Khỉ
Hành vi ăn thịt đồng loại ở khỉ thường gắn liền với việc giết con non. Ví dụ, năm 2019, các nhà nghiên cứu quan sát một nhóm khỉ mũ mặt trắng Panama (Cebus imitator) giết con non mới chào đời ở vườn quốc gia Santa Rosa tại Costa Rica sau khi con khỉ 10 ngày tuổi ngã khỏi cây. Nhóm nghiên cứu quan sát hành vi nghi ngờ một con đực trưởng thành đẩy hoặc tấn công con non, gây ra cái chết của nó. Con đực trưởng thành thuộc nhiều loài khỉ khác nhau sẽ giết con non không có quan hệ huyết thống để buộc con cái sinh con cho nó.
Gấu Bắc Cực
Phần lớn trường hợp gấu Bắc Cực (Ursus maritimus) ăn thịt đồng loại là con đực giết chết con non, cá thể sắp trưởng thành và đôi khi là con cái trưởng thành. Tuy nhiên, cả gấu Bắc Cực đực và cái sẽ ăn xác đồng loại bị con người giết chết và lột da, theo nghiên cứu công bố năm 2011 trên tạp chí Arctic. Năm 2020, giới nghiên cứu ghi nhận hành vi ăn thịt đồng loại tăng lên ở quần thể gấu Bắc Cực phía bắc nước Nga có thể do thiếu thức ăn, băng tan do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người khiến chúng ở xa nơi săn bắt thông thường.
Cá sấu mõm ngắn
Cá sấu mõm ngắn ăn thịt nhiều con mồi, bao gồm những con cá sấu khác. Tammy Shaw, cư dân ở Port Charlotte, từng chứng kiến một con cá sấu mõm ngắn lớn ăn đồng loại nhỏ hơn ở công viên Silver Springs tại bang Florida năm 2022. Adam Rosenblatt, trợ lý giáo sư sinh vật học ở Đại học Bắc Florida, người chuyên nghiên cứu cá sấu mõm ngắn Mỹ (Alligator mississippiensis), cho biết hành vi này đã diễn ra hàng triệu năm. Cá sấu mõm ngắn nuốt chửng động vật nhỏ hơn và dùng hàm quăng quật con mồi lớn hơn để chia thành nhiều miếng vừa miệng hơn, gọi là "vòng xoay tử thần".
Báo đốm
Một nghiên cứu công bố năm 2010 trên tạp chí The Southwestern Naturalist ghi nhận trường hợp ăn thịt đồng loại đầu tiên ở báo đốm trưởng thành hoang dã (Panthera onca). Hai con báo đốm đực dường như đã giết và ăn thịt một phần báo cái. Nhóm nghiên cứu cho rằng với con mồi dồi dào trong vùng, cuộc đụng độ bạo lực nhiều khả năng bắt nguồn từ căng thẳng khi những con báo đốm không thân thuộc gặp nhau trong rừng. Báo đốm cũng có thể giết và ăn thịt con non, dù rất hiếm gặp.
Cá mập hổ cát
Cá mập hổ cát (Carcharias taurus) ăn thịt lẫn nhau trước cả khi chúng rời dạ con. Từ lâu các nhà nghiên cứu ghi nhận cá mập hổ cát non tấn công và ăn thịt anh em trong dạ con khi phát triển. Hành vi ăn thịt đồng loại này có nghĩa chỉ con non lớn và khỏe nhất có cơ hội sống sót. Cá mập cái trưởng thành có thể ghép đôi với nhiều con đực, và hành vi ăn thịt đồng loại có thể diễn ra giữa phôi thai của những con cá bố khác nhau. Giới nghiên cứu từng phát hiện 5 - 7 phôi thai thuộc nhiều con bố trong dạ con của cá mập cái ở đầu thời kỳ mang thai.
Có thể phôi thai từ con đực đầu tiên ghép đôi với cá mập cái có nhiều thời gian phát triển hơn trong khi con non của những cá thể đực sau đó nhỏ hơn, trở thành thức ăn cho anh chị chúng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn. Cá mập trưởng thành cũng ăn các đồng loại nhỏ hơn.
Hổ
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu hành vi ăn thịt đồng loại ở hổ (Panthera tigris), nhưng có bằng chứng cá thể trưởng thành đôi khi ăn thịt con non và con trưởng thành khác. Ví dụ, một con hổ giết và ăn thịt hổ cái trưởng thành cùng hai con non sắp lớn ở vườn quốc gia Kanha tại Ấn Độ năm 2019. Trong điều kiện có sẵn con mồi, hành vi trên gây bất ngờ cho các nhà chức trách và chuyên gia bảo tồn, theo Times of India.
An Khang (Theo Live Science)