Sông Colorado
Sông Colorado đang khô cạn ở hai bờ và ngày càng thu nhỏ khi hạn hán lịch sử ở miền Tây nước Mỹ hầu như không có dấu hiệu dịu đi. Dòng sông tồn tại nhờ hai trong số những hồ chứa nước lớn nhất cả nước. Để bảo vệ lưu vực sông, chính phủ buộc phải tiến hành cắt giảm sử dụng nước và yêu cầu các bang đưa ra kế hoạch ứng phó.
Một hồ chứa nước là hồ Mead đang co lại do mực nước hạ thấp gần tới "mức hết", mức nước mà tại đó hồ chứa không đủ cao để xả nước xuống hạ nguồn qua con đập. Mực nước hồ có xu hướng giảm từ năm 2000, nhưng giảm mạnh sau năm 2020. Hậu quả từ khủng hoảng nước trên sông Colorado vô cùng to lớn. Khoảng 40 triệu người ở 7 bang và Mexico phụ thuộc vào nguồn nước sông này để làm nước uống, sản xuất nông nghiệp và điện.
Sông Dương Tử
Sông Dương Tử ở châu Á đang khô cạn ở hai bờ và lộ ra lòng sông ở một số khu vực. Các phụ lưu của sông Dương Tử đang khô nứt nặng nề. Trung Quốc ban bố cảnh báo hạn hán trên toàn quốc lần đầu tiên trong 9 năm. Đây là đợt nắng nóng dài nhất ở nước này trong 6 thập kỷ qua.
Tác động của sông Dương Tử khô hạn rất nghiêm trọng. Ở tỉnh Tứ Xuyên với 84 triệu dân, thủy điện chiếm khoảng 80% công suất điện. Phần nhiều trong số đó đến từ sông Dương Tử. Khi dòng sông chảy chậm lại, lượng điện sản xuất giảm đi, khiến chính quyền tỉnh Tứ Xuyên phải đóng cửa tất cả nhà máy trong 6 ngày. Tỉnh đang trải qua lượng mưa chỉ bằng một nửa so với thông thường. Một số hồ chứa nước khô cạn hoàn toàn.
Sông Rhine
Sông Rhine bắt nguồn từ dãy Alps ở Thụy Sĩ, chảy qua Đức và Hà Lan, sau đó đổ ra Biển Bắc. Đây là một kênh quan trọng đối với vận tải đường thủy ở châu Âu. Nhưng hiện nay, ở nhiều nơi, lòng sông lộ ra dưới mặt nước, có nghĩa tàu thuyền chạy qua gặp phải nhiều chướng ngại vật, làm chậm hành trình.
Sông Rhine có nhiều trạm đo mực nước khác nhau dọc theo dòng chảy, bao gồm trạm ở Kaub, phía tây Frankfurt, Đức. Tại đó, mực nước giảm xuống 32 cm. Đối với những công ty vận tải, mực nước dưới 30 cm trên sông Rhine quá thấp để tàu di chuyển. Ở Kaub, mực nước dưới 75 cm có nghĩa tàu container phải giảm khoảng 30%.
Sông Po
Sông Po cắt ngang qua miền bắc Italy và đổ ra biển Adriatic ở phía đông. Nguồn cung cấp nước cho dòng sông đến từ tuyết mùa đông trên dãy Alps và mưa lớn vào mùa xuân. Thông thường, dòng sông gắn liền với những trận lụt lớn. Tuy nhiên, sông Po hiện nay khác hẳn.
Mùa đông khô ráo ở miền bắc Italy dẫn tới ít nước tuyết. Mùa xuân và mùa hè cũng khô hạn, khiến toàn khu vực trải qua hạn hán nặng nề nhất trong 7 thập kỷ. Sông Po khô cạn đến mức một quả bom thời Thế chiến II được tìm thấy gần đây trên sông. Một vấn đề lớn là kế sinh nhai của hàng triệu người phụ thuộc vào sông Po, chủ yếu là nông nghiệp. Khoảng 30% lương thực của Italy được sản xuất dọc theo sông Po. Một số mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của nước này như phô mai Parmesan cũng được làm tại đây.
Sông Loire
Sông Loire ở Pháp giúp duy trì thung lũng vườn nho, chuyên sản xuất một số loại rượu nổi tiếng nhất thế giới. Dòng sông trải dài qua 965 km và được xem như sông tự nhiên cuối cùng của Pháp, hỗ trợ các hệ sinh thái đa dạng sinh học trong thung lũng. Mực nước ở nhiều khúc sông tương đối thấp. Một số đoạn khô cạn do thiếu mưa và nhiệt độ cao đến mức người dân có thể đi bộ qua.
Ảnh vệ tinh từ thị trấn Saumur của Pháp cho thấy lòng sông lộ ra ở Loire. Các khoảng đất quanh sông ở thung lũng chủ yếu có mùa nâu thay vì xanh tươi như cách đây một năm. Nhà chức trách đang xả nước từ các đập vào dòng sông nhằm đảm bảo có đủ nước làm mát nhà máy năng lượng nguyên tử nằm ven sông.
Sông Danube
Sông Danube là sông dài nhất ở Tây Âu và tuyến đường thủy quan trọng chảy qua 10 nước. Ở Romania, Serbia và Bulgaria, công nhân đang phải nạo vét sông để đảm bảo tàu thuyền có thể chạy qua. Một số tàu du lịch không chạy qua nhiều khúc sông để tới Hungary. Những tàu vẫn chạy không thể dừng ở tuyến đường thông thường do nhiều trạm phải đóng cửa vì mực nước ở bờ sông hạ thấp. Tàu nặng trung bình 1.600 tấn hiện nay chỉ có thể chạy qua khúc sông ở Hungary nếu không chở hàng, theo Ủy ban du lịch nước này.
An Khang (Theo CNN)