Từng mái nhà cổ trầm lặng lim dim, những cô bé, cậu bé ngoan hiền đang mơ màng thiêm thiếp… Khu vườn cũng tĩnh lặng tuyệt đối, nghe rõ từng tiếng lá nhẹ rơi… Đêm hí hửng trườn từ khu vườn xuống dòng sông, luênh loang trên mặt nước dát vàng ánh trăng. Nhưng kỳ lạ thay, sóng chẳng bao giờ im lìm, đắm chìm trong những giấc mơ, mà cả khi mỏi mệt cũng luôn lăn tăn trở mình thao thức… Sóng đang hát thầm bài ca - về những dòng sông không bao giờ ngủ, thức cùng thời gian, cùng vũ trụ tự thuở hồng hoa…
Dẫu rằng bạn và tôi chưa đi hết được mọi miền của Tổ quốc mình, nhưng cũng có thể biết được rằng, đất nước mình là đất nước của những dòng sông… Chưa ở đâu lại có nhiều sông nước, mà mỗi dòng sông đều có một vẻ đẹp riêng, một huyền thoại riêng, thậm chí là gắn liền với những chiến công lẫy lừng, với vận mệnh đất nước, với từng thời khắc thăng trầm, vui buồn của dân tộc như trên dải đất cong cong hình chữ S thân yêu này. Ví như sông Hồng, sông Mã, sông Bạch Đằng, Hiền Lương, Thạch Hãn, Ngàn Phố, Cửu Long… Những dòng sông ấy chảy tràn qua tháng qua năm, đi vào thi ca nhạc hoạ và cứ mãi thao thức, cứ mãi hát lên những điều thiêng liêng thầm kín, nối tiếp nhau truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một bản trường ca nối dài bất tận của thời gian…
Tôi và bạn đã có những chiều đi thuyền trên sông Hương, nghe sóng vỗ mạn thuyền dìu dặt và có sức mê đắm đến nao lòng - như tiếng “dạ” ngọt đến lịm người mà một thời trên giảng đường ông thầy dạy môn Văn hóa Việt Nam vẫn thường ngợi ca, nghe một lần đủ để yêu để nhớ, ám ảnh và khao khát một đời…. Sông Hương buồn, sông Hương vui, khi như một đứa trẻ hồn nhiên nở nụ cười không âu lo mỏi mệt lấp lánh dưới ánh bình minh; khi lại như một cô gái đằm thắm trinh nguyên kể cho bạn và tôi những câu chuyện tình trong một đêm trăng cổ tích, cùng điệu Nam ai Nam bình xôn xao trên sóng nước thêu vần dệt điệu gửi ra Bắc, gửi vào Nam, để hai đầu đất nước yêu thương hiểu được những ân tình của người xứ Huế…
Rồi trên dòng sông Hoài Phố của xứ Quảng yêu thương, những chiếc đèn lồng trong một đêm hoa đăng nở hồng mặt nước đã xui con sóng gọi về từ trong tiềm thức những lớp trầm tích của văn hóa nơi đây. Ẩn sâu trong từng thớ gỗ của những mái nhà cổ trạm trổ ngàn nét hoa văn, trong những chiếc đèn lồng thắp lửa yêu thương, ấm lại con tim, đập từng nhịp bình yên giữa cái tình người xứ Quảng hồn nhiên, nồng hậu, chân chất… Và đã có không biết bao nhiêu “thi huynh”, “thi muội” trong các câu lạc bộ thơ phố Hội đã trải lòng, trải tình trên con thuyền nhỏ cùng những đêm trăng và đêm hội hoa đăng, để sông nước Hoài Phố mênh mông không biết tự bao giờ đã biết trở mình mang tình thi sĩ, thao thức ngày đêm vỗ vào không gian nồng nàn thi hứng, khơi nguồn cho những mùa văn…
Tôi nhớ sông Hồng những mùa nước lên tràn trên từng mái nhà xóm bãi, để rồi khi nước rút đi để lại những giọt nước mắt nghẹn lòng trên nỗi lo và sự tất bật của những kiếp người ven sông giữa mênh mông cánh đồng thổn thức… Đám trẻ con thì chẳng khi nào hiểu được nỗi đau trong từng ánh mắt bỏng rát nhìn ra sông, chẳng cần biết đến nỗi lo no đói, vẫn cứ mải mê và hồn nhiên ghép những thân chuối bị đánh đổ lại thành bè mà vùng vẫy, ngụp lặn ven bờ…
Rồi những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, có đứa gắn chặt đời mình với đồng đất quê hương, có đứa sẽ quay lưng khước từ, bỏ lại ruộng đồng, bỏ lại dòng sông sau lưng để dấn thân và khẳng định mình nơi những vùng đất mới… Sóng cứ chảy trôi trên những nhịp thời gian, âm vang muôn vàn cung bậc, thao thức, lắng nghe và hát lên bao chuyện vui buồn của làng của xóm sau luỹ tre xanh; chuyện của những người bỏ quê hương, đồng ruộng để hướng mình về phía đô thị phồn hoa…
Và còn có những dòng sông bình dị hơn, nhỏ bé hơn nhưng đã thao thức, đã ru êm suốt mùa thơ ấu bình yên trong bạn trong tôi như con sông làng quanh co không tên thuở nhỏ… Nhà bạn và mình ở hai bên bờ sông, mỗi chiều vẫn í ới gọi với sang nhau hẹn giờ hôm sau chờ nhau đi học… Rồi có lần mình bị người lớn mắng oan, đã bơi ngang dòng sông sang nhà bạn ở tịt lại đó dăm hôm không về, khiến cả nhà lo sốt vó, nửa đêm thắp đuốc gọi tìm náo động cả một mùa sông…
Tôi thích những vạt hoa cải vàng nở dọc triền sông trong một chiều đông hiu hắt, và thường rủ bạn ngắt hoa thả chúng tràn lan, luênh loang trên sóng, vàng rực như nắng mà sưởi ấm cho một mùa sông lạnh hanh hao… Bạn thích kể với dòng sông những câu chuyện tình lãng mạn trong mỗi cuốn sách bạn đọc được trong cái thư viện dột nát trường làng; kể cho tôi nghe về ánh mắt của cô bé nhà bên mỗi lần chạm mặt lại khiến bạn bâng khuâng đến lạ - để rồi hai đứa giật mình nhận ra chẳng còn là những đứa trẻ ngô nghê, khờ dại ngày nào…Dòng sông nhỏ cũng theo bạn và tôi lớn lên, tiếp tục thao thức và lắng nghe những câu chuyện từ quãng đời tuổi trẻ bề bộn những buồn vui của bạn và tôi, bỏ những câu chuyện trẻ dại mùa xưa trôi về một miền xanh thẳm xa lắc xa lơ…
Có lẽ chẳng phải vô cớ khi mà cả bạn và mình đều yêu thích giai điệu da diết từ một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với tên gọi Khúc hát sông quê – nghe để sống lại những khoảng khắc êm ấm một thời của bức tranh “cùng một bến sông con trâu đằm bến dưới, bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn” như trong lời hát ấy; để hoài niệm về những mùa sông đã đi qua, để biết có những mùa sông đã mất, những dòng sông đã ngừng chảy, bị san lấp đi bởi nhịp sống phố thị hóa tràn về biến làng thành nửa phố nửa quê …
Những dòng không tên thuở nhỏ cũng đã mất đi nhưng vẫn còn tồn tại và thao thức mãi trong trí nhớ, trong tiềm thức của bạn và tôi, của những người sinh ra từ đất quê và dù đi xa muôn nơi nhưng vẫn muốn tìm về mà nhắm mắt xuôi tay ở nơi chôn nhau cắt rốn…
Chiều nay, bất chợt rơi ra từ một quyển sách cũ những dòng chữ đã nhòe nhoẹt lem nhem bạc thếch thời gian – nhưng cũng đủ để cho tôi nhận ra đó là những dòng chữ trong cuốn lưu bút mà cô giáo chủ nhiệm dạy văn thời THPT đã viết cho tôi (sau khi đọc một bài văn ngắn mang tên Nỗi nhớ dòng sông của tôi trên một tờ báo tuổi hoa) với nội dung như sau:
“Tuổi 18 thương yêu!
Bước qua cánh cửa 17, bỏ lại sau lưng những hồn nhiên của một thời nhiều mơ mộng, em đang bước những bước đầu tiên vào đời… Em bước vào đời mang theo hình ảnh bình dị của ngôi nhà, cánh đồng, dòng sông mà với em đã trở nên quá đỗi thân thuộc, yêu thương và gắn bó… Bàn chân em rồi đây sẽ đi, đi hết nước non này, theo những cuộc hành trình, những ước mơ và khát vọng trong tim em… và cũng để em có thể khẳng định lại một lần nữa rằng đất nước mình là đất nước của những dòng sông - những dòng sông không bao giờ ngủ…
Em hãy tìm trong hình ảnh của những dòng sông không bao giờ ngủ ấy sẽ thấy nắng, thấy gió, thấy những cuộc đời; và cũng đừng ngạc nhiên vì điều đó, bởi tự thủa ngàn xưa, sông luôn thức với lòng người…”
Thao thiết trôi…
Và sóng ngày đêm hát thầm trong tôi một bài ca cũ – bài ca về những dòng sông không bao giờ ngủ… Những dòng sông thức mãi đến chân trời.
Lương Đình Khoa