáng có chủ ý". "Rất nhiều quan chức nhận con nuôi của các cơ quan này không nhất thiết phải nhìn thấy hành vi sai trái. Họ đã có ai đó khác làm tất cả những điều đó", giáo sư Karen nói.
Bà Naly Pilorge, Giám đốc Liên đoàn Campuchia thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền LICADHO cho biết, hàng thập kỷ lừa đảo cho nhận con nuôi quốc tế đã gây ra những đau khổ sâu sắc cho các gia đình. Nhóm của bà hỗ trợ các bà mẹ đang tìm cách kết nối lại với con cái của họ.
Naly Pilorge cho biết trong nhiều năm một số trại trẻ mồ côi ở Campuchia đã xảy ra tình trạng lừa đảo, mua trẻ sơ sinh và bán cho các cơ quan nhận con nuôi của Mỹ. Một báo cáo của LICADHO mô tả những nhân viên trại trẻ mồ côi chủ động tiếp cận phụ nữ nghèo ngay sau khi họ sinh con ở viện, lôi kéo bằng một khoản tiền nhỏ để tạm thời giao con và hứa hẹn các bé sẽ được chăm sóc.
"Nếu sau đó các mẹ cố gắng đến thăm con đều bị từ chối. Nếu đòi lại con thì phải trả gấp nhiều lần số tiền được nhận trước đó. Những đứa trẻ này cuối cùng sẽ được kết nối với các cơ quan nhận con nuôi ở Mỹ và các nơi khác", báo cáo cho biết.
Chị Neang Phol là một nạn nhân. Năm 2008, Neang, khi đó 34 tuổi, một mình nuôi 5 con bằng đồng lương ít ỏi từ đồn điền cao su. Quá khổ, Neang đã đưa 4/5 con vào trại trẻ mồ côi ở thủ đô Phnom Penh, cách chỗ làm 6 giờ đi xe.
Đó chỉ là sự sắp xếp tạm thời nhưng nhiều tháng sau, cô đến thăm thì biết hai con gái, một con trai, tuổi từ 5-12 đã bị gửi đến Italy. Cô không đồng ý và cũng không được thông báo trước. "Gia đình tôi lúc đó rất nghèo, tôi nghĩ trại trẻ mồ côi là nơi tốt để con được ăn ở và có kiến thức. Tôi không lường được các con sẽ ra nước ngoài và không thể trở về", cô chia sẻ.
Kinh hoàng, cô chất vấn trại trẻ thì kết quả không đến đâu. "Họ nói nếu thông báo, tôi có thể không cho phép các con đi. Tôi rất tức giận nhưng đã quá muộn", cô chia sẻ.
Cho đến ngày nay, Neang vẫn không biết ba đứa con của mình như thế nào, cũng như không có cách nào để liên lạc. Sau 14 năm chờ đợi, bà chỉ mong các con sống tốt. "Tôi không cần các con ở bên, nhưng ít nhất cũng mong nhớ tôi là mẹ của chúng", cô chia sẻ.
Meta, 57 tuổi cũng chịu nỗi đau chia cắt. Năm 2006, người phụ nữ quê Sihanoukville đã đưa các con lên Phnom Penh để làm việc trong một xưởng may. Chồng Meta bị mất sức lao động nên hoàn cảnh gia đình rất vất vả. Meta đã đưa các con vào một trại trẻ mồ côi địa phương để được học hành.
Hàng tuần Meta đến thăm các con. Song các nhân viên trung tâm tỏ ra phiền toái khi cô đến thăm. "Người đứng đầu trại trẻ mồ côi nói 'Tại sao chị lại đến thường xuyên như vậy? Nếu cứ đến như thế, làm sao các con có thể quên được mặt chị?".
Vài tháng sau khi đến trại, hai con 6 và 7 tuổi của Meta bị gửi đến Áo. Meta quẫn trí đòi trả lại các con thì đã bị cảnh sát triệu tập và cáo buộc bán con. "Đó là một sự bất công vì họ đã đưa con tôi đến đó mà không cho chúng tôi liên lạc với con. Không có nỗi đau khổ nào tồi tệ hơn khi mất con", cô nói.
Jacobs đã tiếp cận nhiều gia đình nhận con nuôi Campuchia kể từ khi bắt đầu dự án phim "Những đứa trẻ bị đánh cắp". Bộ phim tài liệu về việc nhận con nuôi quốc tế đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu. Hiện Jacobs và nhóm của cô đang gây quỹ trước khi quay phim ở Campuchia vào cuối năm nay.
Sam Schmir, một thanh niên 22 tuổi đang học ở tiểu bang Maine cũng đang nghi ngờ về danh tính mình sau khi thấy chữ ký của Galindo trên một tài liệu nhận con nuôi của mình. "Nếu phát hiện tôi được nhận nuôi một cách gian dối, điều này cũng không ảnh hưởng tới mối quan hệ của tôi với gia đình hiện tại. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn khi biết danh tính thật của mình", Sam nói.
Khi trở về Campuchia trong một chuyến du lịch năm 2014, Gosch và mẹ nuôi đang dạo quanh chợ thì có một phụ nữ bế con tới trước mẹ nuôi cô, nói: "Bà ơi, 30 đôla". Sau đó, cô ấy như nói "25 đôla", rồi tiếp tục giảm giá cho đến khi chúng tôi đi khỏi. Đôi mắt của người phụ nữ ấy rất đau khổ. Trải nghiệm khiến tôi đến giờ vẫn ám ảnh, tự hỏi không biết năm xưa mẹ có bỏ rơi tôi như vậy", cô chia sẻ.
Năm 2009, chính phủ Campucha đã dừng việc cho nhận con nuôi quốc tế. Tuy nhiên, có vẻ như tháng trước việc cho nhận con nuôi đang được mở lại, khi có thông báo ít nhất 9 trường hợp đang được xử lý. Điều này đang khiến các cơ quan nhân quyền và nhóm của Jacobs lo ngại.
"Khi còn nhỏ tôi muốn sau này cũng nhận con nuôi giống như tôi đã được yêu thương. Nhưng khi biết bê bối đằng sau và biết thông tin Campuchia mở lại việc cho nhận con nuôi quốc tế một lần nữa, tôi thực sự lo ngại. Một khi mở lại, mọi thứ đau khổ sẽ quay trở lại", Jacobs nói.
Bảo Nhiên (Theo Vice)