Hai bên bó hoa, những cây nhang nối thành hàng đã cháy tàn, thi thể các em đã được đưa về gia đình để lo hậu sự. Những làng quê vốn yên bình với nghề trồng rau, trồng hoa bên sông Trà bỗng chốc phủ lên màu tang tóc. Nỗi đau quá lớn khiến ai cũng bàng hoàng.
Tôi đến thăm nhà em Cao Ngọc Vũ ở thôn Hổ Tiếu một ngày sau tai nạn thương tâm. Vũ sống ở quê cùng bà nội và hai chị em gái, nhà nghèo, ba mẹ em đều đi làm thuê ở Đắc Nông. Chị Nguyễn Thị Yến, mẹ Vũ đang mang thai em bé, dự định vài ngày tới về quê sinh con nhưng phải tức tốc bắt xe đò về khi nghe tin dữ.
Cầm trong tay học bạ của con, chị Yến ràn rụa nước mắt, bao ước mơ của một đứa trẻ 13 tuổi vĩnh viễn không thành hiện thực. “Hồi giờ nó có ra sông tắm bao giờ đâu?”, cái chết đến đường đột như có ai xui khiến.
Trong số 9 em nam tử nạn có 7 em sống cùng ông bà vì bố mẹ đi làm ăn xa. Họ ra đi cũng vì con, nhưng khi bi kịch xảy đến, họ chỉ biết tự trách mình. Những câu hỏi "giá như" cào cấu tâm can người lớn.
Nhưng làm sao có thể trách những người cha, người mẹ phải tha hương cầu thực ấy. Bởi khi phải khăn gói tha hương, họ đã khổ lắm rồi. Tôi chỉ tự hỏi rằng nếu thảm nạn ấy là một định mệnh, thì định mệnh ấy có thay đổi được không?
Chi tiết 7 trong 9 đứa trẻ không có cha mẹ ở nhà khiến tôi suy nghĩ. Trong số những đứa trẻ chết đuối, có em cha mẹ đã tha hương đi làm mướn từ năm 2 tuổi - để lại cho ông bà trông.
Đó là một vùng trồng hoa. Hết mùa hoa Tết, những mảnh ruộng để trồng hoa màu. Nhưng đất ít, nghề nông bấp bênh, những nông dân nơi này phần lớn phải tìm đường ly hương đi làm mướn khi hết vụ hoa. Ở khắp nơi tại Quảng Ngãi, tại những vùng làm muối, vùng trồng hoa, vùng trồng ớt, tôi đã gặp những ngôi làng như thế. Phần lớn người trong độ tuổi lao động phải rời bỏ làng quê kiếm sống, để lại những đứa trẻ và người già trông nhau. Xã Nghĩa Hà, nơi tôi có mặt trong ngày định mệnh, là một địa phương điển hình.
Thiên nhiên đã không còn ưu đãi vùng đất này. Biến đổi khí hậu khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn: phía gần biển, đất nông nghiệp của xã bị nhiễm mặn một phần. Sông Trà Khúc đến mùa khô cạn trơ tận đáy. Phải gần 10 năm nay sông Trà gần như không có nước mùa nắng - và nó đã trở thành một hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống khó khăn của những người nông dân Quảng Ngãi từ lâu.
Thiên nhiên quay lưng, họ cũng không còn nơi nào để trông vào: chưa bao giờ tôi nghe đến một chính sách phát triển nghề phụ nào hiệu quả để những người nông dân khốn khổ vì nhiễm mặn, vì hạn hán, vì “được mùa mất giá” bám được làng quê. Họ ly hương như một tất yếu. Chỉ ai có điều kiện thì buôn bán nhỏ.
Một ngày sau thảm nạn, dòng sông Trà vẫn chảy êm đềm, dòng nước xanh trong vắt như giấu đi những tang thương trong lòng nó. Những tiếng khóc thấu trời trong cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh vẫn chưa dứt. 9 đứa trẻ đã vĩnh viễn không còn nữa. Tôi mong sẽ không còn phải thấy bó hoa cúc trắng nào được cắm xuống bên dòng sông ấy.
Nhưng ở khắp nơi trên đất Quảng Ngãi này, và ở rất nhiều địa phương trên cả nước, những ngôi làng chỉ có người già và trẻ con vẫn còn rất nhiều. Và nếu coi việc ly hương của những con người nơi đó là “bình thường”, thì còn bao nhiêu điều đau lòng đang chờ đón?
Phạm Linh