Khi Feng Ping được thông báo ngôi nhà ở trung tâm Thượng Hải của mình sẽ bị giải tỏa, bà nghĩ ngay tới việc kiếm một người chồng mới. Ngôi nhà 20m2 là nơi ở của Feng, vợ chồng con trai và cháu bà nhưng nếu có thêm một người sống tại đó thì gia đình mới đủ chuẩn được đền bù cao hơn.
Feng, hiện 65 tuổi, nói rằng, ban đầu bà nghĩ tới việc mua giấy đăng ký kết hôn giả nhưng sau đó nhiều người thân khuyên không nên vì cơ quan chức năng có thể phát hiện. Nếu bị lộ, bây giờ Feng có thể bị phạt nặng, theo một thông báo vừa được Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia công bố tuần trước.
Theo Scmp, giả mạo các giấy tờ kiểu này là trái pháp luật và có thể bị phạt tù 3 năm. Tuy nhiên, các hồ sơ kết hôn giả thường bị phát hiện và từ chối ngay từ bước nộp đơn.
Hiện nay, để thắt chặt việc này, 31 tỉnh thành tại Trung Quốc đã thống nhất đưa vào "danh sách đen" những người sử dụng giấy đăng ký kết hôn giả. Bất cứ ai trong danh sách này sẽ bị cấm làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và xin trợ cấp từ chính phủ cũng như nhận các khoản đền bù khác.
Mặc dầu vậy, cuối cùng, Feng vẫn quyết định cưới một người lạ trên giấy tờ để đảm bảo có ba căn hộ vùng ngoại ô với tổng diện tích 170 m2. Bà trả cho "chồng" 100.000 nhân dân tệ trước khi cả hai ly hôn êm đẹp.
Cuộc hôn nhân giả của Feng không bị rơi vào "danh sách đen" bởi cả hai bên đều thực hiện các thủ tục hợp lệ.
Lu Xiaoquan, luật sư của công ty luật Qianqian có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết những cuộc hôn nhân giả như trường hợp của Feng vẫn hợp pháp bởi vẫn hiệu lực trên giấy tờ.
"Chính quyền chỉ xét tới giấy tờ kết hôn hay ly dị trên cơ sở liệu hai bên có tự nguyện hay mục đích họ đạt tới là gì. Vì thế các trường hợp này là vấn đề về đạo đức hơn là về pháp lý", Lu nói.
Nhưng không chỉ các cuộc hôn nhân giả mới được thực hiện để lách luật, ly dị giả cũng được dùng để trục lợi.
Bà nội trợ Sue Ma ở Phúc Châu, Phúc Kiến, đã chia tay chồng 3 năm trước để được mua ngôi nhà thứ hai với khoản trả góp lãi suất thấp hơn. Thời điểm đó, chính quyền thành phố đang cố gắng kìm mức tăng giá nhà bằng cách tăng lãi suất với các đôi vay mua căn thứ hai trở lên. Sau khi Ma và chồng ly hôn, ngôi nhà của cả hai ở Thượng Hải trở thành tài sản riêng của chồng theo thỏa thuận trước đó. Ma mua một ngôi nhà khác ở Phúc Châu mà không phải chịu lãi suất vay cao, tiết kiệm được 10.000 nhân dân tệ. Họ cưới lại sau khi mọi việc ổn thỏa.
Ma nói chị không bao giờ lo chồng sẽ phá vỡ thỏa thuận. "Tôi thì càng không rồi bởi việc đó là vì lợi ích của gia đình", chị nói. Người phụ nữ này kể rằng chị rất thoải mái trong quá trình ly hôn bởi biết có nhiều người khác cũng làm như mình.
"Tại Cục hành chính, nhiều người nộp đơn ly hôn trông rất phấn khởi, trừ một đôi đang cãi nhau. Với các nhân viên cục thì một phần công việc là hòa giải và thuyết phục các đôi nghĩ lại về quyết định chia tay chứ họ đâu bận tâm tới việc khác. Ai cũng biết chuyện gì đang xảy ra", chị nói.
Cách này ngày càng phổ biến đến mức tháng 8/2016, đơn vị hành chính tại quận Xuhui (Thượng Hải) phải giới hạn số đơn ly hôn sẽ giải quyết mỗi ngày vì quá tải.
Luật sư Lu nói rằng các chính sách phải được thắt chặt để loại bỏ những trường hợp lách luật kiểu này, bao gồm kiểm soát gắt gao hơn những người xin vay vốn mua nhà khi vừa ly dị xong.
Xu Weihua, một chuyên gia về quyền phụ nữ và tranh chấp gia đình tại Bắc Kinh, cho biết: "Thật đáng buồn khi hôn nhân bị đem ra để đạt một mục đích về vật chất. Điều vẫn được coi là thiêng liêng giờ lại trở thành một trò may rủi. Niềm tin và sự chung thủy đang mất đi trong hôn nhân", bà nói.
Xu nói rằng nhiều người, hầu hết là phụ nữ đã tới tư vấn sau khi ly hôn giả hóa thật. "Vấn đề phổ biến là sau khi ly hôn, tất cả các tài sản chung trong hôn nhân đều thuộc về người chồng và anh ta từ chối cưới lại", bà nói.
Vương Linh