Điểm nhấn của vòng 2 chính là chiến thắng của Hải Phòng trước Nam Định, giúp họ trở thành đội chủ nhà duy nhất giành trọn ba điểm qua tổng cộng 10 trận đã diễn ra từ đầu mùa. Đội bóng do HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt cũng là CLB duy nhất toàn thắng, và điều thú vị là những bàn quyết định cho Hải Phòng đều diễn ra ở phút bù giờ cuối cùng, trước Hà Tĩnh rồi Nam Định.
Dù Hải Phòng ít chuyển động trên thị trường chuyển nhượng, nhìn vào đội hình chính của họ, đó vẫn là một tập thể mạnh, nhất là khi người ngồi ghế chỉ đạo là Chu Đình Nghiêm - HLV rất giỏi về khả năng "liệu cơm gắp mắm" và năng lực điều chỉnh chiến thuật khi "thực chiến". Dàn cầu thủ mà ông Nghiêm đang có lúc này không hề kém so với khi ông tiếp nhận một Hà Nội T&T ngổn ngang giai đoạn 2016-2017.
Hải Phòng đang có bộ đôi ngoại binh từng đá cho Hà Nội FC - Moses và Rimario, có một Hải Huy tài hoa cầm nhịp ở tuyến giữa, xung quanh là những tuyển thủ U23 như Martin Lò, Bùi Tiến Dụng và Triệu Việt Hưng. Nếu đến một lúc nào đó, sau khi có được vị trí an toàn, Hải Phòng phô diễn lối chơi kiểm soát bóng, áp đặt đối phương, thì đó cũng không phải là điều bất ngờ. Với một mặt sân đẹp vừa được làm mới, những trận đấu trên sân Lạch Tray của đội bóng đất Cảng mùa này hứa hẹn rất đáng xem.
Ở trận tiếp Nam Định hôm 2/2, nếu không có màn "bẻ còi" của trọng tài Trần Đình Thịnh, đội bóng của ông Nghiêm đã thắng dễ hơn chứ không phải nhọc nhằn tới tận phút bù giờ. Nam Định vốn "rắn mặt", tinh thần mạnh mẽ, nhưng lối chơi của Hải Phòng khiến họ muốn bùng nổ cũng không được. Dù Hà Nội chưa ra sân mùa này vì Covid-19, những gì đã thể hiện qua hai vòng đấu cho thấy Hải Phòng có thể sẽ là một trong những đội bóng đáng xem nhất ở V-League 2022. Vấn đề lớn nhất của họ, có chăng, là chiều sâu đội hình, khi tuyến dự bị có độ vênh nhất định với đội hình chính.
Trận Hải Phòng - Nam Định chưa phải là màn đối đầu đỉnh cao, nhưng vẫn là cặp đấu có diễn biến hào hứng nhất trong một vòng đấu mà sự cẩn trọng bóp nghẹt cảm xúc. Màn đối đầu HAGL với Hà Tĩnh trên sân Pleiku là ví dụ. Trận đấu vốn thiếu "gia vị" do không đón khán khả, lại càng nhạt nhẽo khi HAGL không thể chuyển hoá ưu thế kiểm soát bóng thành các tình huống nguy hiểm. Trừ tiền đạo Nguyễn Văn Toàn với hai pha tăng tốc quen thuộc bên cánh phải khiến đối phương phải phạm lỗi, nhận thẻ, các thành viên còn lại của HAGL từ đội tuyển trở về đều đá dưới mức kỳ vọng. Trận thứ hai liên tiếp HLV Kiatisuk, dù tung hết lực lượng mạnh nhất vào sân, HAGL vẫn không thể ghi bàn. Thậm chí, số cơ hội nguy hiểm mà họ tạo ra qua hai vòng cũng chỉ dừng lại ở năm cú sút đi đúng hướng.
Về mặt kết quả, khởi đầu của HAGL không tệ hơn mùa trước, khi họ từng thua Sài Gòn FC ngay trận khai màn. Nhưng khi đó, Kiatisuk mới sang Việt Nam chỉ một tuần, còn bây giờ, ông đã có một năm để làm việc. Chính vì thế, có hai cách để lý giải thành tích thất vọng của HAGL. Hoặc họ chưa tìm được nhịp điệu chơi bóng khi các tuyển thủ quốc gia còn mệt mỏi. Hoặc là lối chơi mà Kiatisuk xây dựng cho HAGL đã không còn gây bất ngờ với các đối thủ.
Nhưng nếu nhìn một cách rộng hơn, còn một yếu tố khách quan, đó là V-League không còn khái niệm đội bóng yếu. Sự thực dụng đang xâm chiếm sân cỏ V-League, với các trận đấu mà chiến thuật đưa ra chủ yếu nhằm phá lối chơi của đối phương hơn là tìm cách giành chiến thắng. Hai đội bóng HAGL và TP HCM hiện được dẫn dắt bởi hai cựu tiền đạo xuất sắc - Kiatisauk và Trần Minh Chiến, nhưng khả năng tấn công vẫn hạn chế. Có đến ba trận hòa 0-0 sau hai vòng đấu thuộc về hai đội này. Ba trong bảy trận còn lại chỉ có tỷ số 1-0.
Công thức chung của các đội bóng sau hai vòng đầu V-League 2022 vẫn là các đường chuyền dài vào những khoảng trống bên phần sân đối phương để các ngoại binh to cao muốn làm gì thì làm. Sức ép không được để thua trong diễn biến phức tạp về nhân sự vì Covid-19 đang khiến các đôi chân tại V-League không được thanh thoát. Chính cái áp lực ấy đã khiến cho một đội như SLNA vừa thắng tại Bình Dương lại gục ngã ngay trên sân Vinh. Ngược lại, Bình Định và Bình Dương đã tìm được chiến thắng đầu tiên ngay trên sân khách.
Song Việt