Vậy là cùng lúc với tuyết rơi trên những dãy núi cao xa tắp ở Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An… những tấm lòng và tâm huyết dưới xuôi lại gặp nhau, họ hô hào, quyên góp những chuyến xe thực phẩm, ủng dép, áo khăn nườm nượp lên đường. Tôi nhìn cảnh đó, thực sự thấy lòng ấm áp lên nhiều, dù Hà Nội cũng đang dầm trong mưa rét dưới 10 độ C. Những chuyến xe kia chưa đủ để sưởi ấm cho toàn bộ vùng cao đói nghèo của Tổ quốc, nhưng ít nhất cũng đang dần đánh thức ngày một nhiều những trái tim đang rất lạnh, đang ngủ yên, hoặc đang vô cảm. Và biết đâu, tôi vẫn luôn hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ không còn một trái tim nào có thể dửng dưng trước hai tiếng thiêng liêng “Đồng bào”.
Có nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện từ thiện. Bàn luận về việc “Cho cần câu hay cho con cá“ thiết nghĩ cũng na ná như tìm cách chứng minh “con gà hay quả trứng có trước”. Nhưng tôi, một người từng không ít lần trải nghiệm các chuyến đi vùng cao, giờ lại không mấy lăn tăn về điều đó.
Những đứa trẻ cởi truồng chính là hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh trong tim tôi, và cho đến tận bây giờ, sau nhiều lần tận tay ôm bế, lau mũi dãi và mặc quần cho những đứa trẻ mà tôi gặp trên các nẻo đường lên núi, thì hình ảnh đó vẫn luôn mang lại cho tôi bao xúc cảm nhói đau.
Không ít người cho rằng “thật vô ích và vô nghĩa khi tặng quần cho bọn trẻ, vì chúng đâu có mặc. Chúng thích cởi truồng hơn”. Không sai. Đúng là chúng cởi truồng dù vẫn có vài cái quần vứt chỏng chơ ở xó bếp. Và những chiếc quần tự tay tôi mặc cho chúng, có thể sẽ bị lột ra ngay sau khi tôi đi khỏi.
Năm đầu tiên tôi theo đoàn từ thiện “Cơm có thịt” lên Pa Cheo, Lào Cai, gặp những đứa trẻ cởi truồng, mặc quần cho chúng, lòng tôi lâng lâng niềm hạnh phúc rằng chúng đã có quần ấm để chịu đựng mùa đông giá rét. Năm tiếp theo, tôi thường xuyên lên lại nơi này, vẫn thấy những đứa trẻ ấy cởi truồng. Lòng tôi đầy hoang mang. Nhưng rồi tôi hiểu ra một điều xót xa hơn. Những đứa trẻ ấy, thiếu thốn ngay từ khi mới sinh ra. Rồi sự thiếu thốn ấy trở thành thói quen. Chúng trở nên không có nhu cầu, không biết hưởng thụ điều tối thiểu nhất của một đứa trẻ. Đó là “mặc quần”. Chưa dám nói đến những điều lớn hơn.
Tôi ngẫm, cách đây chừng 30 năm, nếu có ai đó tặng gia đình tôi một chiếc máy sưởi hay một chiếc điều hòa, chắc chắn bố mẹ tôi cũng vứt xó. Giờ thì nhiều người hẳn khó chịu đựng nổi mùa đông nếu trong nhà không có máy sưởi, khó chịu đựng nổi mùa hè nếu trong nhà không có điều hòa. Ngày xưa, cuộc sống nghèo đói và thiếu tiện nghi không cho phép sử dụng những thứ xa xỉ đó. Lạc hậu sẽ dẫn đến không có thói quen tiêu dùng, không có thói quen tiêu dùng sẽ dẫn đến không có nhu cầu.
Cởi truồng, chân đất, không đánh răng, không tắm giặt, không đến trường… những biểu hiện tối thiểu của nền văn minh nhân loại không hề xuất hiện ở nhiều nơi tôi từng đi qua, trên chính mảnh đất tôi yêu thương gọi là Tổ quốc.
Chúng tôi vẫn hàng năm đến hẹn lại khăn gói gồng gánh hàng lên vùng cao. Và không bao giờ thiếu những chiếc quần, cũng như không bao giờ bỏ qua những đứa trẻ cởi truồng đứng ngơ ngác bên vệ đường. Hôm nay, có thể chúng chưa từ bỏ được thói quen cởi truồng, nhưng ngày mai, ngày kia hoặc có thể lâu hơn thế, chúng sẽ thấy “mặc quần” là điều không thể thiếu.
Tôi và nhiều bạn bè cùng chí hướng vẫn hằng mong mỏi rằng “quần áo”, “giày dép”, hay “xà phòng”, “kem đánh răng”… và cao hơn cả là “cái chữ”, sẽ hiện hữu dần và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bọn trẻ vùng cao, để mỗi mùa xuân về, nơi đó không còn u ẩn tái tê trong nếp nhà tranh xiêu vẹo lam lũ và nghèo đói.
Nếu chúng ta dừng tay vì nghĩ rằng "chúng có mặc quần đâu mà tặng", thì những đứa trẻ sẽ vẫn cởi truồng từ mùa đông này đến mùa đông khác. Làm sao có thể giúp họ làm quen với sự văn minh nếu chúng ta không mang đến những điều kiện vật chất tối thiểu của nền văn minh. Tôi nghĩ, dù lớn hay nhỏ, hành động vẫn tốt hơn là ngồi một chỗ và phán xét.
Đỗ Sông Hương