Đó là kỳ nghỉ hè thứ hai của khóa học hai năm thạc sỹ ở Australia, tháng 12/2014. Để giảm áp lực cho kỳ học sau đó, trường cho phép sinh viên được chọn một môn học hè. Vào năm học, họ chỉ cần học nốt ba môn rồi tốt nghiệp.
Tôi đã có thể dạo chơi thoải mái cùng gia đình và bạn bè suốt ba tháng nếu không bị cuốn hút bởi mấy dòng giới thiệu về môn học đăng trên hệ thống giảng dạy trực tuyến của trường: Tham nhũng và phân quyền. Hai thuật ngữ quá hấp dẫn với một người làm báo. Tôi nhấp chuột vào "đăng ký".
Những ai từng học ở nước ngoài đều biết hệ thống dữ liệu học thuật trực tuyến của các đại học giá trị lớn thế nào. Khi đã dành cả mùa hè để thỏa mãn trí tò mò, tôi sục vào kho dữ liệu hơn mười lăm ngàn bài viết. Đặc biệt là về mối liên hệ giữa sự co giãn quyền lực của nhà nước trung ương qua các thời kỳ với các đại án tham nhũng. Trong đó, nhiều ví dụ từ Trung Quốc và Việt Nam được chọn ra làm đối tượng nghiên cứu.
Rồi tôi tìm được đúng thứ mình cần. Một bài viết của giáo sư Martin Gainsborough ở Khoa Nghiên cứu chính trị và quốc tế, đại học Warwick, Vương quốc Anh. Bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Á châu đương đại số 1 năm 2003. Nó lấy cơ sở nghiên cứu là các đại án tham nhũng xảy ra trong những năm 90, điển hình là vụ Tamexco ở TP HCM để phân tích về tác động của phân quyền đến tham nhũng. Năm 1997, nhiều người còn nhớ, vụ án Tamexco với số tiền tham nhũng hành chục tỷ đồng đã gây chấn động dư luận. Trong nghiên cứu đó, việc chính quyền trung ương thông qua xử lý mạnh tay các đại án để tăng cường tái tập trung quyền lực được tác giả nêu ra, gọi là re-centralisation.
Phân quyền, hiểu một cách đơn giản là giao quyền tự quyết cho những người thừa hành chính sách, các cán bộ cấp cơ sở. Họ là người trực tiếp thực hiện, hiểu thực tiễn và có thể phát huy sức sáng tạo của mình.
Tập quyền có thể hiểu là việc người lãnh đạo cao nhất của một tổ chức, thể chế kiểm soát tối đa quyền lực có thể. Việc này ngăn chặn sự tùy tiện của cấp dưới (mà biểu hiện cao nhất là tham nhũng).
Còn tái tập quyền là khi phân quyền không hiệu quả, chính quyền trung ương đòi lại các quyền đã từng giao. Ví dụ, một công ty con làm ăn không hiệu quả, bị sáp nhập với công ty mẹ làm một phòng ban, gọi là tái tập quyền.
Bẵng đi hơn hai thập kỷ kể từ thời điểm xảy ra những vụ án mà giáo sư Martin chọn làm đối tượng nghiên cứu, nhiều chuyện đang diễn ra. Lần này những đại án không chỉ dừng lại ở đầu tàu kinh tế TP HCM mà trên phạm vi cả nước. Nếu đặt mình vào vị trí của giáo sư Martin, tôi sẽ tự hỏi, phải chăng hệ quả của việc phân quyền, hay nói chính xác hơn bằng thuật ngữ của các nhà lý luận Việt Nam là buông lỏng quản lý, đã dẫn tới nạn tham nhũng, lạm quyền tại nhiều các bộ, ngành, địa phương. Hay, mục tiêu của việc xử lý liên tiếp những vụ án tham nhũng vừa qua là để chính quyền trung ương củng cố lại quyền lực sau thời gian dài lơi lỏng?
Có hai sự kiện khiến trí não của tôi lục lại ngăn du học để tìm đến những kiến giải của giáo sư Martin, đó là khao khát được nói tới ở rất nhiều diễn đàn: đổi mới thể chế. Và ở kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 89,23% đại biểu tán thành trong phiên họp diễn ra bốn ngày trước khi bế mạc.
Đổi mới thể chế không có gì quan trọng hơn là thay đổi cơ cấu quyền lực giữa trung ương và địa phương. Có nghĩa là việc tổ chức hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương ra sao chính là nội dung cơ bản nhất. Nó trả lời cho câu hỏi mà giáo sư Martin đã gieo vào tôi 5 năm trước: Việt Nam sẽ đẩy mạnh phân quyền để tìm kiếm sự năng động, dù đối diện với nguy cơ tham nhũng, hay sẽ tập trung quyền lực ở trung ương?
Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, ngay từ dự thảo năm 2015 và tại dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ ở kỳ họp này, cơ quan soạn thảo vẫn kiên trì với việc tăng thêm nhiều thẩm quyền cho người đứng đầu Chính phủ. Thì trái lại, ở Luật Sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, cái được các dân biểu bàn nhiều nhất chỉ là việc tăng thêm một vị trí phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
Cả nước đang trong bầu không khí sục sôi chống tham nhũng. Các tiêu chuẩn về đạo đức lối sống được đưa lên hàng đầu đối với phẩm chất và năng lực của một nhà lãnh đạo. Tất cả họ có lẽ đều đang nhìn trước ngó sau, theo dõi sát sao nhất cử nhất động của chính bản thân mình để không mắc lỗi.
Nhưng cơ chế phân quyền có mặt lợi của nó. Trong một không gian tập quyền và trọng đức trị như vậy, thật khó để tìm ra những tư duy đột phá, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm được coi là đặc thù của cơ chế phân quyền. Liệu còn ai đặt câu hỏi: đâu rồi những người đứng đầu ở các địa phương, người chủ động đột phá để tạo ra những biến pháp như khoán 100, khoán 10 của "thời xa vắng"?
Khi nào chúng ta mới có một cơ chế cho phép tin tưởng và yên tâm với quyền lực của những ông chủ tịch, ông tổng giám đốc, yên tâm với sự phân quyền? Đó là câu hỏi mà chính phủ cần trả lời trong lâu dài.
Lại Trọng Tình