Sáng 2/6 bé được đưa vào bệnh viện địa phương ở Yên Mỹ, Hưng Yên và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong ngày. Diễn biến bệnh rất nhanh, trẻ đã hôn mê, li bì, được chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản B. 13 ngày điều trị tại khoa Truyền nhiễm, bé vẫn chưa nói được mà mới cố gắng mấp máy miệng, không nhấc được cổ hay ngồi dậy nổi, song tay và chân bên trái đã có cảm giác.
Chiều 14/6, cháu bé được chuyển sang Trung tâm phục hồi chức năng. Các bác sĩ hy vọng sau phục hồi chức năng sức khỏe bé sẽ ổn định hơn. “Giờ cháu đã đỡ hơn nhiều so với hôm đầu, tỉnh hơn, mập mờ gọi biết nhưng không nói. Chúng tôi mong chờ phép màu khi phục hồi chức năng sẽ trả lại cháu như trước đây”, bà nội bệnh nhi nói.
Cũng nằm viện điều trị đã 13 ngày nhưng cậu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh vẫn đang trong tình trạng li bì. Các bác sĩ chưa xác định được căn nguyên gây viêm não cho bé, cũng chưa thể đánh giá khả năng hồi phục. Bệnh nhi trong giai đoạn cấp của bệnh, biểu hiện rất nặng nề. Trẻ được đưa đến viện vào ngày thứ 3 sau sốt.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa tiếp nhận nhiều bé bị viêm màng não, viêm não. Bệnh nguy hiểm ở chỗ biểu hiện ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt cao khác (viêm đường hô hấp, sốt cao thông thường) nên trẻ không được gia đình đưa đến viện kịp thời.
Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận rải rác các ca viêm màng não, có bé bị viêm màng não mủ rất nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)... Bệnh xuất hiện quanh năm và mùa dịch vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ thường sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…
Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nếu phát hiện sớm chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Ngược lại bệnh sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…
Để phòng bệnh cho trẻ, cần vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
Phòng virus gây viêm não Nhật Bản, bé cần tiêm văcxin đầy đủ và đúng lịch. 3 liều văcxin cơ bản: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Bất kể trẻ sốt, nôn, đau đầu không rõ nguyên nhân cha mẹ nên nghĩ đến viêm não do virus. Để xác định bệnh, bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy.
Hướng dẫn xử trí khi trẻ co giật