Trong hai ngày thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, nhiều đại biểu bày tỏ sự trăn trở với công tác lập pháp.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho biết, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Nhiệm kỳ tới, ông mong Chính phủ quan tâm xây dựng hai dự án Luật, trong đó có Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở.
"Chúng ta phải xử lý được câu chuyện dân đến khiếu nại, tố cáo mà thực tế có nguyên nhân do thực hiện chưa tốt dân chủ ở cơ sở", ông Bắc Việt nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay, hiện việc xây dựng, soạn thảo các đạo luật Quốc hội đang giao cho Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, chất lượng các đạo luật, không để nhiều dự thảo luật khi trình còn thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội, hoặc vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi, "cần phải có một cách làm khác, một quy trình minh bạch hơn".
Theo đó, các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới, so sánh với luật cũ; đánh giá tác động rõ ràng, tường minh; tránh lợi ích nhóm, tránh tư duy địa phương, cục bộ. Lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm, nếu không giữ được lộ trình đó cần phải giải trình tường minh trước Quốc hội.
"Luật về Hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng tôi không chắc đến Quốc hội khóa sau đạo luật này có được đưa ra thảo luận lần hai hay không? Hay Luật Khám bệnh gần đây có trong chương trình nghị sự nhưng lại bị đưa ra vào phút chót", ông Hiếu nói, bày tỏ mong muốn ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, những luật này sẽ có trong danh sách được đưa vào sửa đổi đầu tiên.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Dương Trung Quốc. Ông nói, ngay khi Quốc hội khóa đầu tiên triệu tập, thời gian chỉ cho phép thông qua được Hiến pháp và Bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó chiến tranh bùng nổ. Khi đó, đất nước đã có sắc lệnh, những văn bản dưới Hiến pháp liên quan đến quyền con người, theo cách nói bây giờ là liên quan quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội...
Theo nhà sử học, Hiến pháp 2013 đã cố gắng đưa ra mục tiêu nhanh chóng thực hiện những quyền ấy bằng việc xây dựng luật pháp, nhưng mới chỉ có vấn đề trưng cầu dân ý được thông qua và chưa bao giờ áp dụng. Trong khi đó, rất nhiều luật khác rất quan trọng, "đang là đòi hỏi của đời sống ngày thì vẫn bị vẫn né tránh".
"Tôi nói chữ 'né tránh' bởi vì mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề thì đều được trả lời đơn giản là 'Chính phủ chưa hoàn thành, chưa làm xong'. Chúng ta vừa phải thấy mặt khó khăn, những nhạy cảm của những luật đó, nhưng không vì thế mà không làm", ông Quốc nói.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa mới đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng các sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản ở nhiều nơi không chỉ ở mức "buông lỏng" mà cần nhìn nhận thẳng thắn là "nghiêm trọng" và có hệ thống. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng, tìm giải pháp chấn chỉnh.
Bà Thúy nhận định, những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện dai dẳng trong lĩnh vực này. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi Luật, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo.
Dẫn ý kiến cử tri, đại biểu Kim Thúy phản ánh thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch; các nước công khai bản đồ địa chính từ lâu, dân đến nộp ít lệ phí là xem được, còn "chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, dẫn đến đủ loại rủi ro, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân".
Bà Thúy lấy ví dụ, vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma" cho hàng nghìn khách hàng, nếu người dân được cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai và tính pháp lý của từng khu vực thật tốt thì có thể đã không xảy ra vụ án như vậy. "Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này", bà Kim Thúy nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ nỗ lực trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vì Luật này "đang có nhiều vấn đề chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất".
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới dự kiến khai mạc vào tháng 7 tới.