Chủ đề của lão bao giờ cũng xoay quanh chuyện lụt lội và lợi ích của những đôi dép cao su. Lão nói về thứ dép ấy hào hứng, làm như quảng cáo mặc dù biết được một điều hiển nhiên là hai, ba năm sau ông mới thay dép. Dù sao cũng có một ông bạn cùng lứa. Thằng Tĩnh không ưa lão Hạng. Nó nhăm nhăm chờ lão sang vốc cát ném, sau đó cười rú lên. Lão chẳng giận cũng chẳng chú ý đến nó. Lão nhìn lướt qua đầu nó rồi quên phắt. Thằng Tĩnh và lão không hợp nhau, trái lại càng ngày càng xung khắc. Rốt cuộc thì cả hai đều bỏ ông đi. Đời ông là thế, ròng rã những cuộc chia ly. Mỗi lần như vậy, người ông lại nhẹ hẳn đi như mất một phần xương thịt. Đôi khi ông chợt nghĩ không cẩn thận, cứ đà này này ông sẽ đi là là mặt đất như bà giáo ở làng mình mất…
- Tao biết có một người đẻ ngược.
Tiếng người thanh niên gầy gò bùng lên đột ngột. Người to thấp hỉ mũi, ông thấy mấy ngón chân thò ra khỏi mũi giầy của anh ta ngọ nguậy.
- Đó là chân lí chăng?
Vẫn là những câu chuyện tầm phào. Mọi âm thanh đưa ra đều rơi vào khoảng trống. Ông thấy thú vị và theo dõi câu chuyện rời rạc của họ.
- Bà giáo ở chỗ tớ đẻ ngược! Người gầy gò nhăn mặt.
- Sinh năm Tuất chăng?
- Có thể.
- Tên?
Thanh niên gầy không trả lời, mặt anh ta thoáng vẻ bí ẩn, láu lỉnh. Hai người lạ mặt này ở đâu nhỉ? Tại sao họ biết câu chuyện kì dị của làng ông? Thuở ấy xa lắm, xa đến mức chính ông cảm thấy mịt mù, mặc dù là người chứng kiến câu chuyện của đời bà giáo. Ông nhắm mắt nhớ đến ngày ấy, cái ngày ông đang học cấp hai…
***
Bà giáo nhà cuối làng. Gọi là bà, nhưng năm ấy bà mới chỉ hai mươi tuổi thôi. Bà lấy một anh chồng làm thợ rèn. Chồng bà to cao, da bóng nhẫy cả trong mùa đông lẫn mùa hè. Bà giáo có chửa và sinh đứa con đầu lòng. Cả làng mang quà đến biếu vợ chồng bà. Vừa ra đời, đứa trẻ đã gây sự kinh ngạc khắp làng. Nó là trai. Người ta phát hiện ra rằng con bà giáo có râu. Không những thế, ba bốn ngày sau tóc nó còn bạc trắng. Đứa trẻ không khóc, nó giương đôi mắt kèm nhèm nhìn mọi người như phán xét. Vợ chồng bà giáo hoảng hồn. Không ai dám đặt tên cho đứa bé. Hai tuần sau nó chết. Ngay bản thân vợ chồng bà giáo cũng chẳng dám gọi nó là con. Bẵng đi một thời gian, khoảng ba năm, bà giáo lại có chửa. Dĩ nhiên ngay sau lần sinh đầu, bà đã nghỉ không đi dạy học nữa. Ai dám cho con đến học bà? Bà ở nhà trồng bắp cải. Những cây cải to chưa ở đâu bằng. Dân làng nghi ngờ nhìn chằm chặp vào cái bụng phưỡn to của bà giáo. Bà sợ không dám bước chân ra ngoài nữa. Suốt ngày ru rú trong nhà, chiếc bễ lửa ngoài cửa của chồng bà giáo cứ ù ù như lên cơn điên dại, thù hằn. Bà giáo ở cữ. Lão Biền thi thoảng lại bỏ cắt tóc vào thăm bà. Khi ra, bao giờ mắt lão cũng nhấp nhát, hai cánh mũi phập phồng. Chồng bà giáo bỏ làm, rút vào với vợ. Bà giáo đẻ lúc nào không ai biết. Dân làng thì thào rằng chính lão Biền đỡ đẻ. Họ xúm vào hỏi nhưng lão chỉ gãi đầu im lặng. Gần một tháng trời vợ chồng bà giáo không ra khỏi nhà. Người ta lồng lộn tò mò. Cùng với bí mật quyến rũ đến ghê người, làng tự dưng bị lâm vào một tình trạng chưa từng xảy ra bao giờ. Đó là sự mất tiếng. Cứ về đêm, mọi âm thanh của người và vật biến mất. Những con chó sủa không thành tiếng, chỉ thấy mõm chúng há ra, ngậm vào như hình ảnh trong giấc mơ. Rồi con người cũng lâm vào tình trạng đó. Mọi cử chỉ, ngôn ngữ về đêm được diễn ra dưới sự im lặng kỳ quặc. Tất cả đều nhìn nhau kinh ngạc. Người nọ nhìn người kia và cách giải quyết tốt nhất là đi ngủ thật sớm. Giấc ngủ cưỡng bức, vội vã chìm ngập trong mùi hương thơm lựng từ miếu dì Lãm. Cả làng trở thành một chiếc bóng câm lặng khổng lồ. Ngọn Rùng đen thẫm in trên nền trời. Khói hương bốc ngùn ngụt. Ngay cả tiếng thầm thào ở gốc si cũng biến mất như kẻ tuân theo một mệnh lệnh nghiêm khắc. Người làng vẫn không quên hướng mọi giác quan về phía vợ chồng bà giáo. Chuyện vỡ ra từ hôm thằng Thành, con lão Mộc toét vô tình nhìn thấy bà giáo ẵm con xuống bếp. Mà hôm ấy đúng vào ngày cả làng được trả lại âm thanh.
- á a, cháu thề độc, nếu cháu nói sai thì cả nhà cháu mù. Nó cứ toang toác như thế từ nhà nọ sang nhà kia: - Chẳng biết trai hay gái, nhưng mà…
- Nói đi. Người ta quây lấy thằng bé, sốt ruột giục cuống quýt: - Nói đi mày.
Thằng Thành gãi đầu tỏ vẻ khó nói. Nó đánh mắt xuống bếp hoặc về phía bất cứ cái nồi nào trong nhà. Người ta hiểu ý.
- Đợi đấy, bác cho khoai luộc!
- Dạ, cái ấy cháu…
- Khoai ngọt lắm!
- Khoai! Bố cháu bảo khoai thì trơn cổ họng bác nhỉ!
Thằng Thành toét miệng cười. Nó ăn lấy ăn để, không những thế, còn đút túi mang về cho mấy đứa em ở nhà. Ai cũng biết nhà nó không đến nỗi nào. Nhưng mà thôi, cái cần nhất là tin tức về đứa con bà giáo.
- Mày trông thấy thế nào? Người ta ngon ngọt hỏi nó.
- úi chao, nói ra thì phát khiếp. Tóc nó bàng bạc nhá. Mà không, y như tóc bố cháu.
- Hoa râm.
- Đúng vậy. Răng đen, chết, cháu quên, răng vàng ố.
- Khiếp thật!
- Chưa bác ạ. Thằng Thành làm vẻ mặt nghiêm trọng: - Nó nói như người lớn nhá. Cháu nghe rõ mà lị. Nó bảo: “Mẹ lấy cho tôi cái điếu”
- Bịa. Tao bợp tai cho bỏ cha bây giờ.
- Cháu thề…
Giữ chặt hai miệng túi quần đầy ự khoai, thằng Thành lao ra cửa và biến mất. Rốt cuộc thì nó nói đúng. Phải cái, lần này con bà giáo không đến nỗi như đứa trước. Nó ở độ già của người ba nhăm, bốn mươi gì đó. Làng lại được dịp ầm ĩ. Bà giáo định tự tử, may có ông chồng giữ lại kịp. Không ai dám đến gần nhà bà nữa. Đêm, đột nhiên dân làng nghe từ nhà bà giáo vọng ra tiếng của hai người đàn ông trạc tuổi nhau, gầm ghè trò chuyện. Cho đến hôm bà giáo lao ra đường kêu gào giữa trưa. Đứa bé đã biến mất. Không hiểu nó bỏ đi hay bị ẵm trộm. Nhiều người rỉ tai nhau rằng biết đâu vợ chồng bà chôn nó đi rồi đóng kịch. Dù sao bà giáo cũng đáng sợ và đáng thương. Phải công nhận rằng bà giáo rất hiền. Bà kiệm lời như kẻ đi tu vậy. Bà mới ba hai tuổi, trông còn đẹp lắm. Môi bà cứ đỏ hồng, mòng mọng, cả má và hai vành tai nữa. Chuyện nguôi ngoai dần.
Còn tiếp