Thúy quê ở xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, lấy chồng Đài Loan rồi khăn gói đến quê chồng. Sinh được 2 đứa con, 4 năm trước chồng Thúy đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim. Mẹ và em chồng sợ bị chia gia tài nên tìm cách đánh đuổi cả ba mẹ con đi.
Bơ vơ đất khách quê người, không nghề nghiệp, không tiền bạc, Thúy đành vay mượn tiền từ bạn bè đồng hương để mua vé máy bay bồng con về quê ngoại. Thế nhưng nhà bà Cẩm - mẹ Thúy, chỉ có hơn công đất trồng nhãn cũng đã đem cầm cố để trị bệnh phổi cho bà. Gia đình khó khăn vô cùng. Một hôm, chờ hai đứa nhỏ ngủ say, Thúy lén hôn con rồi gạt nước mắt ra đi với ý nghĩ sẽ tìm việc làm kiếm tiền trả nợ và gửi về cho bà nuôi hai đứa con lai.
Từ ấy đến nay, bà Cầm cho biết 4 năm qua phía gia đình bên nội không thấy ai sang thăm cháu. Còn mẹ hai đứa nhỏ không biết làm gì ở Sài Gòn, một năm chỉ về thăm con hai lần rồi đi. Quanh năm suốt tháng, ba bà cháu thui thủi một mình, cơm cháo no đói có nhau, lâu lâu mới nhận được tiền mẹ gửi về cho một ít.
Ngày mới xa mẹ, bé gái Lin Yi Syun mới 27 tháng và bé trai Lin Shan Tai 17 tháng tuổi. Những ngày đầu mới về quê mẹ, hai bé không biết tiếng Việt, bà ngoại không biết tiếng Hoa nên những lúc cháu đói khát đòi ăn uống bà cũng không biết. Bà chỉ chăm cháu theo kinh nghiệm rồi từ từ tập chúng nói tiếng Việt. Bây giờ cả hai đứa nhỏ đều đã 5-6 tuổi, nói tiếng Việt rành, nhưng ký ức về bố mẹ trở nên mờ nhạt, không nhớ gì nhiều về đấng sinh thành của mình. Hỏi Syun "bố mẹ con đâu?", cô bé chỉ bẽn lẽn lắc đầu...
Hai em bé con lai được mẹ đưa từ Đài Loan về sống với bà ngoại. Ảnh: Thiên Phước |
Sóc Trăng là một trong những địa phương có nhiều xóm được gọi là “xóm Đài Loan”, vì có quá nhiều cô gái trẻ đua nhau lấy chồng ngoại. Thống kê của ngành chức năng, từ năm 1999 đến 2010, tỉnh có trên 7.000 phụ nữ lấy chồng ngoại, trong đó có đến 70% lấy chồng Đài. Tại huyện Cù Lao Dung, chỉ tính riêng xã An Thạnh Nhất có đến trên 400 cô gái được các ông chồng cưới về Đài Loan làm vợ. Trong số này có rất nhiều người gặp trắc trở về tình duyên do bất đồng ngôn ngữ, bị cha mẹ chồng và cả chồng đánh đập nên trốn về Việt Nam trong sự tủi nhục, lỡ làng đời con gái. Hàng trăm đứa con lai cũng theo mẹ về quê nhà trong khốn khó, thiếu thốn tình cảm gia đình.
Xa cha mẹ nhưng có lẽ cháu ngoại bà Cẩm có cuộc sống tốt hơn bé Như Ý ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Mặc dù được sống với mẹ nhưng bé gái này bị chính mẹ và người tình hành hạ nhẫn tâm khi mới 9 tháng tuổi. Mẹ bé là Nguyễn Thị Xuân Lan (29 tuổi) lấy chồng Đài Loan cách nay 9 năm. Bị nhà chồng hành hạ nên Lan trốn nhà đi làm công nhân rồi sống chung như vợ chồng với một người Đài Loan khác và có thai.
Đầu năm 2009, Lan mang bầu trở về quê nhà sinh con và sống như vợ chồng với một người đàn ông khác. Bé Như Ý ở cùng với mẹ. Giữa tháng 8 năm ngoái do thấy bé Như Ý hay khóc đêm, tình nhân của mẹ cho rằng cô bé 9 tháng tuổi mang hai dòng máu Việt - Đài bị ma nhập nên chữa trị bằng cách hành hạ, đánh đập gây thương tích đến 25%.
Đó là chuyện buồn của những đứa con lai, bên cạnh đời đẫm nước mắt của những cô dâu Việt lấy chồng xứ người. Điển hình là cô dâu Lê Thị Kim Đồng ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). Cô bị chồng nhốt trong nhà không cho ra ngoài, đánh đập tàn nhẫn rồi bắt ân ái suốt đêm không cho ngủ dù đang mang thai, khiến cô hoảng loạn. Cuối tháng 4/2007 Đồng đào tẩu bằng cách cột rèm cửa vào người rồi lao từ ban công tầng 9 xuống đất bị thương nặng và tử vong sau đó vài ngày.
Gần đây nhất là cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc (21 tuổi) cũng ở thị trấn Cờ Đỏ, bị người chồng mắc bệnh tâm thần đánh đập rồi đâm chết vào đầu tháng 7/2010 khi cô đến Hàn Quốc chỉ hơn một tuần. Theo mẹ của Ngọc thì con gái bà đẹp người đẹp nết nên được nhiều thanh niên trong xóm ngỏ lời cầu hôn. Song nhà quá nghèo, cô gái trẻ muốn cha mẹ được đổi đời nên chấp nhận lấy chồng ngoại mà không biết rõ tình trạng sức khỏe của chú rể nên xảy ra hậu quả đau lòng.
Phong trào lấy chồng ngoại hiện đã giảm ở miền Tây sau những bài học đau lòng, nhưng gần đây lại lan ra một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn… Nhắc đến thực tế cưới chồng Đài Loan, người dân xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng, lấy chuyện của một cô dâu 27 tuổi để “làm gương” cho các cô gái trẻ muốn lấy chồng ngoại để đổi đời. Theo người dân Đại Hợp, chồng cô gái trẻ này lớn hơn vợ đến 20 tuổi. Khi được rước về Đài Loan thì cô mới biết chồng đã có vợ con, nên mang thai đến tháng thứ ba ông chồng Đài Loan vẫn bắt phá bỏ. Cô không nghe theo nên bị chồng đánh đập tàn nhẫn, buộc phải ly hôn quay về quê với hai bàn tay trắng.
Theo số liệu của Bộ Lao động thương binh xã hội, trong vòng 5 năm từ 2005 đến 2010 có trên 257.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam đang định cư ngoài nước. Tuy nhiên, con số thống kê của Bộ Tư pháp thì lên đến hơn 294.000 người. Có rất nhiều cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nên Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình Chủ tịch nước cho khoảng 65.000 cô gái thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Lao động thương binh xã hội trong một hội thảo về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài diễn ra tại Cần Thơ cuối tuần qua, nhờ hệ thống văn bản pháp luật về quản lý kết hôn với người nước ngoài ngày càng hoàn chỉnh, hiện tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp đang giảm dần. Phong trào lấy chồng ngoại của các cô gái Việt khu vực phía Nam nhờ vậy cũng ít đi. Trước đây các cô gái miền Tây ồ ạt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhưng qua nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị gia đình chồng hành hạ… giờ đây nhiều cô đã cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài.
Thiên Phước