Hồ Tràm - dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng được kênh truyền hình CNNGo (Mỹ) bình chọn là một trong những bãi biển hoang sơ đẹp nhất thế giới. Cách TP HCM khoảng 120 km và thành phố Vũng Tàu khoảng 30 km, Hồ Tràm là điểm đến yêu thích của cả du khách trong nước và quốc tế.
Được hưởng lợi từ những dự án hạ tầng xung quanh, trong tương lai, việc di chuyển đến Hồ Tràm thuận tiện ở cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy và có thể cả đường sắt.
Đường hàng không
Sân bay quốc tế Long Thành khởi công hôm 5/1 là dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất nước từ trước đến nay với tổng đầu tư hơn 4,6 tỷ đô la Mỹ (hơn 109.000 tỷ đồng). Dự kiến đến năm 2025, sân bay có thể khai thác giai đoạn đầu với lượng khách 25 triệu người mỗi năm. Đến năm 2040, việc xây dựng hoàn thành, dự kiến đón khoảng 100 triệu khách mỗi năm.
Sau khi hoàn thiện, sân bay Long Thành khai thác chủ yếu các đường bay quốc tế, lượng khách quốc tế bao gồm cả khách quá cảnh chiếm khoảng 80%. 20% còn lại là khách quốc nội. Nếu các chuyến bay nội địa và quốc tế ở TP HCM chuyển hết về Long Thành, sẽ là lợi thế lớn cho Long Hải - Hồ Tràm. Cách Long Thành khoảng 50 phút di chuyển, Hồ Tràm là địa điểm du lịch gần với sân bay quốc tế này nhất.
Để phục vụ nhu cầu của địa phương, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đang có kế hoạch xây dựng một xây bay lưỡng dụng ngay tại huyện Đất Đỏ, giáp ranh với Xuyên Mộc. Sân bay này có vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, quy mô cảng hàng không cấp 4C với một đường băng dài khoảng 2.500 m, rộng 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay hoàn chỉnh (đón được các loại máy bay Airbus A320, Airbus A321, Boing 373), nhà ga hành khách, đài kiểm soát và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật. Khi đi vào hoạt động, sân bay này sẽ giúp khách du lịch từ các sân bay nội địa trong nước tới Hồ Tràm một cách dễ dàng.
Đường bộ
Đầu tiên phải kể đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là trục kết nối chính các dự án cao tốc Bắc Nam, là tuyến kết nối giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Khởi công từ 2009, cao tốc này thông xe toàn bộ quãng đường 55,7 km từ năm 2015, tạo điều kiện cho hành khách di chuyển từ TP HCM đến Bà Rịa Vũng Tàu, rút ngắn thời gian từ thành phố lớn nhất phía Nam tới Hồ Tràm chỉ 2 giờ chạy xe. Dự án đang nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến thị trấn Long Thành (tỉnh Đồng Nai) từ 4 làn xe lên 8 - 10 làn xe.
Bên cạnh đó, cao tốc sẽ được nối dài bằng việc triển khai thêm đoạn từ Giầu Dây lên Phan Thiết dài 99 km, vừa khởi công. Sau khi đoạn cao tốc mới này thông xe, Hồ Tràm cũng có cơ hội đón thêm một lượng khách du lịch từ Phan Thiết.
Một dự án trọng điểm là cao tốc Bến Lức - Long Thành. Khởi công từ tháng 7/2014, cao tốc dự kiến thông xe trong năm 2021, với quãng đường khoảng 57 km, kết nối Đông Nam Bộ với ĐBSCL không cần qua trung tâm TP HCM. Với cao tốc này, Hồ Tràm sẽ dễ dàng tiếp cận lượng khách tới từ miền Tây.
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ được khởi công vào quý 1/2023 góp phần giải tỏa áp lực quốc lộ 51, kết nối Hồ Tràm với các tỉnh Đông Nam Bộ. Bốn làn xe, chiều dài khoảng 53 km, cao tốc dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Bên cạnh những tuyến đường cao tốc giúp kết nối Hồ Tràm với tất cả các hướng, địa phương đang có chủ trương phát triển tuyến đường ven biển, tạo điều kiện đi lại thuận tiện giữa Vũng Tàu và Xuyên Mộc. Tuyến đường này đã hiện hữu, tương lai sẽ được mở rộng từ 12 mét thành 42 mét.
Ngoài ra, kế hoạch nâng cấp quốc lộ 55, nối Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Thuận - Lâm Đồng với tổng chiều dài hơn 220 km, trong đó có đoạn đi qua Xuyên Mộc, cũng giúp Hồ Tràm hưởng lợi.
Đường sắt
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối ba địa phương Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu thuộc chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu được nghiên cứu từ 7/2017. Dự án có chiều dài hơn 120 km, chiều rộng 1.435 mm, vận tốc thiết kế 160 km/h. Nếu được thực hiện, dự án giúp hành khách từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương thêm lựa chọn phương tiện giao thông đến Hồ Tràm.
Đường biển
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu khai thác từ tháng 1/2021 góp phần giảm thời gian đi từ Cần Giờ (TP HCM) tới Vũng Tàu còn 30 phút, kéo theo là thời gian từ Cần Giờ đến Hồ Tràm cũng được rút ngắn lại. Phà có 24 chuyến mỗi ngày, công suất mỗi chuyến 350 người, 20 ôtô, 100 xe máy cùng hàng hóa. Cũng nhờ phà biển, thời gian từ một số tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu chỉ 150 phút.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khoa học đã và đang đề xuất các dự án cầu vượt biển hay đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu, dài khoảng 20 km. Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, những dự án này trở thành hiện thực chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thúc đẩy các mô hình nghỉ dưỡng mới tại Hồ Tràm
Đón đầu triển vọng phát triển của các dự án giao thông, tiềm năng du lịch, hàng loạt công ty bất động sản chọn Hồ Tràm làm nơi phát triển dự án. Các mô hình nghỉ dưỡng mới tại Hồ Tràm đang dần hình thành để đón đầu triển vọng phát triển du lịch của vùng đất này. Những cái tên nổi bật như NovaWorld Ho Tram, Lagoona Bình Châu, The Hamptons Hồ Tràm hay Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa... được kỳ vọng tạo nên nhiều mô hình du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp giải trí đáp ứng phân khúc cao cấp, thu hút và giữ chân du khách.
Trong số các dự án, NovaWorld Ho Tram với quy mô 1.000 ha được định hướng phát triển thành tổ hợp tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí mang tầm vóc đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Bắt đầu triển khai từ năm 2019, đến nay, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải NovaWorld Ho Tram đã giới thiệu ra thị trường 3 phân kỳ của dự án: The Tropicana, Wonderland và mới đây nhất là Habana Island. Nhiều hạng mục của NovaWorld Ho Tram đã và đang trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các giai đoạn kế tiếp của dự án NovaWorld Ho Tram, đầu tư và phát triển thành một điểm đến cao cấp, sôi động, hấp dẫn, cùng đầy đủ tiện ích như: safari, công viên nước, công viên giải trí, chuỗi khách sạn 4 - 5 sao, chuỗi nhà hàng ẩm thực, các sự kiện lễ hội, thời trang... đáp ứng trọn vẹn nhu cầu du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí của nhiều nhóm khách hàng; góp phần đưa Hồ Tràm trở thành "thủ phủ du lịch" phía Nam", đại diện Novaland chia sẻ.
Cùng với tiềm năng phát triển du lịch và hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng vững mạnh thông qua những dự án quy mô đã và sắp triển khai, Hồ Tràm đang hội tụ triển vọng bứt phá về nhiều mặt trong tương lai không xa.
Hoàng Anh