Mẹ cô bé, chị Rucchi đăng đoạn hội thoại giữa hai mẹ con cùng đoạn video về cuộc phẫu thuật của con gái lên mạng xã hội, trong đó, cô bé đang khóc lóc và hoảng loạn.
Đoạn video nhận nhiều chỉ trích từ người xem. Nhiều người thắc mắc tại sao một cô bé, rõ ràng đang đau đớn, lại có thể phẫu thuật thẩm mỹ, kể cả được mẹ cho phép.
Nhưng Micchi là một phần của thế hệ thanh thiếu niên, những người tự nguyện phẫu thuật thẩm mỹ trước tuổi thành niên.
Năm 2021, một phòng khám ở Nhật Bản ghi nhận kết quả 90% số người được hỏi ở độ tuổi thanh thiếu niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ để điều chỉnh ngoại hình, tăng so với 70% của hai năm trước.
Nhiều người trẻ ở những quốc gia khác cũng làm vậy. Tại Mỹ, hơn 220.000 thủ thuật thẩm mỹ được thực hiện hàng năm trên bệnh nhân trong độ tuổi từ 13-19.
Các chuyên gia y tế và chính phủ lo ngại về những con số này. Năm ngoái, các nhà lập pháp Anh đã quy định hành vi tiêm chất làm đầy môi, một tiểu phẫu phổ biến trong giới trẻ, là bất hợp pháp với người dưới 18 tuổi.
Những người phản đối cảnh báo rằng thế hệ trẻ, phần lớn tiếp xúc với mạng xã hội đang bị áp lực phải sống theo vẻ đẹp thể chất lý tưởng, dẫn đến tổn hại về tâm lý, đôi khi là cả thể chất.
Toru Aso, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Tokyo tận mắt chứng kiến số lượng khách vị thành niên đến phòng khám của ông tăng cao một cách đáng ngạc nhiên trong những năm gần đây.
"Khoảng 10 năm trước, mỗi tháng tôi có một khách hàng nhỏ tuổi. Bây giờ, họ tìm đến tôi mỗi ngày", bác sĩ hơn 20 năm hành nghề, chủ yếu phẫu thuật cho phụ nữ 20-30 tuổi, nói.
Cắt mí là thủ thuật phổ biến nhất Aso can thiệp cho khách của ông và cũng là thủ thuật phổ biến khắp Nhật Bản. Năm 2020, 64% can thiệp phẫu thuật ở Nhật Bản liên quan đến cắt mí. Dù quy trình này tương đối an toàn so với nâng mông, hút mỡ, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro như mù lòa hoặc tổn thương cơ xung quanh mắt.
Tại Nhật, dưới 18 tuổi có thể phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ cần cha mẹ đồng ý. "Nhưng một số người giám hộ đang lạm dụng luật này, phóng chiếu lý tưởng làm đẹp của họ lên con cái", bác sĩ Aso nói. Đó là lý do ông cân nhắc hơn khi khách hàng vị thành niên đến phòng khám của mình. Ông thường nói chuyện riêng với khách đó xem họ có thực sự muốn phẫu thuật hay không.
Tomohiro Suzuki, giáo sư tâm lý học trẻ em và hình ảnh cơ thể tại đại học Tokyo Future, nhận ra rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể có những tác động tích cực đến tâm lý con người, chẳng hạn như cải thiện lòng tự trọng.
Nhưng nếu những thủ thuật được thực hiện trên trẻ vị thành niên, những người vẫn đang phát triển về tâm lý và thể chất, họ có thể hối hận về sau. "Thường thì họ không biết 'diện mạo' lý tưởng của mình là gì vì họ vẫn đang phát triển. Một số người đã trải qua nhiều lần dao kéo để đạt được hình ảnh bản thân hoàn hảo. Sau đó, họ đi vào một chu kỳ không thể ngừng phẫu thuật thẩm mỹ," Sukuzi.
Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ gần đây thường gắn liền với sự nổi lên của mạng xã hội. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ứng dụng mạng xã hội như Instagram hoặc Facebook giúp mọi người nhận thức rõ hơn về cách họ nhìn nhận bản thân và những người khác.
Các mạng xã hội này cũng có các bộ lọc (hiệu ứng hình ảnh) mang lại cho mọi người vẻ ngoài hoàn hảo, chẳng hạn như với gò má cao hơn hoặc đôi môi đầy đặn hơn, có thể rất khác khi nhìn vào gương.
Một số bác sĩ phẫu thuật Nhật Bản như Aso cho rằng sự phổ biến của phẫu thuật mắt hai mí ở nước này do ảnh hưởng của lý tưởng làm đẹp phương Tây, chủ yếu là người da trắng. Những người da trắng lai Nhật thường được ưu tiên xuất hiện trong ngành công nghiệp thời trang và truyền thông Nhật Bản để thể hiện một vẻ ngoài lý tưởng. "Đó là một khuôn mặt trông hơi lạ, với một vài đặc điểm khác thường", Aso nói.
Nhưng Laura Miller, giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản và nhân chủng học tại đại học Missouri ở St. Louis, nói hoàn toàn sai lầm khi cho rằng người Nhật chọn phẫu thuật cắt mắt hai mí để "trông trắng hơn".
Trong nghiên cứu về chủ đề này, Miller chưa bao giờ gặp ai chọn một người không phải là người Nhật làm thần tượng. "Nhiều phụ nữ tin rằng phẫu thuật sẽ giúp họ có được vẻ ngoài dễ thương hơn giống với những người mẫu và nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản. Trong khi diễn viên và ca sĩ tạo hình mẫu lý tưởng về vẻ đẹp cho một thế hệ, mạng xã hội sinh ra KOL (người có ảnh hưởng) với nhiều quyền lực không kém.
Đó là lý do Nonoka Sakurai, tên thật là Rie, được biết đến như một KOL về phẫu thuật thẩm mỹ. Cô muốn phẫu thuật từ khi lên 8 tuổi vì bị bạn bè bắt nạt suốt thời đi học do "lỗ mũi to như khỉ đột". 18 tuổi, cô đã đi sửa mũi. Sau 10 năm và chi 25 triệu yên (hơn 4,4 tỷ đồng), Nonoka cảm thấy tự tin hơn nhiều về ngoại hình. "Nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, tôi có thể tự hào ngẩng cao đầu", cô nói.
Rucchi, người mẹ thúc giục con đi cắt mí không mong trở thành người xinh đẹp nhất. Nhưng lớn lên với một người em và mẹ có mí mắt đẹp, Rucchi luôn thấy bị đối xử khác biệt. Chị nhớ em gái luôn được hàng xóm khen ngợi và cho bánh kẹo, nhưng chẳng cho chị.
Khi bước sang tuổi 18, chị Rucchi đi phẫu thuật thẩm mỹ. Giờ đây, là một người mẹ, chị muốn con gái lớn lên mà không thấy bất an, ngay cả khi điều đó có nghĩa phải ép con phẫu thuật thẩm mỹ.
"Tôi chưa thấy cô gái nào mắt một mí đẹp cả", chị nói. Chị không ép con trai phẫu thuật dù chúng cũng có đôi mắt như vậy vì tin xã hội dễ chấp nhận các chàng trai xấu xí, chỉ cần thành đạt và thông minh.
Khi Micchi tròn 18 tuổi, mẹ muốn bé đi làm mũi và có thể nâng ngực. "Tôi chưa biết ngực con lớn mức nào. Nếu con sợ nhỏ, tôi sẽ bắt con phẫu thuật", chị nói.
Nhật Minh (Theo VICE Asia)