Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong 130 doanh nghiệp niêm yết đã thông báo chia cổ tức năm 2013, số đơn vị trả cổ tức trên 30% giảm gần một nửa so với năm 2012. Không một công ty nào trả cổ tức trên 60%.
Dẫn đầu về mức thanh toán cổ tức năm 2013 trên cả 2 sàn chứng khoán là Công ty cổ phần cơ khí khoáng sản Hà Giang (Mã CK: HGM), với tỷ lệ 50%. Cổ đông được nhận 2 đợt: 25% trong tháng 9 và 25% vào tháng 12/2013. Tuy nhiên, mức chi trả này vẫn thua xa con số 120% mà doanh nghiệp dành cho cổ đông trong năm 2012.
Hoạt động kinh doanh khó khăn hơn mọi năm là nguyên nhân khiến tỷ lệ cổ tức tại doanh nghiệp đi xuống. Năm 2013, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 165 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 87 tỷ, giảm 36,4% so với năm ngoái. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu hạ một nửa so với năm ngoái, trong khi nợ phải trả đến cuối năm tăng gấp đôi đầu năm.
Theo lý giải của công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm so với 2012 vì đơn giá, doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính giảm, nhất là khoản thu nhập khác trong quý IV hạ tới 99,84% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Mã CK: ABT) đứng thứ 2 về tỷ lệ chi trả, với 45%. Tỷ lệ này giảm 15% so với năm ngoái. Theo báo báo tài chính quý IV/2013, lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm đạt 74,2 tỷ đồng, giảm 5 tỷ. Lãnh đạo công ty cho biết, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mức độ kinh doanh ổn định. Do đó, đơn vị này duy trì cổ tức cao so với mặt bằng chung của thị trường để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Cũng chia cổ tức 45% là Công ty cổ phần Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (Mã CK: PSD). So với năm ngoái mức cổ tức này không có gì thay đổi. Báo cáo tài chính năm 2013 của công ty cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm đạt 6.289 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế về 77 tỷ đồng, giảm 23,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ít hơn so với 2012 vì phần thu nhập khác sụt giảm 26,7 tỷ đồng.
Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (Mã CK: BMC), Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (Mã CK: BMP), Công ty cổ phần Đá Núi Nhỏ (mã CK: NNC) và Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam... cùng chia cổ tức 30%. Đây đều là những đơn vị niêm yết trên sàn TP HCM. Theo báo cáo tài chính năm 2013, cả năm 4 công ty trên đều có lãi cao.
Anh Thanh, một nhà đầu tư chứng khoán trên sàn ACBS cho biết, trong tình kinh tế khó khăn như năm qua, chia cổ tức trên 20% giúp nhà đầu tư lấy lại hứng thứ với thị trường. Những công ty 2 năm qua không trả cổ tức cho cổ đông đã bị loại khỏi danh mục nắm giữ của anh.
“Tôi quan tâm đến các mã có tính phòng thủ cao, tăng trưởng tốt hàng năm nhưng phải trả cổ tức đều đặn. Thông thường, một nhà đầu tư khi nắm cổ phiếu cũng chỉ quan tâm đến cổ tức và tốc độ tăng trưởng giá. Trong đó tốc độ tăng giá lại phụ thuộc nhiều vào đà phục hồi kinh tế nên cũng phải tùy cơ hội”, anh Thanh nói.
Còn anh Hoàng, nhà đầu tư trên sàn HSC cho biết, ngoài việc đầu tư vào các mã có tăng trưởng tốt thì việc chia cổ tức cho nhà đầu tư giống như một phần tiền thưởng cuối năm giúp nhà đầu tư có thêm niềm vui. Do vậy, doanh nghiệp vừa tăng trưởng tốt vừa có chút phần thưởng cho cổ đông, họ sẽ luôn vui vẻ đồng hành lâu dài với doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, so với năm ngoái, nhìn chung tỷ lệ cổ tức 2013 có phần thấp hơn 2012, tuy nhiên cũng hợp lý do lãi suất ngân hàng năm qua giảm mạnh.
“Vẫn có nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao 30% hoặc hơn. Nhưng năm vừa qua, đa số doanh nghiệp cần vốn để tài trợ cho các hoạt động sản suất kinh doanh”, ông Long giải thích.
Theo chuyên gia này, các công ty có kết quả kinh doanh tốt mới trả cổ tức cao. Năm 2014, mặt bằng trả cổ tức có thể còn cao hơn do tình hình kinh tế đã có phần cải thiện, khó khăn dần lùi xa. Nhà đầu tư nên chú ý các công ty thuộc các ngành có mức tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng nhiều của nền kinh tế, trả cổ tức cao như ngành dược, điện, dầu khí...
Hồng Châu - Tường Vi