Nhưng điều khiến người phụ nữ 53 tuổi ở bang Ohio bất ngờ nhất là con gái biết rõ bà đang ở đâu, làm gì dù không chia sẻ.
Bà Howard bị các con giám sát hai năm qua nhưng không biết. Kể từ lần bà một mình du lịch đến vùng Caribe, họ đã kích hoạt chế độ Find My (định vị) trên điện thoại của mẹ.
"Tôi không biết nên vui hay buồn khi bị các con giám sát mọi hoạt động", bà Howard nói.
Đây là sự đảo ngược vai trò. Trước đây bà là người giám sát mọi hoạt động của các con, từ nhà đến trường. Chúng về nhà trễ 15 phút bà đã tức giận và có những hình phạt răn đe.
Khi về già, bà bị các con quản thúc. Người phụ nữ 53 tuổi đã đăng lên TikTok chia sẻ về cảm nhận của chính mình: Thông điệp này là dành cho những đứa con trưởng thành ngoài kia, hãy ngừng theo dõi cha mẹ của bạn.
Video đã thu hút hàng triệu lượt xem cùng nhiều bình luận từ những người trưởng thành thừa nhận đang theo dõi vị trí của cha mẹ.
Ngày nay, không chỉ phụ huynh đang cài đặt ứng dụng theo dõi vị trí các con, những đứa con trường thành thuộc Gen Y và Gen Z (sinh năm 1986 đến 2012) cũng giám sát ngược cha mẹ.
Cuộc thăm dò của The Harris Poll và The New York Times cho thấy cứ 6 người được hỏi , có một người cho biết đã âm thầm bật tính năng chia sẻ vị trí trên điện thoại của cha mẹ hoặc con cái. 37% trong số đó nói giám sát vị trí của người thân khiến họ an tâm hơn.
Năm 2023, Life360 - một ứng dụng theo dõi trên điện thoại - báo cáo có 50 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Số lượt tải xuống tại Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 2021 khi ứng dụng này trở nên phổ biến với Gen Z.
Với một số gia đình, việc theo dõi các thành viên qua ứng dụng như Find My (trên điện thoại iPhone) hay Life360 của Apple trở thành "chuyện bình thường". Họ coi đó là cách thú vị để giữ liên lạc và đảm bảo an toàn cho người thân lớn tuổi.
Ngày bé, Kacy Shafer ở bang West Virginia bị bố mẹ giám sát mọi hoạt động. Cô chỉ được đi chơi nếu có sự đồng ý của phụ huynh. Gia đình cũng đặt ra giới hạn về số giờ được sử dụng điện thoại và những người được phép liên hệ.
Đến khi trưởng thành, Shafer đang theo dõi người mẹ 61 tuổi qua điện thoại. Cô cho rằng việc kiểm tra mẹ đang ở đâu ít nhất ngày một lần mang lại sự an tâm.
Điểm tích cực của thực tế này là cha mẹ và con cái trưởng thành giữ liên lạc chặt chẽ hơn các thế hệ trước.
Một nghiên cứu của Pew Research công bố tháng 1/2024 cho thấy hơn 70% người được hỏi nói chuyện với các con trong độ tuổi 18-34 ít nhất vài lần một tuần qua điện thoại. Đây là sự thay đổi lớn so với trước đây khi cha mẹ và con cái chỉ gọi điện thoại hàng tuần hoặc hàng tháng để kiểm tra tình hình của nhau. Đối với nhiều người, chia sẻ vị trí không chỉ là giám sát mà là cách để duy trì kết nối.
Khi bà Howard vượt qua cú sốc ban đầu vì bị theo dõi mà không thông báo trước, bà đã hiểu được sự hấp dẫn của công nghệ này và bắt đầu theo dõi vị trí của các con.
"Con gái tôi mới ra khỏi thị trấn cách đây vài tuần, tôi nhìn thấy ảnh định vị của nó đi trên đường", người phụ 65 tuổi nói. Bà cũng cho biết việc theo dõi lẫn nhau để chắc chắn các con không gặp nguy hiểm. Mối quan hệ của họ nhờ đó mà khăng khít hơn.
Minh Phương (Theo Insider)