Đầu tháng 6, ở huyện biên giới Mường Lát nắng cháy da do ảnh hưởng của gió Lào. Những đứa trẻ ở bản Đoàn Kết đang trong kỳ nghỉ hè, đầu trần chân đất, chạy loanh quanh chơi mấy trò đánh bi, trốn tìm hoặc xem điện thoại giải trí khi bố mẹ chúng đều lên nương từ sớm.
Trong căn nhà sàn nhỏ rộng hơn chục mét vuông nằm cách nhà văn hóa bản Đoàn Kết vài bước chân, Pít Văn Nương ngồi trước bậu cửa lật cuốn truyện đã ngả màu, nhàu nát. Thi thoảng cậu bé lại lúi húi, vẻ khó nhọc viết vài nét bút không rõ ràng. Chỉ Nương và thầy giáo chủ nhiệm lớp cũ, mới hiểu cậu đang cố trình bày điều gì. Thằng bé thi thoảng ngửa mặt cười, miệng lẩm nhẩm vài lời không thành tiếng.
Năm học 2023-2024, Nương học lớp 4E, khu lẻ Đoàn Kết, trường Tiểu học Tén Tằn, thị trấn Mường Lát. Khai giảng năm học tới, dự kiến cậu tiếp tục được lên lớp 5. Theo thầy giáo Hà Văn Mòn, Nương dù không đủ điều kiện song nhà trường vẫn tạo điều kiện cho cậu bé ra lớp như các bạn cùng trang lứa "theo diện hòa nhập".
"Thấy con yêu trường lớp, thích đi học và không ngỗ nghịch gì nên thầy cô thường dành tình cảm đặc biệt để khuyến khích con cố tìm cái chữ", thầy Mòn nói.
Hơn 10 năm trước, Lò Thị Ép khi mới lên 15 tuổi đã nên duyên vợ chồng với người con trai cùng bản tên Pít Văn Điền. Cặp vợ chồng trẻ lần lượt sinh được hai con trai, Nương là con đầu lòng. Cậu bé lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ trong bản song cho đến ngày ra lớp mẫu giáo vẫn không biết nói. Nhiều năm sau, khi tích góp được chút tiền, vợ chồng Ép đưa con đi khám mới hay đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh.
Người mẹ bảo rất buồn bã nhưng cũng đành phó mặc con cho số mệnh. Bố mẹ không có điều kiện cho đi học lớp chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, Nương vì vậy được thầy cô cắm bản tạo điều kiện cho ngồi học chung với nhóm trẻ bình thường "được chữ nào hay chữ đó".
"Thằng bé rất chăm chỉ, hầu như chưa bỏ buổi học nào suốt mấy năm tiểu học", thầy Mòn cho biết thêm. Vì không thể nói nên Nương chỉ hiểu lời thầy qua những ngữ điệu hoặc hành động. Cậu bé thực ra không biết viết, chỉ vẽ theo sách giáo khoa hoặc chữ thầy viết trên bảng. Cuốn vở của Nương là những bài học không liền mạch, trang có trang không.
"Thằng bé còn nhỏ lại không lành lặn như con người ta, ở nhà cũng chưa biết làm gì nên cứ cho đến trường thôi", chị Ép chia sẻ. Giống như nhiều phụ nữ trong bản Đoàn Kết, Ép chỉ bập bẹ vài câu tiếng Kinh, hàng ngày chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ của người Khơ Mú.
Theo trưởng bản Đoàn Kết Cút Văn Dân, gia đình Nương thuộc diện nghèo nhất nhì bản. Trước đây vợ chồng chị Ép và các con ở chung với gia đình bên ngoại, năm 2023 dọn ra ở riêng. Cặp vợ chồng trẻ mượn khoảnh đất khoảng 40 m2 của gia đình anh rể dựng căn nhà tạm sinh sống.
Căn nhà sàn rộng chừng 15 m2 xiêu vẹo dưới triền dốc được anh Điền tự dựng trong bốn ngày. Trông xa nó giống như túp lều dân bản hay làm để canh rẫy. "Mấy tấm ngói fibro xi măng cũ tôi đi xin, còn cột kèo thì lên rừng tự đốn", Điền nói. Trong căn nhà của vợ chồng Điền không có tài sản gì đáng giá ngoài vài chiếc nồi méo mó vứt chỏng chơ dưới sàn và đống chăn chiếu ố màu nằm góc nhà.
Nhà Điền hiện có 6 khẩu ăn. Ngoài các thành viên gia đình còn có thêm hai đứa trẻ mồ côi. Hai năm trước, em gái chị Ép mất vì ung thư, hai đứa nhỏ không nơi nương tựa cũng dọn đến ở cùng.
"Họ sống trong cảnh túng thiếu vô cùng. Ngoài số gạo và tiền chính sách nhà nước hỗ trợ hàng tháng, vợ chồng Ép thường lên núi hái rau dại hay măng rừng ăn qua bữa", một nữ giáo viên cắm bản cho hay.
Vợ chồng Pít Văn Điền không có công việc ổn định. Không có ruộng vườn, họ chỉ canh tác một rẫy sắn rộng gần một héc ta trên núi Suối Phai, mỗi năm thu hoạch vài tạ, được chưa đầy một triệu đồng. Ép hàng ngày ở nhà trông con và đi rẫy còn Điền lúc rảnh rỗi theo trai làng làm phụ hồ hoặc đổ bê tông thuê nhưng "không có được tiền, thường về tay không thôi".
Ông bố trẻ mơ có một ngôi nhà nhỏ để đỡ mưa nắng cho vợ con nhưng chưa thể thành hiện thực.
Lớp 4E của thầy Mòn ngoài Pít Văn Nương còn có một bé trai khác là Lương Văn Tập, 10 tuổi, cũng hoàn cảnh tương tự. Không chỉ câm điếc bẩm sinh, Tập còn mắc chứng kém thị lực. Hơn 20 năm làm giáo viên cắm bản ở Đoàn Kết, thầy Mòn bảo đến năm vừa rồi mới tiếp nhận những học trò hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Phải dìu dắt cùng lúc hai học sinh khuyết tật khiến những buổi lên lớp của nam giáo viên thêm phần vất vả.
Ngoài giáo án cho nhóm trẻ bình thường, thầy Mòn phải dành thời gian nắm bắt thói quen, tính cách của Nương và Tập để hướng dẫn, phụ đạo thêm cho các bé. Do hai nam sinh đều gặp khó khăn trong giao tiếp nên ngoài học ngôn ngữ Khơ Mú, thầy Mòn thường phải sử dụng thêm ngữ điệu, kết hợp các động tác hình thể để diễn đạt bài học cho học trò. "Buổi học cho các con khuyết tật sẽ kéo dài hơn", thầy nói.
Nam giáo viên không chắc những kiến thức mình truyền thụ sẽ được học trò như Nương tiếp thu hết nhưng cũng "mong các con nhận biết mặt chữ, biết đếm số là may mắn rồi".
Bản Đoàn Kết có 169 hộ với gần 800 nhân khẩu, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 270 km với 100% đồng bào Khơ Mú. Đời sống cư dân ở đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vài nương rẫy, tự cung tự cấp là chính. Khu lẻ Đoàn Kết hiện có 82 học sinh với 5 khối lớp. Do không đủ phòng học nên hai khối lớp ở điểm trường này phải học tạm ở khu nhà văn hóa của bản.
Tiếp thêm động lực đến trường cho các em nhỏ ở Mường Lát, Thanh Hóa, quỹ Hy vọng – báoVnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Lê Hoàng