Corinthians - không còn vô danh
Là CLB Brazil có lượng CĐV đông bậc nhất thế giới, nhưng về bề dày truyền thống, Corinthians vẫn kém một bậc so với những ông lớn Brazil có số má như Sao Paulo, Flamengo, Santos, Palmeiras. Ở tầm châu lục, đội bóng thuộc bang Sao Paulo này thậm chí còn bị liệt vào dạng vô danh tiểu tốt khi chưa một lần biết đến vinh quang trên các đấu trường cấp CLB Nam Mỹ.
Nhưng điều đó đã thay đổi trong năm 2012. Dựa trên một tập thể khiêm tốn được cóp nhặt từ nhiều gương mặt ít tiếng tăm và một ngôi sao hàng thải từ châu Âu - trung phong Pablo Guerrero, Corinthians bất ngờ vô địch Copa Libertadores, sân chơi số một Nam Mỹ cấp CLB sau khi đánh bại một loạt đối thủ sừng sỏ gồm Emelec (Ecuador), Vasco da Gama, Santos (Brazil) rồi Boca Juniors (Argentina). Bí quyết để họ thành công rất đơn giản - lấy tinh thần tập thể kim chỉ nam và tuân thủ triệt để triết lý bóng đá đề cao tinh thần tập thế, sức mạnh cơ bắp và thực dụng của HLV Tite, người cũng là một cái tên vô danh trong giới cầm quân ở Nam Mỹ.
Thành công nối tiếp thành công. Vẫn với tập thể những con người khiêm tốn ấy và lối chơi bị cho là phản cảm, đi ngược lại phong cách phóng túng truyền thống của bóng đá Brazil, Corinthians tiếp tục gây chấn động, lần này ở tầm thế giới, khi dự FIFA Club World Cup. Sau khi vượt qua nhà vô địch châu Phi Al Ahly ở bán kết, thầy trò HLV Tite thắng thuyết phục đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn là Chelsea trong trận chung kết để trở thành CLB số một thế giới năm 2012.
Italy - bất ngờ của Euro 2012
Trong đà suy thoái chung của cả nền bóng đá, Italy không được đánh giá cao trước thềm giải đấu ở Ba Lan - Ukraine. Lực lượng vốn đã không có chất lượng quá cao của họ thậm chí còn bị cho là suy yếu đáng kể khi nghi án tiêu cực bùng phát với sự liên can của một số trụ cột như thủ môn Buffon, trung vệ Bonucci, hậu vệ trái Criscito, buộc HLV Prandelli phải bấm bụng gạt Criscito khỏi danh sách dự giải ngay trước thời điểm lên đường.
Nhưng khó khăn đó chẳng những không thể đánh gục Italy, mà ngược lại, còn làm cho thầy trò HLV Prandelli thêm mạnh mẽ, sắt đá và kiên định. Sau khi lách qua khe cửa hẹp ở vòng bảng để cùng Tây Ban Nha đi tiếp, bằng thứ bóng đá tấn công, đề cao chất kỹ thuật và khả năng kiểm soát bóng mà Prandelli dày công gầy dựng, Italy xuất sắc vượt qua Anh ở tứ kết rồi đánh bại ứng cử viên vô địch Đức trong trận bán kết. Dù thảm bại 0-4 khi tái ngộ Tây Ban Nha ở trận chung kết, Euro 2012 vẫn có thể được xem như một mốc son của tuyển Italy trong thời kỳ quá độ, chuyển giao thế hệ và là bất ngờ thú vị của ngày hội bóng đá châu Âu.
U23 Mexico - 'nhỏ mà có võ'
Khác với Brazil, Tây Ban Nha, hay chủ nhà Anh quốc, U23 Mexico không được xếp vào diện ứng cử viên cho bộ HC vàng môn bóng đá nam ở Olympic 2012. Ngay cả khi họ xếp nhất vòng bảng, rồi lần lượt đánh bại hai hiện tượng là Senegal rồi Nhật Bản ở tứ kết và bán kết, giới chuyên môn vẫn không thay đổi quan điểm và cho rằng lọt vào chung kết đã là thành công quá lớn, bởi trước đó, Mexico chưa từng đứng ở một trong ba vị trí cao nhất sân chơi bóng đá nam Thế vận hội.
Khả năng đại diện CONCACAF này đoạt HC vàng hầu như không được nhắc tới khi Mexico mất ngôi sao sáng nhất Giovanni Dos Santos, còn đối thủ của họ trong trận chung kết là Brazil, đội có bộ khung cầu thủ trẻ tài năng được quy hoạch cho World Cup 2014, thắng như chẻ tre trên đường vào chung kết.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn đã diễn ra trên sân Wembley, trong cuộc đấu tưởng chừng không cân sức ấy. Tân dụng sự bất cẩn của hàng thủ Brazil, Mexico mở tỷ số ngay phút thứ nhất rồi trình diễn thứ bóng đá phòng ngự phản công tuyệt vời để rồi một lần nữa gây bất ngờ trong hiệp hai, khi nhân đôi cách biệt vẫn bằng cách trừng phạt một sai sót của đối phương. Chiến thắng 2-1 trong trận đấu giữa David và Goliath đó giúp Mexico vinh quy bái tổ với chiếc HC vàng danh giá ngay lần đầu tiên đoạt huy chương bóng đá nam ở Olympic.
Montpellier - nhà nghèo vượt khó
Chức vô địch Pháp mùa trước của Montpellier được ví như một câu chuyện cổ tích ở giải Ligue 1.Khi mùa giải bắt đầu, đội chủ sân Stade de La Mosson thậm chí còn không được liệt vào nhóm đủ khả năng chen chân top 5 để giành vé dự Cup châu Âu, đơn giản vì với ngân sách eo hẹp và những cầu thủ thuộc dạng cây nhà lá vườn, Montpellier rõ ràng chẳng là gì so với những ông lớn hoặc giàu truyền thống, hoặc mạnh vì gạo bạo vì tiền khác, nhất là PSG, đội đã ném cả trăm triệu euro vào việc chiêu binh mãi mã trước giờ bóng lăn.
Nhưng càng vào giải, Montpellier càng đá hay, thăng hoa dựa trên nền tảng là tinh thần đồng đội, sự thấu hiểu của một tập thể từng chinh chiến cạnh nhau trong một thời gian dài từ thời còn ở giải hạng hai và thứ bóng đá hồn nhiên, không biết sợ của một kẻ chẳng có gì để mất. Ngay cả khi được tăng cường thêm một loạt ngôi sao và HLV, "nhà truyền giáo bóng đá danh tiếng" Carlo Ancelotti trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa, PSG vẫn không thể bắt kịp Montpellier để rồi phải ngậm ngùi về nhì ở Ligue 1 với ba điểm ít hơn.
Chiến thắng của Montpellier trước PSG được xem như minh chứng hùng hồn cho thấy tiền bạc không phải lúc nào cũng có thể mua được thành công ngay tức khắc và những đội bóng nhà nghèo vẫn có thể thành công bằng sự đoàn kết, kiên định, lòng quả cảm.
Newcastle và Moenchengladbach - bay cao sau khi trở về từ cõi chết
Cùng thoát hiểm ngoạn mục trong cuộc chiến trốn xuống hạng mùa 2010-2011, Newcastle và Moenchengladbach đã thăng hoa ở mùa giải tiếp theo và trở thành những hiện tượng thú vị nhất ở giải đấu của họ, dù lực lượng không có quá nhiều biến động vì ngân sách hạn hẹp.
Tại Ngoại hạng Anh, Newcastle thắng 19 trong tổng số 38 trận, trong đó có 15 trận giữ sạch lưới, và xuất sắc cán đích thứ năm. Có nhiều thời điểm, Newcastle còn vươn lên đại diện cho phần còn lại thách thức hai ông lớn thành Manchester - MU và Man City - trên nhóm đầu.
Tại Bundesliga, Moenchengladbach gây sốc ngay vòng mở màn khi đánh bại Bayern 1-0 ngay tại sào huyệt đối phương, chiến thắng đầu tiên của họ trước ông lớn này sau 16 năm. Màn đề-pa ấn tượng đó là chất xúc tác đội bóng của HLV Lucien Favre thêm tự tin trên chặng đường tiếp theo để rồi cán đích ở vị trí thứ tư, chiếm suất đấu play-off Champions League.
Dẫu chỉ là mang tính thời vụ (cả hai đều sa sút trong nửa cuối năm 2012) và dựa trên sự thăng hoa đột xuất về tinh thần hơn là nhờ vào cách tổ chức xây dựng lực lượng, lối chơi bài bản, thành công mà Newcastle và Moenchengladbach đạt được vẫn có thể được xem như bất ngờ thú vị của năm 2012.
Malaga - giỏi liệu cơm gắp mắm
Sau khi "hóa rồng" với vị trí thứ tư ở La Liga 2011-2012 nhờ những khoản đầu tư lớn từ Hoàng gia Qatar, Malaga bỗng dưng thấy họ lâm vào khó khăn. Không còn được rót tiền, nợ lương cầu thủ, HLV và phải bán đi một số trụ cột như Cazorla, Rondon, Malaga được dự báo sẽ trở lại với máng lợn là cuộc chiến trụ hạng như trước kia. Tuy nhiên, những dự báo đó sớm trở thành lố bịch khi đội chủ sân La Rosaleda thậm chí còn thi đấu thành công hơn cả mùa giải trước đó.
Nhờ tài liệu cơm gắp mắm và chiến thuật đúng đắn của HLV Pellegrini, Malaga vẫn ổn định trong top 4 ở La Liga mùa 2012-2013. Còn trên đấu trường châu lục, đội bóng khó khăn này tạo tiếng vang lớn khi đánh bại Panathinaikos ở vòng play-off để lọt vào vòng bảng Champions League, nơi thầy trò Pellegrini bất bại qua sáu trận và xếp nhất bảng với 12 điểm, trên cả tên tuổi lớn Milan và khiến đội nhà giàu Nga Zenit St Petersburg phải xuống đá ở Europa League.
Phương Minh