Không ít bà vợ than thở, đàn ông hiếm khi xắn tay nấu nướng nhưng lại có nhiều mong đợi vô lý trong chuyện bếp núc.
Thích vợ tự tay nấu nướng nhưng hay chê nàng ám mùi thức ăn
Trở về nhà sau 8 tiếng công sở, ông chồng nào cũng muốn trước mặt là bàn ăn đầy ắp món ngon, cô vợ xinh đẹp và tinh tươm đang ngồi chờ sẵn. Thế nhưng, phụ nữ đeo tạp dề vào bếp chẳng thể ăn vận điệu đà, xức nước hoa thơm phức như thuở hẹn hò.
Sau một ngày làm việc mệt nhoài, chị em phải bỏ thời gian đi chợ, nấu nướng, dọn rửa. Phụ nữ nào cũng muốn mình lộng lẫy, nhưng chuyện đầu bù tóc rối, quần áo ám mùi nấu nướng khó lòng tránh khỏi.
Thích vợ nấu cơm nhà nhưng lại chê nàng suốt ngày trong bếp
Để chuẩn bị bữa cơm ngon cho gia đình, chị em phải mất 30 phút đến vài tiếng để chọn lựa thực phẩm, làm sạch sơ chế, tẩm ướp gia vị, hầm nấu, kho xào các công đoạn phức tạp.
Các ông chồng thích ăn cơm nhà, mê món ăn vợ nấu, nhưng không hiểu rằng chuẩn bị cơm lành canh ngọt tốn nhiều thời gian hơn những clip dạy nấu ăn 30 giây trên mạng. Không ít ông chồng luôn cằn nhằn, cả ngày chẳng thấy mặt vợ, vì cô ấy luôn tất bật đứng bếp.
Muốn ăn ngon nhưng không bao giờ vào bếp
Nhiều ông chồng thú nhận, trước khi cưới, họ thường hứa hẹn san sẻ với vợ mọi việc trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, sau hôn nhân, phần lớn cánh mày râu muốn vợ hiểu bếp núc không dành cho phái mạnh.
Khảo sát mới đây được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện trên 600 gia đình tại Hà Nội và TP HCM cho thấy, 88% ông chồng cho rằng bếp núc là công việc của riêng phụ nữ. Quan niệm xưa cũ ấy sinh ra những mong đợi vô lý của chồng dành cho vợ trong chuyện bếp núc.
Câu chuyện ai vào bếp còn ảnh hướng đến ý thức hệ của con cái trong gia đình và cái nhìn của chúng về bố mẹ. Trong thí nghiệm xã hội dạng phim ngắn chia sẻ gần đây, trẻ thấy rằng bố không chia sẻ việc bếp núc với mẹ. Một bé gái kể:“Ba phải coi phim, rồi mẹ phải ủi đồ, xong rồi mẹ qua nấu ăn, xong rồi ba phải qua coi phim nữa, xong rồi ba đi tập thể dục rồi coi sách”.
Thí nghiệm xã hội: Bố và mẹ trong mắt bé
Trong suy nghĩ, các bé mong bố cùng chia sẻ việc bếp núc với mẹ, vì theo trẻ việc bấm nút nồi cơm điện hay máy xay sinh tố "dễ ẹt à" và gia đình sẽ "vui hơn nhiều". Khi bố mẹ cùng làm việc nhà, con trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương và chăm sóc nâng niu từ cả hai, học cách chia sẻ với người thân yêu khi lớn khôn.
Gian bếp nhóm lửa hạnh phúc gia đình. Nhìn vào gian bếp, bạn có thể biết gia đình mình hạnh phúc hay không. Nơi đó không chỉ có bữa cơm mỗi ngày, mà còn là không gian để cả gia đình chia sẻ việc nhà và trò chuyện cùng nhau, thể hiện cách chăm sóc của người mẹ và lòng quan tâm của người cha.
Những cái ôm siết trong bếp, những tiếng cười đùa hay pha trò hài hước, niềm hạnh phúc khi cùng làm món ăn ngon, nỗi tự hào khi món ăn mình nấu được người thương khen ngợi… sẽ làm nên những khoảnh khắc lãng mạn và hạnh phúc thực sự cho gia đình.
An San